Kế hoạch tiếp quản Gaza của Mỹ tác động thế nào đến ổn định ở Trung Đông?

Các nhà quan sát nhận định đề xuất của Tổng thống Donald Trump về việc di dời người dân Palestine khỏi Gaza và tiến hành tiếp quản vùng đất bị chiến tranh tàn phá này có thể gây tổn hại đến triển vọng ổn định của khu vực.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ở Washington, D.C., ngày 4/2. Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN

Đề xuất này, được Tổng thống Trump đưa ra vào ngày 4/2, đã bị các quốc gia trong khu vực như Jordan và Ai Cập bác bỏ. Liên hợp quốc cũng đã cảnh báo về “cuộc thanh trừng sắc tộc” ở Gaza, nơi sinh sống của khoảng 2,3 triệu người Palestine. Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas về giai đoạn thứ hai của thỏa thuận ngừng bắn đang diễn ra.

Tính hợp pháp của đề xuất

Ông Nader Hashemi, Phó giáo sư về chính trị Trung Đông và Hồi giáo tại khoa Ngoại giao Edmund A Walsh thuộc Đại học Georgetown, cho rằng vẫn phải chờ xem liệu ông Trump có thể thực hiện được kế hoạch này hay không.

“Về phần mình, tôi hoài nghi về điều đó. Mỹ không thể đơn phương thực hiện kế hoạch trục xuất hàng loạt này vì nó phụ thuộc vào việc các quốc gia Arab láng giềng có chấp nhận người Palestine từ Gaza hay không”, ông Hashemi nói.

Ông cũng cho rằng đây là một “suy nghĩ viển vông”. Ông lập luận đây là thời điểm rất nguy hiểm, rất khó khăn, đặc biệt là đối với người dân Gaza và đề xuất của ông Trump về Gaza sẽ gây ra những hậu quả rất lâu dài đối với vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế và những gì cấu thành nên trật tự thế giới.

Các nhà quan sát khác cảnh báo kế hoạch này vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là quyền lợi của người Palestine. Ông Peter Layton, nghiên cứu viên tại Đại học Griffith, cho rằng ông Trump khó có thể thuyết phục khoảng 2 triệu người Palestine rời khỏi Gaza một cách hòa bình và đến nơi khác. Hơn nữa, việc tái thiết Gaza sẽ cần một khoản chi phí rất lớn, điều mà ông Trump khó có thể thực hiện trong vòng 10-15 năm tới.

“Với Tổng thống Trump, các điều kiện rất bất ổn. Không rõ liệu ông ấy có thực sự nghiêm túc hay chỉ muốn đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những điều khác đang diễn ra, chẳng hạn việc tái thiết Chính phủ Mỹ”, ông nói.

Tác động đến hoà bình Trung Đông

Chú thích ảnh
Người tị nạn Palestine trở về nhà tại Dải Gaza ngày 27/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Mặc dù Tổng thống Trump cho biết đề xuất của ông đã nhận được sự ủng hộ từ giới lãnh đạo cấp cao ở Trung Đông, nhưng chuyên gia Layton cho rằng có rất ít nhà lãnh đạo trong khu vực thực sự đứng về phía ông Trump.

Các quan chức cấp cao của Hamas cũng gọi ý tưởng của ông Trump là “công thức tạo ra sự hỗn loạn” trong khu vực.

Phó giáo sư Hashemi cho rằng sự phản đối mạnh mẽ từ người Palestine là điều dễ hiểu, vì họ thiếu một lãnh đạo có tổ chức để đại diện trên trường quốc tế.

“Tôi nghĩ rằng đề xuất của ông Trump thực sự phản ánh sự mất cân bằng quyền lực nghiêm trọng giữa Israel và Palestine. Về cơ bản, người Palestine có rất ít quyền lực chính trị hay quân sự”, ông nói.

Bất đồng trên trường quốc tế

Chú thích ảnh
Người dân đứng bên đống đổ nát tại Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Sau khi phải đối mặt với làn sóng chỉ trích quốc tế mạnh mẽ, các quan chức cấp cao trong Chính quyền của Tổng thống Trump đã bảo vệ kế hoạch gây tranh cãi của ông về Gaza, song đồng thời cũng đã hạ thấp kỳ vọng và điều chỉnh các yếu tố trong đề xuất.

Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Karoline Leavitt, đã trấn an công chúng rằng kế hoạch của Tổng thống Trump chỉ nhằm tạm thời di dời người Palestine khỏi Gaza, chứ không phải tái định cư vĩnh viễn tại các quốc gia có đa số dân là người Arab. Bà cũng khẳng định rằng Mỹ sẽ không chi trả cho việc tái thiết Gaza và không có ý định triển khai quân đội đến vùng đất này.

Bà Leavitt giải thích rằng Tổng thống Trump kỳ vọng các đối tác của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là Ai Cập và Jordan, sẽ tạm thời tiếp nhận người tị nạn Palestine, để Mỹ có thể xây dựng lại quê hương của họ.

Ông Amin Saikal, nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, nhận định rằng việc các quan chức Mỹ điều chỉnh kế hoạch cho thấy họ đã nhận thức được sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế đối với đề xuất của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng điều này phản ánh tư duy của chính Tổng thống Trump, và việc các quan chức Nhà Trắng rút lui cho thấy chiến lược Trung Đông của Washington chưa được củng cố vững vàng.

Ông Saikal tiếp tục chỉ ra rằng Tổng thống Trump có một nhóm cố vấn Trung Đông có khuynh hướng ủng hộ Israel mạnh mẽ. Điều này, theo ông, cho thấy sự thiếu thiện chí từ chính quyền Trump trong việc tham gia vào các nỗ lực hòa bình thực sự tại khu vực, cũng như trong việc đảm bảo rằng giai đoạn thứ hai của lệnh ngừng bắn giữa Israel và Palestine sẽ diễn ra suôn sẻ.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera)
Quốc tế bất đồng về đề xuất với Dải Gaza của Tổng thống Mỹ
Quốc tế bất đồng về đề xuất với Dải Gaza của Tổng thống Mỹ

Cộng đồng quốc tế đã có phản ứng trái chiều về đề xuất Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tiếp quản Dải Gaza và tái định cư người Palestine ở các nước khác. Theo đó, đề xuất của nhà lãnh đạo Mỹ nếu được thực hiện có thể làm gia tăng căng thẳng và mất ổn định khu vực Trung Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN