Kết quả bầu cử và cán cân quyền lực tại Iran

Iran đang háo hức chuyển từ một nền chính trị thần quyền sang một nền dân chủ cởi mở hơn, song người ta cho rằng sẽ khó có những thay đổi nhanh chóng về mặt quyền lực.

Thắng lợi vang dội của Tổng thống Iran Hassan Rouhani và các đồng minh trong cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Chuyên gia là bằng chứng cho thấy quốc gia từng bị cô lập này đang háo hức chuyển từ một nền chính trị thần quyền sang một nền dân chủ cởi mở hơn, song người ta cho rằng sẽ khó có những thay đổi nhanh chóng về mặt quyền lực.

Hệ thống chính trị đặc biệt của Iran - tồn tại song song giới tăng lữ cầm quyền và chính quyền cộng hòa - khiến quyền đưa ra các quyết định quan trọng luôn nằm trong tay giới bảo thủ Hồi giáo, những người từng nhiều lần siết chặt quyền lực khi cảm thấy bị đe dọa. Tổng thống Rouhani có thể sẽ có thêm động lực để mở cửa nền kinh tế, vốn bị hủy hoại do một thập kỷ chịu sự trừng phạt của quốc tế, song khả năng tiến hành và thúc đẩy nhiều hơn các tự do về xã hội và chính trị sẽ bị cản trở ít nhiều bởi nhiều nhân vật cứng rắn vẫn đang nắm quyền kiểm soát cơ quan tư pháp, lực lượng vũ trang và truyền thông Iran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani sau khi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử và bầu cử Hội đồng chuyên gia ở Tehran ngày 26/2. Ảnh: THX/TTXVN

Những gì ông Rouhani và những người ủng hộ ông giành được trong các cuộc bầu cử vừa qua chắc chắn là một bước lùi đáng kể với giới diều hâu vốn luôn phản đối mọi hướng đi nhằm cởi mở hơn với phương Tây. Nhiều người chỉ trích thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với các cường quốc thế giới đã bị đánh bại. Giới ôn hòa và cải cách không chỉ "càn quét" cuộc bầu cử Quốc hội, nơi phe bảo thủ vẫn thao túng suốt từ năm 2004, mà còn giành được tới 15 trên tổng số 16 ghế đại diện cho khu vực Tehran tại Hội đồng Chuyên gia 88 thành viên, thể chế có trách nhiệm bổ nhiệm lãnh tụ tối cao của Iran. Hai nhân vật cứng rắn nắm giữ các vị trí chủ chốt, trong đó có chủ tịch hội đồng này cũng đã bị đánh bật. Các đồng minh của ông Rouhani giành được toàn bộ 30 ghế đại diện khu vực Tehran trong cuộc bầu cử Quốc hội, mặc dù kết quả ở nhiều khu vực khác không được khả quan như vậy, do phe bảo thủ vẫn nắm giữ nhiều vị trí ở cả hai thể chế.

Nguyện vọng của người dân

Theo số liệu không chính thức của Reuters, trong 290 ghế Quốc hội, phe bảo thủ giành 112 ghế, phe cải cách và ôn hòa giành 90 ghế trong khi các cộng đồng thiểu số và ứng cử viên độc lập giành được 29 ghế. Những con số này chỉ là tương đối bởi có những ứng cử viên được cả hai phe ủng hộ. Ngày 29/2, Bộ trưởng Nội vụ Iran Abdolreza Rahmani Fazli cho biết nước này đã hoàn tất công tác kiểm phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra hôm 26/2. Tuy nhiên, tại 59 khu vực bầu cử, những nơi không có ứng cử viên nào giành chiến thắng rõ ràng, sẽ phải tiến hành bầu cử vòng hai để xác định số ghế còn lại. Dự kiến các cuộc bầu cử đó sẽ diễn ra vào giữa tháng 4 tới.

Một nhà phân tích tại Tehran, đề nghị giấu tên, nói: “Kết quả bầu cử khu vực Tehran phản ánh rõ xu hướng ủng hộ cải cách và tập trung vào phát triển kinh tế cũng như quan hệ đối ngoại… Ông Rouhani sẽ có những biện pháp ổn định nền kinh tế và mở cửa hơn nữa trong chính sách đối ngoại, tuy nhiên cơ cấu chính quyền nói chung và cách tiếp cận của chính quyền sẽ không có nhiều thay đổi. Ngôn từ có thể sẽ khác song cán cân quyền lực vẫn giữ nguyên”.

Các phóng viên Iran tại cuộc họp báo của Bộ Nội vụ Iran sau khi công bố kết quả sơ bộ bầu cử Quốc hội ngày 28/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Những tranh cãi này có thể sẽ định hình thế hệ tiếp theo tại Iran, nơi hiện 60% trong tổng số 80 triệu dân là dưới 30 tuổi và rất muốn được hòa nhập với cộng đồng quốc tế cũng như tham gia vào thị trường thế giới sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết và hầu hết các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Trong số những đối thủ của ông Rouhani có nhiều nhân vật ủng hộ cựu Tổng thống dân túy Mahmoud Ahmadinejad, nhiều tăng lữ có tư tưởng diều hâu như Giáo chủ Mohammad-Taghi Mesbah Yazdi, người đã mất ghế trong quốc hội song vẫn là nhân vật có nhiều ảnh hưởng, thân cận với Đại Giáo chủ Khamenei và có vị trí nhất định đối với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Đồng minh của ông Rouhani, cựu Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani, người đã trải qua mọi thăng trầm trên chính trường Iran kể từ khi cuộc Cách mạng 1979 bùng phát, đã dẫn đầu trong số 16 nhân vật đắc cử Hội đồng Chuyên gia tại Tehran. Trên trang Twitter cá nhân, ông kêu gọi những người chủ trương cứng rắn không nên tiếp tục cản trở cải cách. Ông viết: “Không ai có thể kháng cự nguyện vọng và quyết tâm của đại đa số người dân, và những người không được dân chúng lựa chọn đã phải đứng sang một bên”. Dòng bình luận của ông Rafsanjani ngầm ám chỉ kết quả của các cuộc bầu cử đang bắt đầu làm thay đổi cán cân quyền lực tại nước Cộng hòa Hồi giáo này. Những thành tựu của Tổng thống Rouhani và các đồng minh càng củng cố khả năng tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào năm tới. Kết quả của các cuộc bầu cử cũng tác động tới việc lựa chọn người kế nhiệm ông Khamenei, người nắm quyền lực tối cao, hiện đã 76 tuổi.

Những vị trí giành được trong Quốc hội có thể giúp ông Rouhani củng cố mục tiêu mở cửa Iran với thương mại và đầu tư nước ngoài, đồng thời nới lỏng nhiều hạn chế đang cản trở các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử có thể giúp nhà lãnh đạo này tiến được bao xa trong cuộc chiến chống tham nhũng và hạn chế các lợi ích kinh tế nhóm vẫn là điều chưa rõ ràng.

Vẫn còn quá sớm để ăn mừng

Phần lớn giới phân tích đều cho rằng vẫn còn quá sớm để những người ủng hộ cải cách hoặc giới trẻ Iran, những người đang háo hức trước các thay đổi, có thể ăn mừng và mong chờ về các chuyển biến trong lĩnh vực nhân quyền và tự do xã hội, vốn vẫn bị ràng buộc bởi nhiều tập tục và truyền thống. Việc mở cửa hơn ra với thế giới sau các chiến thắng vang dội, cũng như sự ủng hộ giành cho ông Rouhani, đã khiến nhiều đồng minh cứng rắn của ông Khamenei lo ngại. Họ lo ngại mất đi quyền kiểm soát nhịp độ thay đổi, cũng như các ảnh hưởng đối với lợi ích kinh tế mà họ đã tạo dựng nên trong suốt thời kỳ Iran chịu sự trừng phạt của quốc tế.

Một số nhà phân tích cho rằng giới cải cách có thể đạt được các thành tựu nhất định nếu họ củng cố được thế đa số và có tiếng nói đáng kể trong việc lựa chọn lãnh tụ tinh thần cho Iran. Tuy nhiên, đây cũng là điều mà phe bảo thủ nhận thức được. Phó Giáo sư Izadi nói: “Nhiều nhân vật cứng rắn đã mất ghế trong Hội đồng Chuyên gia. Điều này khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn bởi những người ở lại hầu hết là các nhà thần học hoặc luật sư, chứ không phải là các chính trị gia, song họ có rất nhiều quyền lực… Nếu họ không đồng tình với những gì lãnh tụ tối cao làm, và phe thiểu số là các đồng minh của ông Rouhani và Rafsanjani, họ có thể sẽ gây áp lực với nhà lãnh đạo này”, thậm chí ngay cả trong trường hợp ông Rafsanjani trở thành người đứng đầu Hội đồng Chuyên gia.

Cuộc đấu tranh quyền lực chưa có hồi kết

Các áp lực có thể tác động tới quyết định lựa chọn người đứng đầu cơ quan tư pháp của ông Khamenei, một rào cản lớn của phe bảo thủ. Ông Izadi nói: “Sẽ có những thay đổi”, và ông Khamenei có thể sẽ tìm cách cân bằng sức ảnh hưởng với phe cải cách và ôn hòa. Điều này cũng có thể được thể hiện trong quá trình chỉ định Chủ tịch Quốc hội Iran, vị trí hiện đang do ông Ali Larijan - từng là đồng minh của ông Khamenei song sau đó đã quay sang ủng hộ Tổng thống Khamenei - nắm giữ. Ông này có thể sẽ được tái bổ nhiệm để đổi lấy việc ủng hộ các cải cách kinh tế của ông Rouhani. Đối thủ chính của ông Ali Larijan là Mohammad Reza Aref- cựu Phó Tổng thống dưới thời ông Khatami, và là ứng cử viên hàng đầu của phe cải cách trong cuộc bầu cử Quốc hội- đã về nhất tại khu vực Tehran.

Nhà kinh tế học Saeed Leylaz, đồng thời là một nhà phân tích ủng hộ cải cách, cho rằng với kết quả đã đạt được, giờ là lúc ông Rouhani và Quốc hội bắt đầu tìm cách tự do hóa nền kinh tế, giải quyết tình trạng tham nhũng, thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất. Ông nói: “Chúng ta phải tiến tới với các biện pháp tự do hóa thị trường, chúng ta không còn lựa chọn nào khác nếu muốn giảm đói nghèo… Quyền lực tối cao vẫn thuộc về lãnh tụ Khamenei. Sẽ không có những thay đổi nhanh chóng hay đáng kể. Có lẽ, những ảnh hưởng mà phe cải cách và ôn hòa có được tại Quốc hội sẽ chỉ đem lại những biến chuyển về mặt kinh tế”.

TTXVN/Tin Tức
Chiếc “neo” Nga trong cuộc bầu cử Iran
Chiếc “neo” Nga trong cuộc bầu cử Iran

Theo kết quả sơ bộ, những người có xu hướng thân Phương Tây đang giành chiến thắng ở Tehran. Và Moskva không khỏi bận tâm vì điều này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN