Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber, người đồng thời là Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn dầu khí quốc gia ADNOC của UAE, thừa nhận rằng có quan điểm mạnh mẽ về ý tưởng đưa nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo vào văn bản đàm phán. Ông bày tỏ sự ủng hộ đối với ý kiến này, đồng thời kêu gọi các bên cùng thảo luận về nhiên liệu hóa thạch trong các cuộc đàm phán về khí hậu. Theo ông, không nên để bất cứ vấn đề quan trọng nào nằm ngoài bàn đàm phán.
Ông al-Jaber cũng hoan nghênh việc nhiều công ty dầu khí đã thông qua các mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, song cũng cho rằng điều này là chưa đủ và các công ty cần nỗ lực hơn nữa.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã đề cập đến vai trò của nhiên liệu hóa thạch trong tuyên bố với báo giới trước khi lên đường tới UAE. Ông Antonio Guterres nhận định rằng lãnh đạo các nước cần hướng tới mục tiêu loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch và theo ông, để thực hiện được điều này, cần đặt ra khung thời gian hợp lý.
Với chủ đề "Gắn kết - hành động - hiệu quả", COP28, diễn ra ở UAE từ 30/11 - 12/12, được coi là cơ hội quan trọng để các chính phủ thúc đẩy hành động về biến đổi khí hậu. Dự kiến, khoảng 70.000 người, trong đó có trên 160 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, môi trường, giới khoa học cũng như thanh niên từ khắp nơi trên thế giới tham gia sự kiện này. Đây là con số kỷ lục so với mọi kỳ COP trước đây. Hai tuần đàm phán sẽ khởi động bằng Hội nghị thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới, diễn ra trong các ngày 1 - 2/12. Sự kiện này được xem là nền tảng đưa ra các tuyên bố quan trọng và tạo động lực cho các hội nghị còn lại của COP28.
Dự kiến, trong buổi làm việc đầu tiên (30/11) của COP28, các đại biểu sẽ chính thức thông qua việc triển khai một quỹ nhằm bồi thường cho các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.