IS vẫn kiếm tiền từ dầu mỏ mặc dù Mỹ không kích

Đối với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, có thể nói dầu mỏ chính là vàng đen và nguồn sống giúp lá cờ đen của tổ chức này tồn tại, chính vì vậy sau một số điều tra gần đây dư luận bắt đầu đặt câu hỏi vì sao ngay cả khi Mỹ và các nước đồng minh tiến hành không kích dồn dập thì tổ chức khủng bố này vẫn có được nguồn thu đáng kể từ việc bán dầu.


Một nhà máy lọc dầu tại Beiji, khu vực từng do IS kiểm soát. Vào ngày 20/10 vừa qua, quân đội Iraq đã đánh bật IS ra khỏi Beiji. Ảnh: AP

Tờ Financial Times sau khi lấy ý kiến từ các kỹ sư, chuyên gia dầu mỏ, nhà kinh doanh và nhân viên tình báo phương tây đã đưa ra ước tính IS có thể thu về trung bình 1,5 triệu USD/ngày khi bán dầu khai thác được tại Iraq và Syria với giá từ 20-45 USD/thùng.

Nhiều quan chức tình báo của Mỹ và Iraq cho rằng IS có thể khai thác 30.000 thùng/ngày tại Syria và khoảng 20.000 thùng/ngày tại Iraq. Từ khi bắt đầu được hình thành, các thủ lĩnh của IS luôn nhấn mạnh quan điểm dầu mỏ là “vũ khí chiến lược” của nhóm khủng bố này.

Vậy làm thế nào sau hơn 1 năm Mỹ và đồng minh nỗ lực không kích nhằm vào IS thì các cơ sở khai thác dầu của tổ chức khủng bố này vẫn hoạt động?

Điều đầu tiên bắt nguồn từ việc đầu tư nhân lực của IS. Nhiều nguồn tin cho biết IS đã tuyển dụng 275 kỹ sư và 1.107 nhân công để vận hành các giếng dầu. Theo chuyên gia khủng bố người Iraq Hashem al-Hashemi, IS trả lương cho các kỹ sư người nước ngoài khá hẫu hĩnh với 300 USD/ngày, đôi khi có thể lên tới 1.000 USD/ngày.

Ngoài ra, IS cũng dùng “luật rừng” để uy hiếp cộng đồng tại một số khu vực của Syria và Iraq phải mua dầu mỏ và liên kết kinh doanh với tổ chức khủng bố này. Không những vậy, một thủ lĩnh một nhóm nổi dậy ở Syria từng thú nhận là khách hàng mua dầu của IS.

Trong khi đó AP dẫn lời một quan chức giấu tên người Iraq tiết lộ IS đang dần đối phó được với các cuộc không kích của Mỹ để vận hành việc kinh doanh dầu. Nếu dầu mỏ thường được vận chuyển trong các thùng chứa lớn thì IS lại lựa chọn các xe tải kích thước nhỏ để vận chuyển dầu nhằm tránh đánh động, gây sự chú ý.

Theo hãng tin AP, các quan chức Mỹ đã lên án chính quyền khu vực chịu trách nhiệm trực tiếp về “chợ dầu mỏ” của IS với lý do nhiều công cụ mà nhóm này sử dụng có xuất xứ Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì vậy, AP mới đây dẫn một thông báo của văn phòng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nước này đang thắt chặt an ninh biên giới và chú trọng ngăn chặn hành vi buôn lậu dầu mỏ.

Vào ngày 23/10, Mỹ đã tiến hành không kích nhằm vào một mỏ dầu của IS tại Syria. AP dẫn lời chỉ huy chiến dịch này, Thiếu tá Michael Filanowski khẳng định rằng cuộc không kích sẽ gây ảnh hưởng lớn khiến IS thiệt hại trong khoảng từ 1,7 cho đến 5,1 triệu USD/tháng. Tuy nhiên con số ngày dường như vẫn còn khá khiêm tốn so với mức thu ước tính gần 500 triệu USD/năm của IS từ việc kinh doanh dầu mỏ.

Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng món hời từ dầu mỏ của IS sẽ không kéo dài trước việc mới đây Nga cũng tham gia tiến hành không kích khá hiệu quả nhằm vào IS tại Syria, bên cạnh đó là giá dầu chưa có dấu hiệu đột phá và đặc biệt là nguy cơ các mỏ dầu “nhiều tuổi” tại Syria đang dần cạn kiệt.

Hà Linh (Theo Sputnik/Financial Times)
Mỹ điều tra lý do IS sở hữu nhiều xe Toyota
Mỹ điều tra lý do IS sở hữu nhiều xe Toyota

Các quan chức Mỹ đã yêu cầu hãng sản xuất xe hơi lớn thứ hai thế giới Toyota hợp tác cung cấp thông tin giúp tìm ra nguyên nhân của hiện tượng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sở hữu lượng lớn xe của hãng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN