Bình luận trên trang tin Arab News ngày 4/5, Yossi Mekelberg, Giáo sư về quan hệ quốc tế và là cộng tác viên của Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại tổ chức nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House cho rằng, các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas về lệnh ngừng bắn, thả con tin và cho phép thêm viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza diễn ra chủ yếu ở Cairo (Ai Cập) trước hết là vì các nhà đàm phán Qatar ngày càng thất vọng và "vỡ mộng" với cả hai bên, đến mức quan chức cấp cao của Qatar Majed Al-Ansari nói với một tờ báo Israel rằng Doha đã quyết định đánh giá lại vai trò của mình.
Thứ hai, Ai Cập có lợi ích riêng trong việc làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Hamas và Israel, vì điều đó mang đến hy vọng sẽ ngăn chặn một cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Rafah mà gần như chắc chắn sẽ dẫn đến hàng nghìn người tị nạn Palestine, và có thể cả nhiều thành viên Hamas, vượt biên giới sang Ai Cập để tìm nơi trú ẩn an toàn.
Theo Giáo sư Mekelberg, trong tất cả các kịch bản có thể xảy ra, đây là điều mà Ai Cập lo ngại nhất, cả về ý nghĩa nhân đạo và mối liên hệ giữa người Hồi giáo ở Gaza và phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập.
Khi tóm tắt về các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas, ông Al-Ansari nêu rõ không bên nào cho rằng thỏa thuận được đưa ra là có lợi nhất cho họ và nói: “Mỗi khi chúng tôi tiến gần đến một thỏa thuận thì lại có sự phá hoại, từ cả hai phía".
Điều này cho thấy không bên nào tin tưởng bên kia và do đó dẫn đến việc duy trì tình trạng chưa được giải quyết hiện tại. Đó là một tình huống gây nguy hiểm cho phần còn lại của khu vực.
Rõ ràng, lệnh ngừng bắn tạm thời nhằm giải thoát con tin, tăng cường viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza và việc thả hàng nghìn tù nhân Palestine khỏi nhà tù của Israel có thể tạo động lực mới cho lệnh ngừng bắn lâu dài vốn rất cần thiết. Tuy nhiên, nó cũng sẽ làm tăng áp lực lên các nhà lãnh đạo của cả hai bên.
Ở Israel, các cuộc biểu tình chống chính phủ, vốn suy giảm sau vụ tấn công ngày 7/10 năm ngoái của Hamas, một lần nữa lại có động lực và nhiều người trong số những người biểu tình là gia đình và bạn bè của các con tin. Không phải tất cả những người biểu tình hiện tại đều là người ủng hộ các cuộc biểu tình năm ngoái tập trung vào việc ngăn chặn chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu liên quan đến vấn đề cải cách tư pháp gây tranh cãi.
Đúng hơn, họ đoàn kết với nhau bởi cảm giác thiếu niềm tin mạnh mẽ, trước hết là do chính phủ đã thất bại trong việc bảo vệ đất nước và người dân vào ngày 7/10/2023 và thứ hai là vì chính quyền không thể đưa các con tin về nhà sau hơn 200 ngày.
Rất nhiều người Israel cho rằng trong những tháng gần đây đã có nhiều cơ hội để đạt được thỏa thuận về việc thả con tin nhưng Thủ tướng Netanyahu, vì những lý do riêng, đang sử dụng chiến thuật trì hoãn để kéo dài xung đột nhằm tránh chính phủ bị sụp đổ, từ đó làm chệch hướng những cơ hội đó.
Hơn nữa, một số quan chức cấp cao trong chính phủ của Thủ tướng Netanyahu thậm chí cực đoan hơn khi tin rằng tiêu diệt Hamas là một mục tiêu có thể đạt được và họ đang đe dọa rời khỏi liên minh cầm quyền nếu quân đội Israel không tiến vào Rafah.
Xét theo mọi khía cạnh, một cuộc tấn công như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến thương vong thảm khốc hơn nữa đối với người Palestine, chấm dứt khả năng giải thoát thêm bất kỳ con tin nào và dẫn đến việc hàng trăm nghìn người phải tiếp tục di tản.
Ngoài ra, do Rafah nằm gần biên giới nên điều này sẽ gây áp lực lên chính quyền Ai Cập trong việc cho phép dân thường bị mắc kẹt trong giao tranh vào nước này, tạo thêm căng thẳng giữa Israel và quốc gia Arab đầu tiên ký thỏa thuận hòa bình với Tel Aviv.
Đối với Israel, thành tựu chính của việc kết thúc thành công các cuộc đàm phán sẽ là thả các con tin - nhưng có những thành phần quyền lực trong Chính phủ Israel không coi đây là ưu tiên hàng đầu.
Về phía Hamas, mặc dù đề nghị gần đây nhất được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh David Cameron mô tả là “cực kỳ hào phóng” về việc thả tù nhân Palestine và cho phép nhiều viện trợ nhân đạo hơn vào Dải Gaza, mối quan tâm chính của họ là chấm dứt chiến tranh và điều này không được đáp ứng.
Hiện việc giam giữ các con tin còn lại được coi là “át chủ bài” của Hamas trong các cuộc đàm phán với Israel: Càng thả nhiều con tin thêm, họ càng trở nên dễ bị tổn thương hơn và không có gì đảm bảo rằng một cuộc tấn công của Israel vào Rafah sẽ không diễn ra.
Trên thực tế, tại cuộc họp Nội các trong tuần này, ông Netanyahu đã tuyên bố sẽ tấn công quân sự vào Rafah “dù có hoặc không” một thỏa thuận con tin. Điều này cho thấy Thủ tướng Israel đã nhượng bộ những thành phần cứng rắn nhất trong liên minh của mình. Một bộ trưởng trong Chính phủ Israel đã tuyên bố trong tuần này rằng việc thả vài chục con tin sẽ không biện minh cho việc không “hoàn thành” các mục tiêu của cuộc chiến.
Trong trường hợp chính quyền Israel và nhóm Hamas không có đủ ý chí chính trị để đạt được thỏa thuận, các nhà hòa giải sẽ sử dụng bất kỳ đòn bẩy nào mà họ có để giúp hai bên xích lại gần nhau. Đây cũng là lợi ích tốt nhất của họ. Nếu giao tranh lan tới Rafah, thảm họa gần như không thể tránh khỏi. Điều này sẽ nhanh chóng làm leo thang tình hình mong manh ở Trung Đông, ảnh hưởng xấu đến chính trị và xã hội ở trong nước của các quốc gia trên toàn khu vực và rộng hơn nữa.
Giáo sư Mekelberg kết luận đây cũng là lý do đủ để kêu gọi một mặt trận quốc tế thống nhất làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình để ngăn chặn một kịch bản khủng khiếp như vậy và hãy làm điều đó ngay bây giờ.