Guồng quay chuyển đổi 

Cánh cửa đưa thế giới tiến vào kỷ nguyên năng lượng sạch đã rộng mở hơn vào những ngày cuối năm 2023.

Tuyên bố chung của  Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai nêu rõ các nước nhất trí đã đến lúc phải chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, đồng thời cam kết tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030. Đây có thể xem là kết quả thỏa đáng để khép lại một năm 2023 với rất nhiều nỗ lực “xanh hóa” ngành năng lượng toàn cầu nhằm tìm lời giải cho bài toán khí hậu vốn đang ngày càng gay gắt.

Chú thích ảnh
 Khí thải bốc lên từ một nhà máy điện ở Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Rõ ràng thế giới có nhu cầu và động lực mạnh mẽ để chuyển đổi năng lượng trong năm 2023. Cuộc khủng hoảng năng lượng tiếp tục trầm trọng do những biến động địa chính trị, trong lúc biến đổi khí hậu càng lúc càng gây nhiều hậu quả tàn khốc ở khắp nơi trên thế giới buộc các chính phủ phải cân nhắc bài toán đảm bảo năng lượng vừa đủ, vừa bền vững. Quá trình đó đã cho thấy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là xu thế tất yếu của tương lai.

Năng lượng sạch ngày càng được công nhận rộng rãi là yếu tố thay đổi cuộc chơi, giúp cân bằng nhu cầu vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Thực tế một năm qua còn chứng minh rằng nếu được đầu tư phát triển đúng mức, đây là nguồn năng lượng đáng tin cậy trong các trường hợp xảy ra khủng hoảng. Trong báo cáo được xem là đề ra định hướng hoạt động cho cả năm 2023, công bố vào tháng 3, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc (LHQ) đã nhấn mạnh nhu cầu chuyển đổi năng lượng nhanh chóng và rộng rãi trong mọi lĩnh vực và hệ thống để đảm bảo các mục tiêu khí hậu.

Rất nhiều hình thức chuyển đổi dựa trên năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và sử dụng trực tiếp năng lượng tái tạo trong giao thông, công nghiệp và xây dựng đã được áp dụng, mang lại những lợi ích rõ ràng giúp củng cố an ninh năng lượng, giảm thiểu tác hại của nhiên liệu hóa thạch vốn biến động mạnh về giá trong năm.

Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) đánh giá năng lượng tái tạo đã có khả năng cạnh tranh ngày càng hiệu quả hơn so với nhiên liệu hóa thạch trong nhiều trường hợp, cho phép kiềm chế giá điện không quá cao và giúp nhiều nước giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Chi phí cho năng lượng tái tạo đã giảm gần 80% từ năm 2010 đến nay, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch cũng sẽ sớm giảm. Quan trọng hơn cả, những biện pháp chuyển đổi dựa vào năng lượng tái tạo, với những công nghệ đã được phát triển thích hợp để ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực, mở ra lộ trình rõ ràng hơn tiến tới mục tiêu kiềm chế mức nhiệt tăng toàn cầu ở 1,5 độ C. 

Những kết quả đáng khích lệ của tiến trình chuyển đổi năng lượng trong năm 2023 được phản ánh qua các dữ liệu thực tế. Có thể kể đến những con số tích cực trong Báo cáo triển vọng năng lượng 2023 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA): cứ 5 xe được bán ra trong năm 2023 thì có 1 xe điện (1/5), tăng từ mức 1/25 năm 2020. Tăng trưởng doanh số bán xe điện đảm bảo tốc độ vừa đủ để đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050, dự báo 2/3 số phương tiện được bán ra năm 2030 là xe điện.

Đầu tư toàn cầu cho các công nghệ năng lượng sạch năm 2023 đang trên đà đạt mức tăng trưởng 40% so với năm 2020. Đầu tư cho phát triển và ứng dụng các công nghệ năng lượng tái tạo đã nhanh chóng vượt qua đầu tư cho các dự án nhiên liệu hóa thạch. Trung bình mỗi ngày lại có hơn 1 tỷ USD đầu tư cho phát triển năng lượng Mặt Trời, năm nay hơn 500 GW điện tái tạo được hòa mạng điện toàn cầu, trong đó điện Mặt Trời cao nhất. Hoạt động sản xuất tấm năng lượng Mặt Trời tăng gấp đôi mỗi năm trong 10 năm qua.

Mặc dù vậy, so với yêu cầu cấp bách của bối cảnh thế giới, quá trình chuyển đổi năng lượng vẫn bị cho là chưa đúng lộ trình cần thiết, khoảng cách giữa thực tế triển khai và yêu cầu đặt ra ngày càng nới rộng. Các nước thậm chí đã có thể giảm nhẹ một số thách thức trong lĩnh vực năng lượng nếu như trước đó quan tâm đầu tư đúng mức cho các công nghệ chuyển đổi và cơ sở hạ tầng liên quan tới cấp điện và sưởi ấm. Không những thế, chậm trễ trong tiến độ thực hiện hôm nay có sẽ dẫn tới tốn kém trong đầu tư ở tương lai, cả trong sản xuất năng lượng đáp ứng nhu cầu thế giới và cả trong ứng phó với những tác động của biển đổi khí hậu.

Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, vốn chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ biến đổi khí hậu, vẫn bị "tụt lại" trong hành trình chuyển đổi năng lượng tái tạo, là "vùng trũng" về công nghệ, đầu tư và cả quyết tâm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Nhu cầu khí đốt và dầu mỏ vẫn ở mức cao không thể chấp nhận được do nhu cầu nhiên liệu cho các ngành hàng không và vận tải biển, cũng như nhu cầu ở các thị trường mới nổi và đang phát triển. Số liệu của IEA cho thấy việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong năm 2023 đã tăng lên mức kỷ lục 8,5 tỷ tấn, tăng 1,4% so với năm 2022. Đứng trước phương trình cân bằng chuyển đổi năng lượng và đảm bảo sức khỏe nền kinh tế, nhiều nhà hoạch định chính sách đã đưa ra những biện pháp ứng phó khủng hoảng năng lượng không phù hợp với lộ trình trung hòa khí thải.

Những gián đoạn chuỗi cung ứng trong nhiều lĩnh vực cộng với khủng hoảng an ninh năng lượng do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine và tình trạng kinh tế toàn cầu giảm tốc, đã khiến nhiều nước tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. IEA dự báo nếu không có thêm những can thiệp chính sách nào khác, tỷ lệ năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch trong nguồn cung điện toàn cầu là 73% vào năm 2030, giảm so với mức 80% hiện nay. Trong khi, để đạt được mục tiêu kiềm chế mức nhiệt tăng ở 1,5 độ C vào năm 2100 thì tỷ lệ này phải giảm xuống 60% vào năm 2030. Dựa trên những cam kết năng lượng hiện nay, mô hình dự báo của IEA chỉ ra nhiệt độ Trái Đất sẽ ấm lên 2,4 độ C vào năm 2100 thay vì 1,5 độ C như mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Dự báo bức tranh chuyển đổi năng lượng trong ngắn và trung hạn, IEA cho rằng năng lực sản xuất năng lượng tái tạo như điện Mặt Trời và điện gió sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng. IEA dự báo thế giới vào cuối thập niên sẽ chứng kiến sự chuyển đổi mang tính biến hóa khi các công nghệ năng lượng sạch - trong đó có năng lượng Mặt Trời, gió, phương tiện điện và bơm nhiệt - đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với hiện nay.

Số lượng xe điện trên đường sẽ tăng gần 10 lần, điện tái tạo chiếm 50% công suất điện toàn cầu (tăng mạnh so với mức 30% hiện nay). Bên cạnh đó, doanh số bán các hệ thống sưởi ấm bằng điện, như bơm nhiệt, sẽ hoàn toàn lấn át các thiết bị truyền thống sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên quy mô toàn cầu. Các khoản đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi cũng sẽ vượt các khoản đầu tư cho dự án nhiên liệu hóa thạch mới. Hơn nữa, lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2025.

Hành trình chuyển đổi năng lượng thực sự mới chỉ bắt đầu. Như nhận định của Giám đốc IEA Fatih Birol rằng: “Quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đang diễn ra trên toàn cầu, theo cách không thể ngăn cản được. Câu hỏi đặt ra không phải là “nếu như” mà là “trong bao lâu” và càng sớm thì càng tốt cho tất cả”. Để làm được điều này thì việc định hình lại một cách đồng bộ và chủ động các cấu trúc vật chất, cơ sở hạ tầng, các chính sách và thể chế sẽ rất cần thiết, qua đó đẩy nhanh việc hiện thực hóa một thế giới kiên cường, năng suất và công bằng hơn về năng lượng.

Lê Ánh (TTXVN)
Biến đổi khí hậu có thể 'thổi bay' khoản đầu tư 600 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng
Biến đổi khí hậu có thể 'thổi bay' khoản đầu tư 600 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tài sản tư và cơ sở hạ tầng EDHEC, các nhà đầu tư vào cơ sở hạ tầng đang đối mặt với nguy cơ mất gần 1/3 số vốn đầu tư, tức khoảng 600 tỷ USD, nếu các nước không có kế hoạch chuyển đổi một cách có trật tự sang một nền kinh tế xanh hơn trước năm 2050.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN