Thất vọng vì bị Mỹ "bỏ rơi" trong việc quyết định không tấn công quân sự đối với Syria, Saudi Arabia đang cùng với Pakistan có kế hoạch huấn luyện thêm hàng chục nghìn tay súng nước ngoài trong một nỗ lực mới nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.Theo tờ Foreignpolicy, hai nước này sẽ cùng với Jordan, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất và Pháp đang áp dụng chính sách mới để tăng cường số lượng các phiến quân ở Syria. Kế hoạch trên không có sự tham dự của Mỹ là một dấu hiệu mới nhất cho thấy Riyadh và Washington có sự chia rẽ sâu sắc khiến cho Saudia Arabia phải dựa vào các đồng minh trong khối Arâp cộng với Pháp và Paskistan.
Phiến quân Syria. Ảnh: FP |
Saudi Arabia hiện đang là nhà tài trợ chính nhất cho lực lượng nổi dậy tại nước láng giềng cả về vũ khí lẫn tài chính. Với Pakistan, trước đây nước này có vai trò tương đối nhỏ trong việc hỗ trợ lực lượng nổi dậy Syria. Với lập luận rằng chương trình đào tạo này là “liều thuốc giải” để tiệt trừ chủ nghĩa cực đoan, Riyadh đã tranh thủ đề nghị sự giúp đỡ của Islamabad. Theo đó, Pakistan được đề nghị giúp đỡ đào tạo 2 lữ đoàn chiến đấu từ 5.000 đến 10.000 tay súng, trong khi Saudi có kế hoạch huấn luyện 40.000 – 50.000 chiến binh.
Việc đào tạo số lượng lớn các tay súng này, mà theo Saudi Arabia là để thống nhất các phe đối lập vũ trang chính ở Syria, được gọi là "một quân đội quốc gia mới" - một lực lượng "có ý thức hệ Sunni” để có thể gây ảnh hưởng đối với các nhóm đối lập khác và đạt được 2 mục tiêu chính nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Assad và làm suy yếu Al-Qaeda.
Ngoài việc chương trình đào tạo sẽ được tổ chức thực hiện ở Jordan, Saudi Arabia cũng có kế hoạch thống nhất khoảng 50 lữ đoàn quân nổi dậy thành một "quân đội Hồi giáo" dưới sự lãnh đạo của Zahran Alloush, một chỉ huy của tổ chức Salafist có cha là một giáo sĩ ở Saudi Arabia.
"Cách duy nhất để ông Assad nghĩ đến việc từ bỏ quyền lực là làm sao khiến cho ông ta phải đối mặt với mối đe dọa từ một lực lượng vũ trang đáng tin cậy", một nguồn tin trong chính phủ Saudi Arabia nói.
Với việc Pakistan đồng ý hỗ trợ lật đổ ông Assad, Saudi Arabia có thể nhờ cậy vào đồng minh thân cận này. Hai nước từ lâu đã có sự hợp tác quốc phòng. Theo cựu nhân viên CIA Bruce Riedel: “Saudi đã viện trợ cho Pakistan nhiều hơn so bất kỳ quốc gia nào không thuộc khối Arập và nước này cũng bị cáo buộc đã giúp phát triển chương trình hạt nhân của Islamabad. Đổi lại, quân đội Pakistan đóng trên lãnh thổ Saudi Arabia từ rất lâu để bảo vệ sự duy trì quyền lực của hoàng gia”.
Mới đây nhất, Pakistan được cho là đã chế tạo bom nguyên tử dành cho Saudi Arabia và đã sẵn sàng chuyển giao. Chia sẻ với hãng tin của Anh, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quân sự Israel Amos Yadlin nói rằng, “họ (Saudi) đã trả tiền để mua bom. Họ sẽ đến Pakistan và mang về thứ mà họ cần”.
Tuy nhiên, kế hoạch trên của Saudi Arabia có vẻ nói dễ hơn làm. Một nguồn tin tại Pakistan có quan hệ gần gũi với giới quân sự nước này xác nhận rằng Saudi Arabia đã yêu cầu trợ giúp về vấn đề Syria từ mùa hè năm nay, nhưng Pakistan không có nhiều lợi ích trong việc hỗ trợ và đào tạo quân nổi dậy ở Syria nên việc giúp đỡ vẫn còn rất khiêm tốn.
Ngoài ra, một số khó khăn khác mà Pakistan vẫn đang phải vật lộn đó là cuộc đấu đá giáo phái trong nước và phải cân bằng quan hệ với Iran, trong khi chính sách đối ngoại lại tập trung vào các cuộc đàm phán với Taliban về tương lai của Afghanistan và giải quyết tranh chấp biên giới lâu năm với Ấn Độ . “Với một loạt vấn đề cần phải giải quyết, ngay cả khi muốn, Pakistan cũng khó có thể giúp đỡ Saudi Arabia một cách cụ thể hơn”, Arif Rafiq, một học giả chuyên về Trung Đông nói.
David Ottaway, một học giả tại Trung tâm Wilson nhận định: "Vấn đề lớn nhất đối với Saudi Arabia hiện nay cũng giống như Mỹ, Pháp hay bất cứ nước nào quan tâm đến việc giúp đỡ quân nổi dậy ở Syria, đó là: sự chia rẽ giữa các nhóm phiến quân trong việc chiến đấu với nhau để tranh giành ảnh hưởng và kiểm soát các địa phương hơn là hợp tác để lật đổ ông Assad”.
Trước đây Pakistan, Saudi Arabia cùng với CIA đã đào tạo và hỗ trợ quân nổi dậy ở Afghanistan chống lại chính phủ do Liên Xô hậu thuẫn trong những năm 1980. Và sự hợp tác đó đến giờ vẫn còn nguyên giá trị cảnh báo rằng, không thể kiểm soát các phiến quân được tài trợ này sau khi chế độ cũ sụp đổ, dẫn đến sự hỗn loạn và trỗi dậy của lực lượng Taliban. Một số phần tử đã chuyển sang gia nhập tổ chức khủng bố Al-Qeada và chĩa súng nhằm vào chính người bảo trợ cũ của mình.
CT(Theo Foreignpolicy)