Một nguồn tin của chính phủ Nga tiết lộ trên tờ "Vedemosti" (Nga) rằng toàn bộ các bộ, các cơ quan trực thuộc chính phủ Nga đều được lệnh phải giảm 10% ngân sách trong năm 2016. Tới ngày 15/6, nếu bất kỳ bộ nào hay cơ quan nào không đệ trình kế hoạch cắt giảm ngân sách, Bộ Tài chính sẽ tự động cắt giảm ngân sách dành cho họ.
Trong ảnh chụp năm 2009 là cuộc gặp giữa ông Putin khi đó nắm giữ chức vụ Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov. Ảnh: government.ru
|
Theo bài viết trên trang báo điện tử của Tổ chức phân tích thông tin tình báo "Stratfor", chỉ đạo này không chỉ là phản ứng trước tình hình kinh tế khó khăn của Nga mà còn là sự thừa nhận trực tiếp của Điện Kremlin rằng họ không thể trì hoãn cuộc cải cách tài chính vì bất kỳ lý do chính trị nào nữa.
Nó cũng là dấu hiệu cho thấy giới tinh hoa tài chính của Nga đang thắng thế trong nội bộ Điện Kremlin. Đáng chú ý là có tin ngay cả lĩnh vực quốc phòng bất khả xâm phạm cũng bị ảnh hưởng bởi chỉ đạo cắt giảm ngân sách này. Chỉ có duy nhất một lĩnh vực không bị ảnh hưởng là lương hưu.
Việc lương hưu "không bị động đến" cho thấy Điện Kremlin đang lo sợ nguy cơ xảy ra bạo động xã hội ở Nga. Năm 2005, khi chính phủ cắt giảm lương hưu và lợi tức xã hội, các cuộc biểu tình đường phố đã diễn ra trên khắp nước Nga. Các cuộc biểu tình đó, thu hút được tới 100.000 người tham gia ở một số thành phố, có quy mô lớn nhất ở Nga trong vòng 1 thập niên.
Những người biểu tình phong tỏa đường sá ở các thành phố chính, cướp xe khách và tràn vào các tòa nhà của chính phủ. Phản ứng dữ dội này xuất hiện trong bối cảnh nền kinh tế Nga tương đối ổn định và đang tăng trưởng. Giờ đây, Nga đang chìm trong suy thoái, đồng nội tệ mất giá và lạm phát đang ở mức cao thứ hai kể từ khi ông Putin lên cầm quyền. Trong bối cảnh đó, cắt giảm lương hưu có thể làm dấy lên một "cơn bão" biểu tình.
Thay vì nhằm mục tiêu vào chi tiêu xã hội, Điện Kremlin phải đưa ra một quyết định đầy khó khăn, đó là giảm chi tiêu quốc phòng. Nga đang tiến hành các chiến dịch quân sự lớn tại Ukraine và Syria, đồng thời đối phó với việc NATO tăng cường sự hiện diện ngay sát biên giới nước này.
Nhân viên kỹ thuật không lực Nga chuẩn bị cho máy bay chiến đấu tại căn cứ không quân tại Latakia, Syria. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Thậm chí, trong ngân sách khắc khổ ban đầu của năm 2016, chi tiêu quốc phòng tuy không bị cắt, song chỉ được tăng 0,8%. Nếu chính phủ giảm 10% chi tiêu quốc phòng, Nga vẫn có thể duy trì các hoạt động quân sự hiện hành, song sẽ phải cắt giảm một số lĩnh vực khác như là chương trình tái vũ trang.
Chi tiêu quốc phòng bị giảm cũng sẽ là một chiến thắng hiếm hoi đối với Bộ Tài chính. Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov lâu nay vẫn lớn tiếng chỉ trích chi tiêu quốc phòng và chương trình tái vũ trang đầy tham vọng. Người tiền nhiệm của ông, ông Alexei Kudrin, đã rời nhiệm sở cũng vì lý do này.
Có tin cho biết kể từ khi trở thành bộ trưởng tài chính vào năm 2011, ông Siluanov đã liên tục thất bại mỗi khi cố gắng thúc đẩy cải cách chi tiêu và cải cách kinh tế do thiếu sức nặng chính trị. Không chỉ phải đối phó với giới quốc phòng và an ninh đầy quyền lực, ông Siluanov còn tự đẩy mình vào thế bất hòa với ông Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev.
Hơn nữa, đang rộ lên tin đồn rằng ông Kudrin sẽ trở lại chính phủ. Ông Kudrin được xem là một trong số những chính khách Nga giành được thiện cảm của phương Tây. Ông giữ chức bộ trưởng tài chính vào thời điểm các nhà lãnh đạo Nga coi trọng an ninh quốc gia và quốc phòng hơn là cải cách kinh tế và tài chính.
Kể từ khi rời chính phủ, ông Kudrin đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ chuyên thúc đẩy xã hội dân sự và nhân quyền. Ngoài việc gây dựng được một đội ngũ trung thành, ông Kudrin cũng thu hút sự chú ý bằng lời kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống sớm. Trong một động thái được lòng dân khác, ông Kudrin đang đưa ra nhiều ý tưởng để thuyết phục phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt và thu hút đầu tư nước ngoài trở lại Nga.