Hé lộ chính sách với châu Á của chính quyền Donald Trump

Tạp chí "Chính sách đối ngoại" vừa đăng bài viết của ông Michael Green, chuyên gia về các vấn đề châu Á, với nhận định rằng cuộc điện đàm kéo dài 10 phút giữa Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump với lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn hôm 2/12 vừa qua không tạo ra một cuộc khủng hoảng mới trong quan hệ Mỹ - Trung, nhưng nó thể hiện cách tiếp cận về chính sách đối ngoại của chính quyền mới.

Điều đầu tiên có thể nhận thấy là ông Trump không hề "bất cẩn" trong trường hợp này bởi bản thân ông và đội ngũ cố vấn biết rất rõ rằng Đài Loan là một vấn đề nhạy cảm đối với Trung Quốc và việc điều phối quan hệ Mỹ - Trung sẽ là một trong những thách thức khó khăn và quan trọng nhất. Ông Trump nhận cuộc điện thoại khi biết rất rõ rằng Bắc Kinh và cả thế giới sẽ chú ý tới.  

Vậy cuộc điện đàm của ông Trump vừa qua có dẫn tới một thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với châu Á? Các chuyên gia cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ phản ứng mạnh bởi kể từ khi Mỹ công nhận chính sách "Một nước Trung Quốc" vào năm 1979 đến nay chưa có một cuộc điện đàm nào giữa tổng thống Mỹ và người đứng đầu Đài Loan được thực hiện. Một số khác lưu ý rằng động thái này sẽ dấy lên những câu hỏi về xung đột lợi ích của Tập đoàn Trump liên quan các dự án phát triển đô thị tại Đài Loan.

Tổng thống đắc cử Donald Trump dường như đang có cách tiếp cận mới trong chính sách với châu Á. Ảnh: AP/TTXVN

Chính quyền Donald Trump sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong quan hệ với Bắc Kinh. Lịch sử cho thấy Mỹ cần có một chiến lược tổng thể về châu Á trước khi đối đầu với Trung Quốc. Hiện còn quá sớm để nói về chính sách của chính quyền Donald Trump đối với Trung Quốc hay chính sách đối ngoại nói chung. Câu hỏi đặt ra là qua cuộc điện đàm này, dư luận có thể biết những gì?  

Thứ nhất, đây là dấu hiệu cho thấy ông Donald Trump ít bị ảnh hưởng từ quá khứ và từ những điều kiêng kỵ trong việc định hình chính sách đối ngoại so với những người tiền nhiệm trong hai thế hệ qua. Quan điểm của ông Trump là phá bỏ những kiêng kỵ và chỉ dựa trên kinh nghiệm, có nghĩa là "thử làm và chờ xem" điều gì xảy ra. Điều đó có thể dẫn đến những đột phá sáng lạn, nhưng cũng có thể dẫn tới thảm họa. 

Chính quyền Donald Trump sẽ mang tới nhiều điều ngạc nhiên và không theo thông lệ. Bản thân ông Trump đã không nói đùa trong chiến dịch tranh cử khi chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ là "lệ thuộc một cách ngu ngốc vào lối suy nghĩ theo thông lệ".  

Thứ hai, cuộc điện đàm trên cho thấy ông Donald Trump không chờ đến ngày 20/1/2017 để người tiền nhiệm Barack Obama "bàn giao" quyền quyết định về chính sách đối ngoại. Bản thân ông Obama đã cố gắng ràng buộc người kế nhiệm vào những vấn đề như thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng ông Trump nhấn mạnh rằng chính quyền Obama đang ở giai đoạn chuyển giao nên không thể buộc nước Mỹ và chính quyền mới đi "chệch hướng".

 Cuộc điện đàm trên là một trong những dấu hiệu cho thấy ông Trump có ý định điều hành chính sách đối ngoại của Mỹ theo cách hoàn toàn khác so với người tiền nhiệm. 

Thứ ba, về chính sách châu Á, cuộc điện đàm là dấu hiệu rõ ràng về việc ông Trump đang dự định làm 2 việc đồng thời: Đánh gục kỷ nguyên "xoay trục sang châu Á" của ông Obama và đánh giá về sự hiện diện, cam kết của Mỹ đối với châu Á. Sự xoay trục của chính quyền Obama là một thỏa thuận thương mại không có sự tham gia của Trung Quốc, nhấn mạnh nhân quyền để cô lập Trung Quốc về chính trị và sự hiện diện quân sự ở mức hết sức thận trọng để tránh kích động Trung Quốc. 

Nhiều người đã băn khoăn rằng với việc từ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), dường như Mỹ đã rời bỏ châu Á. Tuy nhiên, cuộc điện đàm đã cho thấy ông Trump chưa có ý định đó. 
TTK
Châu Âu “đơn độc” dưới thời Donald Trump?
Châu Âu “đơn độc” dưới thời Donald Trump?

Quan hệ EU-Mỹ có nguy cơ chấm dứt bởi ông Trump tin tưởng vào các bức tường được dựng lên nhằm đối phó với người nhập cư hơn là sự đoàn kết với các nước đồng minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN