Pakixtan cần những đồng USD viện trợ của Mỹ nhưng không muốn thiếu nguồn khí đốt dồi dào từ Iran, trong khi Ápganixtan quá hiểu rằng để ngưng tiếng súng một cách lâu dài với Taliban thì chẳng thể thiếu vắng bàn tay của người láng giềng Pakixtan, nhất là trong thời điểm mà việc đặt mọi niềm tin ở các lực lượng Mỹ và phương Tây trở nên phi thực tế.
(Từ trái qua phải) Tổng thống Ápganixtan H. Karzai, Tổng thống Pakixtan A. Zardari và Tổng thống Iran M. Ahmadinejad bắt tay tại cuộc họp báo tại Ixlamabát ngày 17/2. |
Có thể hiểu sợi dây ràng buộc phức tạp giữa ba quốc gia này trong suốt chiều dài lịch sử của Ápganixtan, quốc gia nằm ở ngã tư tương tác của các nền văn minh Ấn - Âu và vô số cuộc chiến tranh từ thời cổ đại liên quan tới nhiều sắc tộc, trong đó có người Aryan (các bộ tộc người Ấn - Iran), đế quốc Ba Tư, Hy Lạp, người Arập, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Liên Xô cũ và gần đây nhất là Hoa Kỳ. Điều đó đủ nói lên tầm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh giữa ba nguyên thủ Ápganixtan, Iran và Pakixtan (từ ngày 16/2), bất chấp sự phản đối quyết liệt của Mỹ ngay từ khi ý tưởng triệu tập hội nghị manh nha từ Ixlamabát. Nhưng trên bình diện quốc tế, chẳng ai có thể phủ nhận nội dung thiết thực của Hội nghị thượng đỉnh ba bên, mà Pakixtan nhấn mạnh là tập trung vào việc kiểm soát khu vực biên giới, các vấn đề thương mại, và việc hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia - trong đó có nạn buôn người và ma túy.
Hội nghị tại Ixlamabát diễn ra vào thời điểm những động lực cho cuộc hòa đàm với Taliban dường như đang trỗi dậy, ngay cả khi tất cả các bên tham gia tiến trình, vốn luôn tỏ ra hoài nghi lẫn nhau, đều cho rằng viễn cảnh kết thúc cuộc chiến đẫm máu 10 năm qua tại Ápganixtan là quá xa vời. Nhưng chính Tổng thống Ápganixtan, Hamid Karzai mới tiết lộ trong cuộc phỏng vấn trên tờ "Nhật báo Phố Wall", rằng cả chính phủ của ông và các quan chức Mỹ đã tiến hành các cuộc thương lượng với Taliban hồi tháng trước. Nếu quả thực thông tin này là chính xác, người dân Ápganixtan có thể thở phào một tia hy vọng mới cho nền hòa bình lâu dài tại quốc gia khốn khổ, chìm đắm trong các cuộc xung đột đẫm máu suốt thập kỷ qua. Pakixtan luôn được coi là thế lực chủ chốt trong bất kỳ tiến trình hòa bình nào tại Ápganixtan vì mối liên hệ lịch sử với Taliban và nhiều nhóm phiến quân khác. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa rằng, Ixlamabát tùy thời điểm có thể giữ vai trò kết nối đàm phán, hoặc vai trò "kẻ phá hoại".
Thực tế là ngay trong ngày đầu tiên có mặt tại Ixlamabát, ông Karzai đã có cuộc gặp với nhiều giáo sĩ và chính trị gia Pakixtan, trong đó có Maulana Samiul Haq, nhân vật được coi là “người cha tinh thần” của nhiều thủ lĩnh Taliban, vì từng dạy dỗ nhiều nhân vật cốt cán của phong trào này. Không ngẫu nhiên mà Haq vừa có một tuyên bố xanh rờn, được hãng AP trích đăng: "Đây là thời điểm Taliban đang đánh bại các lực lượng phương Tây tại Ápganixtan. Giờ đây, chỉ cần Pakixtan, Ápganixtan và Iran có một lập trường dứt khoát là đủ để mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực, bằng cách quét sạch lực lượng ngoại bang".
Về phía Iran, quốc gia mà Mỹ đang muốn bằng mọi cách cô lập và trừng phạt vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad ngay lập tức có cuộc họp riêng rẽ với Tổng thống chủ nhà Asif Ali Zardari, mà chủ đề chính không gì khác ngoài dự án vận chuyển khí đốt từ Iran sang Pakixtan, quốc gia luôn trong tình trạng thiếu năng lượng kinh niên. Bất chấp những hăm dọa từ Mỹ nếu dự án này được thực hiện, Pakixtan buộc phải chìa tay với Iran, vì "có thực mới vực được đạo".
Ở giai đoạn quan hệ Ixlamabát - Oasinhtơn xấu đi nghiêm trọng từ năm 2011, sau vụ Mỹ tiến hành cuộc đột kích bí mật tiêu diệt Osama bin Laden ngay trên lãnh thổ Pakixtan và các cuộc không kích khiến nhiều binh lính Pakixtan thiệt mạng, Iran hiểu rằng hơn lúc nào hết, đây là thời điểm họ tìm được một đồng minh lợi ích quan trọng như Pakixtan, trong lúc Têhêran đang hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt của quốc tế. Ngay trong cuộc họp báo ngày 17/2, Tổng thống Ahmadinejad kiếm được diễn đàn không thể thích hợp hơn, nhằm công kích "các thế lực ngoại bang can thiệp vào khu vực". Những lời chỉ trích của ông, dù không nêu đích danh, nhưng rõ ràng ám chỉ phương Tây: "Mọi vấn đề (của chúng ta) đều do bên ngoài. Để đạt được mục tiêu và tham vọng… họ không muốn các nước chúng ta phát triển".
Chưa thể nói cuộc gặp thượng đỉnh tại Ixlamabát sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho nền hòa bình Ápganixtan, hay một liên minh thế chân vạc tại khu vực, nhưng chí ít, cả ba quốc gia này đều đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Đơn giản là vì họ cần có nhau, vì không có đồng minh vĩnh viễn mà chỉ có quyền lợi vĩnh viễn.
Trần Long