Kết quả chính thức dự kiến sẽ sớm được công bố trong một vài ngày tới, tuy nhiên giới phân tích chính trị khu vực và quốc tế nhận định phe bảo thủ cứng rắn sẽ tiếp tục kiểm soát cơ quan lập pháp trong nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo do không vấp phải bất kỳ sự cạnh tranh đáng kể nào từ phe cải cách hay ôn hòa.
Quốc hội Iran là cơ quan lập pháp đơn viện, có trách nhiệm soạn thảo luật, phê chuẩn các điều ước quốc tế và phê duyệt ngân sách hằng năm cũng như một số vấn đề khác của đất nước. Trong khi đó, Hội đồng chuyên gia là cơ quan quan trọng có chức năng giám sát, bổ nhiệm cũng như bãi nhiệm lãnh đạo tối cao. Ông Ayatollah Ali Khamenei (85 tuổi), lãnh đạo tối cao của Iran hiện nay đã đảm đương vị trí này từ năm 1989.
Tại Iran, các ứng cử viên chạy đua chức tổng thống hay thành viên quốc hội và Hội đồng chuyên gia đều phải được Hội đồng giám hộ xem xét, lựa chọn. Hội đồng giám hộ là cơ quan gồm 12 giáo sĩ và luật gia Hồi giáo do lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei bổ nhiệm. Trong tổng số 49.000 người đăng ký chạy đua trong cuộc bầu cử quốc hội lần này, 15.200 ứng cử viên đã được Hội đồng giám hộ cho phép ứng cử vào 290 ghế. Đối với Hội đồng chuyên gia với nhiệm kỳ kéo dài 8 năm, 144 ứng cử viên đã được phê chuẩn. Chỉ có 30 người thuộc phe cải cách tham gia tranh cử quốc hội. Cựu Tổng thống Hassan Rouhani, nhân vật được đánh giá là ôn hòa, đã bị cấm tái tranh cử vào quốc hội sau 24 năm là thành viên. Hội đồng giám hộ cũng đã loại đơn ứng cử của hơn chục nghị sĩ đương nhiệm. Có thể thấy, ưu thế rõ ràng đã nghiêng về phe bảo thủ cứng rắn trong cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 12 của Iran.
Cuộc bầu cử quốc hội diễn ra trong bối cảnh Iran đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Nền kinh tế của quốc gia này vẫn đang phải khắc phục những “dư chấn” từ làn sóng biểu tình bạo lực lan rộng khắp đất nước kéo dài từ tháng 9/2022 đến mùa Xuân năm 2023. Các cuộc biểu tình đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Iran, vốn đang oằn mình trước các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Lạm phát tăng vọt và sự mất giá kỷ lục của đồng Rial so với đồng USD đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Người dân Iran đang phải vật lộn với giá lương thực cao hơn so với phần còn lại ở khu vực Trung Đông, với tỷ lệ lạm phát luôn trên mức 40% trong nhiều năm. Số liệu chính thức của Trung tâm Thống kê quốc gia Iran cho thấy tỷ lệ lạm phát trung bình tại nước này trong giai đoạn 12 tháng kết thúc vào ngày 20/1/2024 đã ở mức 42,5%. Còn theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), sau khi ghi nhận mức 49% năm 2022, tỷ lệ lạm phát trung bình tại Iran năm ngoái là 42%, trước khi có thể giảm xuống 30% vào năm 2024. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên vẫn là 20%.
Trong khi đó, chính sách đối ngoại cũng được cho là tạo thêm gánh nặng cho tình hình trong nước. Mặc dù Iran đang xích lại gần hơn với các quốc gia Arab Hồi giáo trong khu vực, nhưng mối quan hệ của nước này với Mỹ và phương Tây lại trở nên căng thẳng hơn. Tiến trình đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân, được biết đến là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) do Iran ký kết với Nhóm P5+1 vào năm 2015, cũng chưa đạt được tiến bộ nào đáng kể.
Bối cảnh bất ổn và hỗn loạn ở Trung Đông cũng làm gia tăng các vấn đề mà Tehran đang phải đối mặt. Cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza đã lan rộng hơn trong khu vực, với sự can dự của các lực lượng như Hezbollah ở Liban và Houthi ở Yemen. Mỹ và phương Tây đã cáo buộc Iran hậu thuẫn cho các lực lượng Hamas, Hezbollah và Houthi chống lại các lợi ích của Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, Tehran đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này. Những căng thẳng đó nếu không được xoa dịu sẽ tiếp tục gây tổn hại đến nền kinh tế cũng như môi trường an ninh của Iran. Theo kết quả thăm dò vừa công bố của Gallup, khoảng 43% số người được hỏi ủng hộ chính sách điều hành của giới lãnh đạo hiện nay. Trong số những người không tán thành các chính sách hiện hành, hơn 60% là giới trẻ dưới 30 tuổi.
Trong bối cảnh các biện pháp chính sách của chính quyền Tehran, đặc biệt là nhiệm kỳ quốc hội hiện nay, chưa đem lại những cải thiện về kinh tế xã hội, một trong những nỗi lo trong cuộc bỏ phiếu lần này là tỷ lệ cử tri đi bầu. Trong cuộc bầu cử lần này, Iran có hơn 61 triệu cử tri đủ điều kiện đi bỏ phiếu, song theo giới quan sát, nhiều khả năng tỷ lệ cử tri tham gia sẽ không cao. Quốc hội hiện tại của Iran được bầu trong cuộc bỏ phiếu vào năm 2020, với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 42,57%, mức thấp nhất kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử trước đó luôn đạt trên 50%, với 62% được ghi nhận vào năm 2016.
Cuộc bầu cử quốc hội ngày 1/3 sẽ quyết định cán cân quyền lực ở quốc gia Hồi giáo này, đồng thời sẽ tác động tới cuộc bầu cử tổng thống Iran dự kiến được tổ chức vào năm 2025. Với dự báo phe bảo thủ cứng rắn sẽ tiếp tục thắng thế, nhiều khả năng không có thay đổi lớn trong cán cân quyền lực ở Iran thời gian tới. Giới phân tích cho rằng điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không sớm có những biến chuyển về mặt kinh tế tại Iran.