Hợp tác phòng thủ tên lửa có thể làm thay đổi quan hệ Mỹ-Nga

Theo báo cáo của các cựu quan chức hàng đầu đến từ hai bờ Đại Tây Dương, hệ thống phòng thủ tên lửa - vấn đề đang gây tổn hại đến quan hệ Nga-Mỹ - có thể là nhân tố làm thay đổi mối quan hệ giữa hai nước nếu cả Mátxcơva và Oasinhtơn cùng hợp tác triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa chung.

Các tin tức nổi bật gần đây ở hai nước đã làm gợi nhớ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, với việc Nga đe dọa triển khai các tên lửa nhằm phản công hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ, còn Mỹ phản ứng lại bằng cách nói rằng Oasinhtơn sẽ xây dựng hệ thống lá chắn này, bất kể điều gì xảy ra.

Đề xuất mới của Ủy ban An ninh châu Âu - Đại Tây Dương cho rằng Mỹ, NATO và Nga có thể cùng chia sẻ dữ liệu từ các hệ thống rađa và vệ tinh về các cuộc tấn công bằng tên lửa, và do đó sẽ cung cấp cho nhau hình ảnh đầy đủ của bất cứ cuộc tấn công nào, hơn là các nước tự thu thập dữ liệu. Tuy nhiên, các bên sẽ vẫn có quyền bắn hạ bất cứ tên lửa nào đe dọa đến họ, đồng thời vẫn nắm quyền điều khiển và kiểm soát đối với các máy bay đánh chặn tên lửa của chính mình.

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã hoan nghênh đề xuất này. Phát biểu tại hội nghị An ninh ở Munich (Đức), ông nói: "Nhìn chung, tôi thực sự cho rằng đề xuất này đã chỉ ra được hướng đi đúng. Nó giải thích lý do việc phát triển hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa mang lại lợi ích chung cho chúng ta". Tuy nhiên, quan chức này nói thêm rằng một trong những trở ngại chính đối với vấn đề hợp tác này là việc Nga kiên quyết đòi có những đảm bảo về mặt pháp lý rằng hệ thống này của NATO không trực tiếp chống lại Nga. Nếu Nga tham gia dự án hợp tác này, nó sẽ làm giảm bớt mối lo ngại của Mátxcơva về hệ thống phòng thủ tên lửa. TTK NATO nói: "Đảm bảo tốt nhất mà Nga có được chính là tham gia mối quan hệ hợp tác tích cực này, bởi điều đó sẽ mang đến sự minh bạch cho Nga và họ sẽ thấy rằng hệ thống này không nhằm chống lại Nga".

Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã không đề cập đến đề xuất này của Ủy ban An ninh. Thay vào đó, ông de dọa rằng Nga sẽ "trả đũa" nếu cần thiết. Ông nói: "Nếu những quan ngại của chúng tôi không được đếm xỉa, nếu không có sự hợp tác công bằng thì chúng tôi sẽ phải đáp trả sự không công bằng mới này. Việc không đạt được đồng thuận sẽ làm mất đi rất nhiều cơ hội hợp tác để có thể giải quyết không chỉ các rủi ro về tên lửa mà còn về toàn bộ các mối đe dọa đối với tình hình an ninh chung của chúng ta".

Đề xuất về vấn đề phòng thủ tên lửa trên là một phần trong bản báo cáo của Ủy ban An ninh châu Âu - Đại Tây Dương, trong đó cho rằng Mỹ, các nước thành viên của NATO và Nga nên hợp tác về các vấn đề năng lượng, Bắc Cực, các xung đột trong khu vực cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa. Đề xuất trên cho rằng, "việc hợp tác thành công về vấn đề phòng thủ tên lửa đạn đạo sẽ là nhân tố làm thay đổi tình hình. Sẽ mất một chặng đường dài để loại bỏ những nghi ngờ trong quá khứ và đạt được sự chuyển biến về chiến lược, vốn rất cần thiết. Hợp tác phòng thủ tên lửa sẽ thiết lập được một khuôn khổ cho quá trình hoạt động chung, xây dựng niềm tin và khuyến khích sự hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực khác".

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, do đề xuất này chỉ tập trung vào mối đe dọa đến từ các tên lửa tầm trung, nên đã không đề cập đến vấn đề then chốt về các loại vũ khí hạt nhân tầm xa.

TTK
(Theo Reuters)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN