IS sắp tới ngày tàn, Mỹ loay hoay với chiến lược mới

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) sắp bị đánh bật hoàn toàn khỏi hai thành phố mà chúng coi là “thành trì”: Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đang loay hoay chưa biết phải làm gì sau đó ở khu vực bất ổn này.

Mông lung chiến lược ở Syria, Iraq


Theo tờ Los Angeles Times (Mỹ), trong bối cảnh “nước sắp đến chân” mà Nhà Trắng vẫn chưa xác định được chiến lược cho bước tiếp theo trong công cuộc khôi phục ổn định ở khu vực, từ vấn đề vùng an toàn, tái thiết, giảm căng thẳng sắc tộc cho tới cam kết của quân đội Mỹ.


Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng chưa có chính sách với Nga và Iran – hai lực lượng đối đầu với Mỹ ở Syria. Nga và Iran được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc xung đột ở Syria và sau khi IS bị đánh bại. Hai nước này đang hi vọng thu thập chiến lợi phẩm và mở rộng ảnh hưởng.

Mỹ vẫn chưa biết phải làm gì sau khi IS bị đánh bại ở Iraq và Syria. Ảnh: AFP

Khi còn là ứng cử viên tổng thống, ông Trump đã cam kết thông báo một chiến lược mới đánh bại IS ngay trong tháng đầu tiên sau nhậm chức. Khi là tổng thống, ông đã cam kết tổ chức một họp báo để bàn về nỗ lực chống IS sau hơn một tháng. Cả hai điều trên đều chưa được Tổng thống Trump thực hiện.


Hiện nay, nỗ lực mới chỉ dừng lại ở các cuộc thảo luận trong Lầu Năm góc, Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng. Tuy nhiên, khi phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng James N. Mattis và cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster lại nói không thống nhất về các ưu tiên của Mỹ ở Syria và Iraq.


Lầu Năm góc nói rằng chỉ có mục đích đánh bại IS và không có ý định bị lôi vào cuộc xung đột với Iran. Ông Mattis nói trong chuyến thăm châu Âu họp hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO: “Chúng tôi từ chối bị lôi vào một cuộc xung đột trong nội chiến Syria”.


Theo ông Mattis, các chiến dịch và kế hoạch quân sự ngày càng khó khăn ở đông Syria vì lực lượng Mỹ và các tay súng do Mỹ hậu thuẫn ở rất gần so với lực lượng Nga, Iran và Syria.

Ông McMaster có phát biểu trái ngược với Bộ trưởng Quốc phòng Mattis về viễn cảnh ở Syria và Iraq. Ảnh: Reuters

Chỉ hai ngày sau, ông McMaster lại trình bày một viễn cảnh khác của Mỹ tại Syria. Ông gọi cuộc chiến chống IS là một phần trong chiến dịch rộng hơn nhằm ngăn chặn nhóm khủng bố xuyên quốc gia này bám rễ sâu. Tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, ông thậm chí còn phát biểu về chính sách Mỹ giai đoạn hậu IS, nói rằng Mỹ sẽ tập trung cô lập Iran và các dân quân Shiite ở Iraq cũng như phong trào Hezbollah ở Lebanon.


Trong khi giới “diều hâu” ở Nhà Trắng muốn kiềm chế Iran thì Bộ Ngoại giao và Lầu Năm góc lại tìm cách “hãm phanh” để tránh xung đột trực diện.


Mặc dù đã được thảo luận căng thẳng trong giới chức Mỹ nhưng hiện chưa rõ chiến lược của Mỹ với Iran ở Syria là như thế nào. Các nhà ngoại giao và một số nhân vật Lầu Năm góc cảnh báo rằng chống Iran ở Syria có thể không hiệu quả, thậm chí là thảm họa.


Ông Robert S. Ford, thành viên Viện Trung Đông (Mỹ) nhận định: “Tôi không thấy có bằng chứng cho thấy họ suy nghĩ nhiều về giải pháp cho xung đột Syria và cách thức đạt được một thỏa thuận ngừng bắn bền vững”.


Một vấn đề nữa cũng không hề rõ ràng là liệu Nhà Trắng có ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad hay không khi mà còn tranh cãi về vai trò của ông này. Không giống với chính quyền của Barack Obama, ông Trump không kêu gọi ông Assad chuyển giao quyền lực cho một chính phủ chuyển tiếp, cũng không nỗ lực ngoại giao đáng kể để thuyết phục các bên tham chiến ở Syria đàm phán.


Theo tờ Los Angeles Times, cuộc chiến chống IS sẽ không kết thúc cho dù Mosul và Raqqa có được giải phóng hoàn toàn. Và khi đó, Nhà Trắng phải quyết định có tiếp tục vũ trang và bảo vệ các lực lượng ủy nhiệm ở Syria hay không, có tiếp tục để lực lượng ở lại Iraq hay không.


Trong khi các tướng lĩnh Mỹ nói rằng hàng nghìn binh sĩ Mỹ cần tiếp tục ở lại Iraq thì thách thức với Mỹ ở Syria lớn hơn nhiều. Ở Syria, Mỹ không được chính phủ Syria mời tới và không có căn cứ cố định. Lầu Năm góc đã triển khai hàng trăm đặc nhiệm và binh sĩ tới hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria, một lực lượng đối lập chống ông Assad.


Nếu Mỹ rút hết nhân sự khỏi Syria, lực lượng do Mỹ hậu thuẫn sẽ bị Syria và Iran nhắm tới.


Trong bối cảnh đó, Quốc hội đang hối thúc Nhà Trắng đưa ra một chiến lược lâu dài sau khi IS bị đánh bại. Nghị sĩ Cộng hòa Adam Kinzinger cho rằng chiến lược hậu IS phải có tầm nhìn xa hơn tính toán quân sự. Ông nói: “Chúng ta phải hiểu rằng mọi việc không chỉ là thắng trong cuộc chiến chống khủng bố hôm nay, mà là thắng trong cuộc chiến chống khủng bố thế hệ tiếp theo”.


Rủi ro xung đột


Trong khi đó, rủi ro đụng độ trên diện rộng ngày càng hiện rõ trong những tuần gần đây khi một máy bay F/A-18 của Mỹ đã bắn hạ một chiến đấu cơ của Syria lần đầu tiên trong cuộc chiến ở Syria, khiến Nga phản ứng giận dữ.


Các chiến đấu cơ Mỹ cũng đã bắn phá hai máy bay không người lái do Iran sản xuất ở Syria. Lầu Năm góc cho biết mọi cuộc tấn công đều mang tính chất phòng vệ vì các máy bay đã tiếp cận hoặc bắn phá lực lượng Mỹ hoặc các tay súng Syria được Mỹ hậu thuẫn.


Ông Ilan Goldenberg, cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định: “Điều tôi lo lắng là một viễn cảnh rối ren. Khi bạn bắt đầu bắn máy bay và đụng độ với nhau, tình hình sẽ nhanh chóng leo thang”.


Đụng độ diễn ra ở đông Syria – nơi mà các lực lượng do Nga và Iran ủng hộ đang đối đầu với lực lượng đặc biệt của Mỹ và các tay súng đối lập Syria do Mỹ hậu thuẫn. Cả hai bên ở thế đối đầu trong khi cùng tìm cách vá vỡ thành trì cuối cùng của IS ở thung lũng sông Euphrates, phía nam Raqqa và ở Iraq.


Thùy Dương/Báo Tin Tức
Chuyên gia: Hành động 'chưa từng có' của Mỹ khiến xung đột Syria leo thang nghiêm trọng
Chuyên gia: Hành động 'chưa từng có' của Mỹ khiến xung đột Syria leo thang nghiêm trọng

Kênh truyền hình CNN dẫn nguồn từ quan chức quốc phòng đưa tin các máy bay và tàu chiến Mỹ đã vào vị trí và sẵn sàng tấn công Syria trong trường hợp quân đội Syria dưới quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành bất kỳ vụ tấn công hóa học nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN