Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8 - 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Giáo sư Chu Hoàng Long đánh giá đây là mức tăng trưởng đứng đầu các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Đầu tư công đã có những tín hiệu tích cực khi có nhiều công trình lớn, trọng điểm quốc gia được triển khai. Việc giải ngân vốn FDI, kim ngạch xuất nhập khẩu cùng thặng dư thương mại và thu ngân sách nhà nước đều đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế có chuyển biến tích cực với đóng góp ngày càng quan trọng của các ngành thuộc kinh tế xanh. Đặc biệt, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế với mức tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của Giáo sư Chu Hoàng Long, một trong những nền tảng của kết quả tích cực nêu trên là sự điều hành hiệu quả của Chính phủ Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam đang có một chính phủ hành động quyết liệt và năng động. Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ khi đã có những chính sách khuyến khích, chương trình kết nối, tạo điều kiện để kiều bào Việt Nam ở nước ngoài được an tâm đầu tư, cũng như hợp tác nghiên cứu, học tập với các cơ sở trong nước, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Giáo sư Chu Hoàng Long cho rằng trong bối cảnh bất ổn chính trị, an ninh và kinh tế tại nhiều nước, nhiều khu vực, thách thức đặt ra với một nền kinh tế mở như Việt Nam là không nhỏ. Tuy nhiên, ông tin tưởng Việt Nam đang có những động lực to lớn để tiếp tục đà tăng trưởng cao vào năm tới, dựa trên 3 cơ sở.
Thứ nhất, Việt Nam đang đứng trước một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lớn nhất kể từ khi tiến hành Đổi mới năm 1986, diễn ra trên toàn hệ thống chính trị từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương. Đây có thể được coi là điểm mở đầu cho “Đổi mới” lần 2. Nếu thực hiện tốt, cuộc cải cách này sẽ mở đường cho sự đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo nền tảng vững chắc để duy trì sự tăng trưởng cao của nền kinh tế trong dài hạn. Đặc biệt, chủ trương này đang nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, cũng như tạo nguồn cảm hứng cho sự đổi mới diễn ra trong cả khối tư nhân và trong toàn xã hội.
Thứ hai, Việt Nam đang có nguồn tài nguyên quý nhất là nhân lực dồi dào, năng động, trong một xã hội luôn đề cao giáo dục và tinh thần yêu nước. Trong bối cảnh Việt Nam đang đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng kinh tế, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là hết sức quan trọng, giúp Việt Nam tận dụng được tối đa tiềm năng phát triển của đất nước cũng như đáp ứng nhu cầu hội nhập, mở ra cơ hội hợp tác làm ăn với các đối tác quốc tế, thúc đẩy thương mại và thu hút nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực xanh, hiện đại từ nước ngoài. Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế. Trong đó, cần đề cao sự đóng góp và tiếp tục khuyến khích, thu hút nguồn lực từ kiều bào, doanh nhân, trí thức Việt Nam tại nước ngoài, tạo điều kiện cho kiều bào được tham gia hợp tác kinh tế, cũng như nghiên cứu, tham mưu chính sách cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Thứ ba, Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó, cần ưu tiên dành nhiều nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng kinh tế số. Đây là một trong những đột phá chiến lược được chính phủ đặt ra. Giáo sư Chu Hoàng Long cho rằng Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục chỉ đạo sát sao việc thi công các dự án, công trình trọng điểm, đảm bảo vốn đầu tư công được giải ngân một cách hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát, giúp nhanh chóng đưa các công trình này vào hoạt động, phục vụ nhu cầu phát triển. Ông đặt kỳ vọng vào triển vọng phát triển của Việt Nam và trông chờ những kết quả tích cực sẽ đạt được vào năm tới trước thềm Đại hội lần thứ XVI của Đảng.
Đánh giá về tình hình phát triển - xã hội của Việt Nam năm 2024, Giáo sư Chu Hoàng Long cho rằng trong năm nay, Việt Nam đã có những biến động lớn về nhân sự trong bộ máy chính trị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi để lại rất nhiều tình cảm sâu sắc trong lòng người dân trong nước, kiều bào nước ngoài và bạn bè quốc tế. Những tình cảm này, ở một góc độ nhất định, có thể được coi như một thước đo về niềm tin dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giáo sư Chu Hoàng Long cho rằng, khoảng trống mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại rõ ràng không nhỏ, song đội ngũ lãnh đạo kế cận đã nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch nhân sự cấp cao để vừa thích ứng với sự thay đổi này, vừa đảm bảo tính ổn định, vốn rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo quan sát của ông, ban lãnh đạo hiện tại đã kế thừa được những di sản của cố Tổng Bí thư cả về công tác lãnh đạo điều hành và niềm tin của người dân, ổn định được hệ thống chính trị, chuẩn bị cho những cải cách sâu rộng hơn nữa cho tương lai phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Giáo sư Chu Hoàng Long nhận định, Việt Nam đang có một bộ máy chính trị hết sức năng động, không chỉ trong công tác đối nội mà cả trong các hoạt động đối ngoại. Bên cạnh việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Australia, Pháp và Malaysia, các hoạt động ngoại giao cấp cao cũng diễn ra sôi động với các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến nước quốc gia đối tác lớn và các nước láng giềng quan trọng, cũng như tham gia các diễn đàn cấp cao như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Hội nghị BRICS mở rộng với những đóng góp tích cực. Các hoạt động đối ngoại này đã duy trì được vị thế “cân bằng động” cho Việt Nam - một vị thế rất quan trọng trong bối cảnh quốc tế phức tạp, đồng thời mở ra những cơ hội mới để huy động nguồn lực quốc tế giúp phát huy các tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước.
Sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, việc Việt Nam nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Australia sẽ tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, đưa Việt Nam và Australia trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của nhau trong khu vực. Theo thỏa thuận, hai bên đã nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, môi trường, giáo dục đến an ninh quốc phòng. Australia thực sự chân thành muốn ủng hộ Việt Nam trở thành một “điểm sáng” toàn diện trong khu vực, trong đó lĩnh vực mà Giáo sư Chu Hoàng Long kỳ vọng nhất là hợp tác chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và hợp tác về năng lượng trong bối cảnh hai nước đều đang thực hiện cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Giáo sư Chu Hoàng Long bày tỏ tin tưởng mối quan hệ Việt Nam - Australia sẽ ngày càng vững mạnh, đặc biệt là khi cộng đồng người Việt tại Australia đang phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, ngày càng thành đạt, có ý thức đóng góp vào sự phát triển của Australia, đồng thời luôn dành tình cảm đặc biệt cho quê hương Việt Nam.
Là một trong những người Việt đang sinh sống, làm việc tại Australia, Giáo sư Chu Hoàng Long khẳng định bản thân ông và cộng đồng người Việt sẽ luôn cố gắng góp phần làm cầu nối giữa hai nước, hỗ trợ các hoạt động ngoại giao cấp cao cũng như thúc đẩy các hoạt động liên kết, trao đổi và giao lưu nhân dân giữa hai quốc gia, với mong muốn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Australia sẽ ngày càng gắn bó và hiệu quả hơn.