Kazakhstan có thể 'giải cứu' châu Âu giữa lệnh cấm vận dầu mỏ Nga?

Kazakhstan có thể sử dụng các tuyến đường thay thế để xuất khẩu nhiều dầu hơn sang châu Âu, nhưng những khó khăn về hậu cần và chi phí cao hơn khiến các bên liên quan ngại sử dụng và phát triển chúng.

Chú thích ảnh
Kazakhstan vẫn gặp thách thức lớn về hậu cần để xuất khẩu dầu sang EU. Ảnh: Reuters

Cuối tháng 12/2022, công ty dầu khí nhà nước Kazakhstan KazMunaiGaz đã công bố kế hoạch xuất khẩu dầu sang Đức bắt đầu từ tháng 1 năm nay. Thỏa thuận đã được triển khai để xuất khẩu tổng cộng 1,2 triệu tấn dầu từ đường ống Druzhba qua Nga và Ukraine.

Theo Nurbek Bekmurzaev, nhà nghiên cứu tại Bishkek (Kyrgyzstan), xuất hiện ngay sau khi EU tuyên bố cấm vận một phần và áp trần giá dầu mỏ Nga, tin tức này đã thúc đẩy các cuộc thảo luận về việc liệu Kazakhstan có thể đóng một vai trò lớn hơn trong thị trường năng lượng châu Âu hay không. Trước đó, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã đảm bảo với các quan chức EU rằng nước này “sẵn sàng sử dụng tiềm năng hydrocarbon của mình để ổn định tình hình trên thế giới và thị trường châu Âu”.

Mặc dù cuộc xung đột ở Ukraine đã tạo ra sự hỗn loạn trong thị trường năng lượng khu vực, nhưng không thể thảo luận về việc xuất khẩu dầu của Kazakhstan mà không nhắc đến Nga. Nga đóng vai trò trung gian vận chuyển dầu của Kazakhstan đến các thị trường toàn cầu, vì 96% tổng lượng dầu xuất khẩu của họ đi qua lãnh thổ Nga, có nghĩa là khả năng xuất khẩu dầu của Astana chủ yếu phụ thuộc vào mối quan hệ ổn định giữa hai nước.

Năm 2021, Kazakhstan đã xuất khẩu 65,7 triệu tấn dầu, trong đó hơn 50 triệu tấn đã đến châu Âu thông qua Caspian Pipeline Consortium (CPC) và đường ống Druzhba. Trong những trường hợp bình thường, sự phụ thuộc này không phải là vấn đề đối với Kazakhstan.

Tuy nhiên, vào năm 2022, có lẽ do nhiều hoàn cảnh bất thường, bao gồm cả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Kazakhstan đã cảm nhận được những tác động bất lợi của sự phụ thuộc đó khi hoạt động của CPC tạm thời bị đình trệ trong 4 thời điểm riêng biệt. Công ty năng lượng Nga điều hành CPC, Transneft, đã đưa ra những lời giải thích bất thường về việc tạm dừng hoạt động, bao gồm cả những thiệt hại do những cơn bão chưa từng có và mìn nổi trong Thế chiến II gây ra.

Ông Bekmurzaev cho rằng thời điểm xảy ra những gián đoạn này đã khiến nhiều người cho rằng Moskva gây áp lực với Kazakhstan liên quan đến việc bày tỏ quan điểm về cuộc xung đột ở Ukraine, một vấn đề mà Astana vẫn trung lập về mặt ngoại giao. Nhưng một lời giải thích hợp lý hơn cho những đình chỉ này là Nga có thể tìm cách hạn chế nguồn cung dầu và do đó làm tăng giá dầu toàn cầu để ngăn cản phương Tây thực hiện các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với xuất khẩu năng lượng của Nga.

Tuy nhiên, bất chấp sự cố của CPC vào năm 2022, có một số lý do chính ủng hộ quan điểm rằng dầu của Kazakhstan sẽ tiếp tục được vận chuyển đến các thị trường châu Âu đều đặn vào năm 2023 và hơn thế nữa. Đầu tiên, Kazakhstan là một trong số ít đồng minh quan trọng mà Nga còn lại và Moskva không thể mạo hiểm xa lánh Astana bằng cách tạo thêm những trở ngại, vì Kazakhstan là một đối tác quan trọng trong việc lách lệnh trừng phạt của phương Tây.

Thứ hai, Nga xuất khẩu một phần dầu của mình sang Trung Quốc thông qua các đường ống ở Kazakhstan và Astana có thể đình chỉ hoạt động xuất khẩu này để phản ứng với bất kỳ sự gián đoạn nào trong tương lai. Mặc dù không có khả năng xảy ra, nhưng một lựa chọn như vậy vẫn là một biện pháp đối phó khả thi. Thứ ba, và có lẽ là quan trọng nhất, Astana có sự hậu thuẫn của Bắc Kinh trong vấn đề này. 

Nhưng ngay cả khi Kazakhstan có thể giải quyết vô số phức tạp chính trị để cho phép dòng dầu của họ đến châu Âu thông qua Nga không bị gián đoạn, thì nước này vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn về hậu cần. Mặc dù đường ống CPC và Druzhba có khả năng vận chuyển nhiều dầu hơn, nhưng Nga khó có thể cho phép Kazakhstan tận dụng lệnh cấm vận dầu mỏ và đẩy mạnh xuất khẩu trong khi gây thiệt hại cho Moskva. Do đó, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của châu Âu sẽ cần thêm các tuyến xuất khẩu qua các quốc gia khác.

Trước bối cảnh đó, Chính phủ Kazakhstan đã bắt đầu đa dạng hóa các tuyến xuất khẩu và bổ sung các tuyến mới. Tháng 7/2022, phát biểu tại một cuộc họp đặc biệt của chính phủ về phát triển tiềm năng vận tải và quá cảnh, ông Tokayev đã vạch ra rằng, đối với xuất khẩu năng lượng của Kazakhstan, “hướng ưu tiên là tuyến đường xuyên Caspian”, đề cập đến Tuyến đường vận tải quốc tế xuyên Caspian (TITR), một hành lang vận tải và quá cảnh đi qua Azerbaijan, Gruzia, Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Để đạt được mục tiêu này, Kazakhstan đã hoàn tất thành công các cuộc đàm phán về việc xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn dầu vào năm 2023 thông qua TITR. Kế hoạch là sử dụng cảng Aktau phía Tây của Kazakhstan để vận chuyển dầu đến Baku (Azerbaijan) bằng tàu chở dầu và sau đó vận chuyển chúng đến các cảng trên biển Địa Trung Hải bằng đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan (BTC) và Baku-Supsa. Tuyến xuất khẩu này đã có sẵn để quá cảnh vào Kazakhstan từ đầu năm 2006, nhưng Astana không cần sử dụng nó rộng rãi để xuất khẩu cho đến nay.

Astana đã tiếp tục dựa vào các tuyến đường chạy qua Nga thay vì sử dụng tuyến đường TITR chủ yếu do những khó khăn nghiêm trọng về hậu cần và chi phí cao hơn. Chi phí vận chuyển dầu qua CPC là 38 USD/tấn, trong khi chi phí qua TITR ít nhất là 90 USD/tấn. Chi phí cao hơn là kết quả của những thách thức về hậu cần, liên quan đến việc vận chuyển dầu bằng bồn chứa, tàu chở dầu và đường ống, cũng như bốc dỡ các lô hàng nhiều lần.

Việc biến TITR thành một tuyến đường xuất khẩu khả thi đòi hỏi tiền đầu tư khổng lồ, các cuộc đàm phán đa phương liên tục và một lượng thời gian đáng kể, tất cả những điều mà các bên liên quan đều muốn tránh.

Vì vậy, ông Bekmurzaev kết luận, sẽ thật ngây thơ khi cho rằng Kazakhstan có thể lấp đầy khoảng trống do lệnh cấm vận dầu mỏ Nga của EU để lại, đặc biệt là trong tương lai gần. Hiện tại, triển vọng đóng vai trò lớn hơn của Astana trên thị trường năng lượng châu Âu vẫn chủ yếu phụ thuộc vào Nga. Mặc dù có đủ bằng chứng cho thấy Moskva sẽ không cản trở việc xuất khẩu dầu của Kazakhstan sang châu Âu năm 2023, nhưng hy vọng rằng Nga sẽ cho phép sử dụng cơ sở hạ tầng đường ống của mình để tăng xuất khẩu ra nước ngoài và làm giàu cho các nước láng giềng là điều khó có thể xảy ra.

Công Thuận/Báo Tin tức (jamestown.org)
G7 nhất trí xem xét lại mức giá trần dầu mỏ của Nga vào tháng 3
G7 nhất trí xem xét lại mức giá trần dầu mỏ của Nga vào tháng 3

Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo ngày 20/1 cho biết Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí xem xét lại mức giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga vào tháng 3 tới, muộn hơn so với kế hoạch ban đầu là vào tháng 2, để có thời gian đánh giá thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN