Theo trang The Guardian (Anh), đánh giá trên do giới chức Mỹ đưa ra vào cuối tuần trước, tương tự phân tích gần đây của các chuyên gia Israel và Mỹ. Quan điểm này được đưa ra trong bối cảnh có lo ngại cho rằng cuộc chiến của Israel với Hezbollah có thể leo thang nguy hiểm hơn nhiều so với cuộc chiến với Liban năm 2006.
Kể từ năm 2006, Hezbollah - lực lượng phi nhà nước được trang bị vũ khí mạnh nhất thế giới - đã nâng cấp đáng kể kho vũ khí và năng lực quân sự - bao gồm mua thiết bị bay không người lái tự sát, tăng cường năng lực tên lửa phòng không và bổ sung đáng kể tên lửa với số lượng ước tính từ 120.000 đến 200.000 hệ thống.
Giới chuyên gia cho rằng quy mô kho tên lửa của Hezbollah và học thuyết tác chiến sử dụng chúng trong một cuộc xung đột lớn với Israel có thể là thách thức lớn nhất.
Trước năm 2006, phần lớn kho vũ khí của Hezbollah bao gồm hàng chục nghìn tên lửa không dẫn đường - cả tầm ngắn và tầm xa. Kể từ năm 2006, lực lượng này đã trang bị hàng trăm tên lửa đạn đạo dẫn đường, có khả năng phóng từ các boongke kiên cố và từ bệ phóng di động.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi Hezbollah ngày càng sử dụng thiết bị bay không người lái hiệu quả, bao gồm cả vũ khí tự sát mà hệ thống phòng không hiện tại của Israel đang phải vật lộn để đối phó.
Dự án nghiên cứu kéo dài 3 năm của Viện Chống khủng bố thuộc Đại học Reichman tại Israel, hoàn thành không lâu trước cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023, kết luận rằng Hezbollah có thể phóng tới 3.000 tên lửa mỗi ngày, tốc độ này có thể duy trì trong tối đa 3 tuần. Mục tiêu chính là khiến hệ thống phòng không của Israel phải sụp đổ.
“Kỳ vọng của công chúng và một bộ phận đáng kể giới lãnh đạo - cho rằng Không quân và các hệ thống tình báo hiệu quả của Israel sẽ thành công trong việc ngăn chặn hầu hết các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel - sẽ bị phá vỡ. Nhiều người cũng có niềm tin rằng mối đe dọa trả đũa của Israel hoặc một cuộc tấn công đáng kể của Israel vào các tài sản quan trọng của Liban sẽ buộc Hezbollah phải ngừng bắn hoặc làm suy yếu đáng kể khả năng tiếp tục tấn công lãnh thổ Israel”, dự án cho biết.
Song theo đánh giá năng lực tên lửa của Hezbollah do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn của Mỹ, thực hiện, việc tìm kiếm và phá hủy năng lực tên lửa và rocket của Hezbollah sẽ cần đến một nỗ lực tấn công trinh sát khổng lồ.
“Kho rocket và tên lửa của Hezbollah cũng bao gồm tên lửa tầm xa. Chúng cũng có khả năng được sử dụng chủ yếu cho mục đích gây sức ép - với việc Hezbollah thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào các trung tâm dân cư của Israel để làm suy yếu sự ủng hộ của Israel đối với cuộc chiến này”, đánh giá cho hay.
Dù vậy, các chuyên gia tin rằng thách thức nghiêm trọng nhất có thể là số lượng lớn tên lửa bắn theo từng đợt được cố tình thiết kế để áp đảo các hệ thống phòng không của Israel.
“Sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với hệ thống phòng không của Israel khi phải đối đầu với kho vũ khí tên lửa rộng khắp từ phía Bắc”, ông Seth G Jones, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Washington, cho biết vào tuần trước. Ông đồng thời nhắc lại những cảnh báo từ các quan chức Lầu Năm Góc.
Tuần trước, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với CNN rằng: “Chúng tôi đánh giá rằng ít nhất một số khẩu đội Vòm Sắt sẽ bị áp đảo”.
CNN cũng đưa tin rằng Israel đang di chuyển thêm các vũ khí phòng không về phía Bắc.
Israel có khoảng 10 khẩu đội Vòm Sắt, mỗi khẩu đội có khoảng 4 bệ phóng riêng biệt, được kết nối với một hệ thống radar phát hiện tên lửa đang bay tới. Tuy nhiên, giống như tất cả các hệ thống khác, Vòm Sẳ bị giới hạn về mặt vật lý bởi số lượng mối đe dọa có thể tấn công cùng lúc.
Hơn nữa, khả năng tên lửa nâng cấp của Hezbollah cũng gây ra cảnh báo về mối đe dọa đối với khả năng phục hồi dân sự của Israel, thúc đẩy các kế hoạch ứng phó với thương vong hàng loạt nếu chiến tranh nổ ra. Không phải ai cũng tin rằng giới lãnh đạo quân sự và chính trị của Israel có thể đối phó với tất cả các rủi ro đó.
Phát biểu tại một hội nghị vào tuần trước, ông Shaul Goldstein, Giám đốc điều hành của Noga, đơn vị quản lý hệ thống điện của Israel, cảnh báo: “Chúng tôi chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến thực sự. Tất cả cơ sở hạ tầng của chúng tôi không ở trong tình trạng tốt”.
Mỹ và Pháp đang dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa Israel và Hezbollah, trong bối cảnh lo ngại căng thẳng leo thang và các cuộc giao tranh ở biên giới có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện.
Hôm 21/6, Bộ ngoại giao Kuwait cảnh báo công dân nước này tránh đi du lịch đến Liban và kêu gọi những người đã đến quốc gia này nên rời đi. Theo một nguồn tin, các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Biden đã nói với một phái đoàn Israel tại Washington rằng Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ an ninh trong trường hợp xảy ra xung đột rộng lớn hơn.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi các bên cần “lý trí và sáng suốt” để tránh những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra cho khu vực và thế giới.
Tại thành phố Gaza, hàng chục người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel vào 2 địa điểm đông dân cư. Theo các báo cáo ban đầu trên phương tiện truyền thông Israel, các vụ đánh bom nhằm ám sát một chỉ huy cấp cao của Hamas.
Về phần mình, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết họ đã tấn công các địa điểm cơ sở hạ tầng quân sự của Hamas.
Theo ông Ismail al-Thawabta, Giám đốc văn phòng truyền thông chính phủ do Hamas điều hành, các cuộc không kích đã tấn công khu phố al-Shati và quận al-Tuffah, gây ra các vụ nổ lớn, khiến 38 người thiệt mạng. Hamas chưa bình luận về tuyên bố Israel đã tấn công vào cơ sở hạ tầng quân sự của họ.