Điểm yếu bất ngờ bị phơi bày
Tàu chiến của Hải quân Liên bang Nga. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Việc lựa chọn Kaliningrad làm địa điểm tập trận không phải là tình cờ. Vùng lãnh thổ tách biệt này - nơi đặt sở chỉ huy của Hạm đội Baltic - tập trung dày đặc các tài sản quân sự như tên lửa đạn đạo Iskander-M, hệ thống phòng không S-400 và các bệ phóng tên lửa phòng thủ bờ biển.
Tầm quan trọng chiến lược của Kaliningrad nằm ở khả năng chiếu sức mạnh vào sườn Đông của NATO và làm gián đoạn hoạt động của liên minh trong khủng hoảng. Tuy nhiên, sự cô lập địa lý khiến Kaliningrad phụ thuộc vào các tuyến tiếp vận đường biển, vốn dễ bị NATO ngăn chặn.
Một phân tích năm 2023 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho thấy rằng quyền kiểm soát các eo biển chiến lược ở Baltic như Eo biển Đan Mạch có thể cho phép NATO cô lập Kaliningrad trong trường hợp xung đột, cắt đứt khả năng tiếp viện hay tiếp tế của Liên bang Nga.
Cuộc diễn tập chống ngầm của tàu Urengoy, tập trung vào phát hiện và trung hòa các mối đe dọa dưới nước, dường như nhằm trực tiếp vào điểm yếu đó, đảm bảo rằng Liên bang Nga có thể bảo vệ tuyến đường sinh tồn trên biển của mình.
Vượt ra ngoài các khía cạnh kỹ thuật, cuộc diễn tập mang thông điệp chính trị rõ ràng. Thông qua việc công khai hoạt động huấn luyện này, Liên bang Nga muốn gửi tín hiệu về sự kiên cường tới cả công chúng trong nước và cộng đồng quốc tế.
Ở trong nước, những màn trình diễn như vậy giúp củng cố lập luận của Điện Kremlin về sức mạnh quân sự, trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn và cuộc chiến ở Ukraine vẫn chưa kết thúc.
Trên trường quốc tế, cuộc diễn tập là lời nhắc nhở NATO rằng Liên bang Nga vẫn là một đối thủ hải quân đáng gờm ở biển Baltic, đủ sức phản ứng trước bất kỳ sự “xâm nhập” nào mà họ cảm nhận được.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, được đăng tải trên trang web chính thức, nhấn mạnh vai trò của cuộc diễn tập trong việc duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, thời điểm tổ chức - ngay sau khi cuộc tập trận BALTOPS 2025 của NATO kết thúc - cho thấy một nỗ lực có chủ ý nhằm tạo thế đối trọng với các hoạt động của liên minh.
Thông tin tình báo nguồn mở, bao gồm các bài đăng trên X (Twitter cũ), đã ghi nhận sự gia tăng hoạt động hải quân của NATO ở Baltic từ đầu năm 2025, với các tàu của Mỹ, Đức và Thụy Điển phối hợp tuần tra. Phản ứng của Liên bang Nga, tuy quy mô hạn chế, lại nhằm mục đích tạo ấn tượng rằng họ vẫn ngang hàng với NATO.
Việc đưa vào các nội dung huấn luyện bổ sung như tăng khả năng sống sót của tàu, phòng không với gây nhiễu thụ động, và ném lựu đạn chống đặc công… cho thấy một mối quan ngại rộng hơn trong hải quân Liên bang Nga: sự cần thiết phải chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa đa miền.
Đặc điểm nông và kín của biển Baltic khiến khu vực này lý tưởng cho các chiến dịch phá hoại, ví dụ như do lực lượng đặc nhiệm hoặc các phương tiện không người lái dưới nước tiến hành. Việc NATO ngày càng đầu tư vào các năng lực như vậy, bao gồm tàu ngầm không người lái cỡ lớn Orca của Hải quân Mỹ và tàu ngầm A26 của Thụy Điển, đã đặt ra thách thức trực tiếp đối với đội tàu đã cũ kỹ của Liên bang Nga.
Sự chú trọng của cuộc diễn tập vào các chiến thuật này cho thấy Moskva đang thích nghi với chiến trường nơi sức mạnh hải quân truyền thống ngày càng được bổ sung bởi các mối đe dọa phi đối xứng.
Dù phô trương hoạt động, nhưng Hạm đội Baltic của Liên bang Nga vẫn cho thấy những hạn chế rõ rệt. Tàu Urengoy, dù còn sử dụng được, thuộc lớp tàu khó lòng đối đầu với các đối thủ hiện đại. Ví dụ, các cảm biến trên tàu lớp Grisha kém xa về tầm phát hiện và độ phân giải so với các hệ thống như Thales CAPTAS-4 trên khinh hạm NATO - có khả năng phát hiện tàu ngầm ở khoảng cách xa hơn và trong môi trường nhiễu âm cao.
Việc đầu tư vào các tàu mới như tàu hộ vệ lớp Steregushchiy (Đề án 20380) của Nga diễn ra chậm chạp ở vùng Baltic, vì hầu hết tàu hiện đại được ưu tiên cho Hạm đội Thái Bình Dương hoặc Phương Bắc. Báo cáo năm 2024 của Naval News cho thấy các tàu chiến mặt nước của Hạm đội Baltic Nga bị NATO vượt trội cả về số lượng lẫn chất lượng, với hơn 50 tàu chiến lớn và hàng chục tàu hỗ trợ thuộc liên minh.
Tàu ngầm Varshavyanka, dù là tài sản uy lực, không thể bù đắp hoàn toàn cho những thiếu sót đó, nhất là trong môi trường âm thanh phức tạp của biển Baltic – nơi độ sâu nông và giao thông hàng hải dày đặc làm phức tạp hoạt động tàu ngầm.
Phản ứng của NATO đối với cuộc diễn tập có thể sẽ thận trọng nhưng chặt chẽ. Liên minh này từ lâu đã giám sát chặt chẽ hoạt động hải quân Liên bang Nga ở Baltic, sử dụng các phương tiện như máy bay P-8 Poseidon của Mỹ và khinh hạm lớp Visby của Thụy Điển để theo dõi di chuyển.
Cuộc diễn tập của Urengoy, dù không mang tính khiêu khích trực tiếp, có thể sẽ khiến NATO tăng cường thu thập tình báo và thậm chí tổ chức diễn tập đối ứng để thử phản ứng của Liên bang Nga. Một báo cáo của AP News năm 2023 về cuộc tập trận “Lá chắn Đại dương” của Liên bang Nga cho thấy các máy bay trinh sát NATO từ Ba Lan và Thụy Điển đã theo dõi sát sao các hoạt động – một mô hình có khả năng tái diễn.
Khả năng duy trì nhận thức tình huống trong khu vực, nhờ hình ảnh vệ tinh và tình báo tín hiệu, mang lại cho NATO lợi thế đáng kể so với hệ thống chỉ huy kiểm soát thiếu tích hợp của Nga.
Cuộc diễn tập này cũng phù hợp với chiến lược hải quân rộng lớn hơn của Liên bang Nga, nhấn mạnh khả năng răn đe và kiểm soát khu vực, bất chấp những giới hạn về nguồn lực. Cuộc tập trận “Ocean-2024” của Hải quân Liên bang Nga, diễn ra trên nhiều vùng biển, được truyền thông Liên bang Nga như RIA Novosti đưa tin là có sự tham gia của hơn 400 tàu và 90.000 nhân sự.
Dù những con số này có thể bị thổi phồng, chúng phản ánh tham vọng phô trương sức mạnh toàn cầu của Moskva. Tuy nhiên, Baltic vẫn là chiến trường thứ yếu so với Bắc Cực hay Thái Bình Dương - nơi lợi ích chiến lược như bảo vệ Tuyến đường biển Phương Bắc hay đối đầu với Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Liên bang Nga ưu tiên hơn.
Cuộc diễn tập của tàu Urengoy, dù quy mô nhỏ, là một biểu hiện thu nhỏ của chiến lược đó: nỗ lực có chọn lọc nhằm duy trì sự hiện diện đáng tin trong một khu vực tranh chấp mà không làm quá tải nguồn lực hạn chế.
Về mặt kỹ thuật, cuộc diễn tập nêu bật những thách thức của chiến tranh chống tàu ngầm tại Baltic. Vùng biển này có độ sâu trung bình chỉ khoảng 55 mét, tạo điều kiện âm thanh phức tạp, có thể che giấu tín hiệu của tàu ngầm. Việc tàu Urengoy dựa vào sonar chủ động - phát sóng âm để phát hiện mục tiêu - lại kém hiệu quả hơn so với hệ thống sonar thụ động mà NATO sử dụng.
Khả năng tàng hình của tàu Varshavyanka, dù ấn tượng, cũng bị giới hạn bởi không gian hoạt động chật hẹp – nơi nguy cơ bị phát hiện bởi tàu mặt nước hay máy bay tuần tra là rất cao. Những yếu tố này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của huấn luyện, vì ngay cả các nền tảng hiện đại cũng cần thủy thủ lành nghề để đối phó với những thách thức riêng của vùng biển Baltic.
Nhìn về phía trước, cuộc tập trận của tàu Urengoy khó có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh ở Baltic. Ưu thế về số lượng và công nghệ của NATO, kết hợp với khả năng điều phối lực lượng đa quốc gia, mang lại lợi thế quyết định cho liên minh quân sự này.
Hạm đội Baltic của Liên bang Nga, dù có khả năng hoạt động cục bộ, thiếu chiều sâu để duy trì một cuộc xung đột kéo dài. Ý nghĩa thực sự của cuộc diễn tập nằm ở thông điệp: gửi đến NATO rằng Liên bang Nga đang theo dõi và sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình, đặc biệt là quanh Kaliningrad. Với công chúng Mỹ, điều này là một lời nhắc nhở rằng biển Baltic vẫn là một điểm nóng tiềm tàng - nơi các sự cố nhỏ có thể leo thang nhanh chóng.
Phân tích sự kiện này cho thấy Nga đang đi trên một sợi dây mong manh. Cuộc diễn tập của Urengoy thể hiện cam kết duy trì khả năng sẵn sàng hải quân, nhưng cũng phơi bày sự phụ thuộc của Hạm đội Baltic vào các nền tảng cũ kỹ và nguồn lực hạn chế.
Tàu ngầm Varshavyanka là minh chứng cho năng lực hiện đại của Liên bang Nga, nhưng việc chỉ sử dụng nó trong vai trò huấn luyện cho thấy Moskva vẫn thận trọng, không muốn mạo hiểm tài sản giá trị trong một cuộc xung đột thực sự. Cuộc diễn tập phản ánh chiến lược rộng hơn của Liên bang Nga: phô trương sức mạnh qua những màn trình diễn được dàn dựng kỹ lưỡng, ngay cả khi quân đội phải vật lộn với thực tế eo hẹp về tài nguyên.
Với NATO, thách thức là cân bằng giữa răn đe và kiềm chế, đảm bảo rằng các cuộc diễn tập thường lệ của Liên bang Nga không trượt thành những tính toán sai lầm. Khi căng thẳng tiếp diễn, biển Baltic sẽ tiếp tục là nơi thử thách ý chí của cả hai bên. Câu hỏi đặt ra là: điều gì sẽ xảy ra nếu những cuộc tập trận này vượt ra ngoài khuôn khổ mô phỏng và liệu cả Liên bang Nga lẫn NATO có sẵn sàng cho hậu quả hay không?