'Gót Asin' của thiên đường tài chính Cyprus

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Cộng hòa Cyprus (Síp) một lần nữa lại đặt ra câu hỏi rằng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể tồn tại bao lâu sau những "cơn địa chấn" có cường độ mạnh như vậy.

Giờ đây, mỗi cú sốc đơn lẻ cũng đủ làm lung lay cấu trúc khu vực, chưa nói đến hiệu ứng đôminô mà Cyprus là "quân bài" mới nhất trong tổng thể cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng trong Eurozone lâu nay. Vậy đâu là "gót chân Asin" của nền kinh tế từng được ví như "thiên đường tài chính" này, đến mức không chỉ Cyprus mà cả Eurozone đều phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn nhất để trả lời câu hỏi muôn thủa: tồn tại hay không tồn tại?

Người dân xếp hàng bên ngoài một ngân hàng ở thủ đô Nicosia ngày 28/3/2013. Ảnh: Kyodo/TTXVN


Sáng sáng, mặt trời vẫn thức giấc để mang ánh nắng chan hòa trải dọc những bãi biển tuyệt đẹp của đảo Cyprus. Chắc chắn đó là điều duy nhất bất biến sau khi nước này nhận gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU). Tiền đổ vào để cứu hệ thống ngân hàng Cyprus khỏi nguy cơ bị phá sản, nhưng cũng đi kèm hàng loạt điều kiện ràng buộc và những mốc thời hạn cụ thể.

Tư hữu hóa các tài sản nhà nước, tái cơ cấu các khoản nợ công, tăng thuế doanh nghiệp từ 10% lên 12,5%, chấp nhận hoạt động thanh tra độc lập về chống rửa tiền, áp dụng quy chuẩn về ngân hàng của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2018... Rõ ràng, khi thực hiện tất cả những điều kiện này, Cyprus sẽ phải thay đổi mô hình phát triển chỉ dựa vào công nghiệp nhẹ và dịch vụ (du lịch, tài chính).

Còn nhớ, công cuộc cải cách và mở cửa đã đưa Cyprus trở thành một nền kinh tế tiên tiến theo chính đánh giá của IMF năm 2001. Từ chỗ chỉ phụ thuộc vào nông nghiệp, Cyprus đã nhanh chóng trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho các dịch vụ tài chính phát triển. Hoạt động trung chuyển vốn từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam qua "cửa ngõ" Cyprus đã mang lại cho hệ thống ngân hàng nước này một lượng tài sản khổng lồ, cao gấp 8 lần so với quy mô nền kinh tế.

Không thể phủ nhận vai trò của các ngành dịch vụ, mà chủ yếu là tài chính và du lịch, khi các ngành này đóng góp tới 80% GDP và cung cấp 70% tổng số việc làm cho người lao động. Vậy đâu là thần dược đã giúp hòn đảo một thời là thuộc địa của Anh phát triển như vũ bão để trở thành "thiên đường tài chính" của thế giới?

Chẳng mấy khó khăn để tìm ra câu trả lời, bởi bản thân khái niệm "thiên đường tài chính" cũng tự bộc lộ tất cả những gì mà Cyprus đã thực hiện trong những năm qua. Nới lỏng các quy định về tài chính, thiết lập hành lang pháp lý và cơ chế thông thoáng, dễ tiếp cận, áp dụng thuế doanh nghiệp thấp..., tất cả đều nhằm mục tiêu cuối cùng: biến đảo Cyprus thành "cục nam châm" khổng lồ hút vốn từ khắp nơi đổ về. Các nhà đầu tư trên khắp thế giới thông qua "cửa ngõ Cyprus" để thâm nhập thị trường Tây Âu. Ngược lại, các nước Tây Âu cũng sẵn sàng sử dụng Cyprus để trung chuyển nguồn vốn đầu tư ra thế giới.

Vấn đề nằm ở chỗ Cyprus đã không kịp thời điều chỉnh chính sách, hoặc nói chính xác hơn là những nhân tố, cả bên trong lẫn bên ngoài, đang miệt mài canh tác trên "mảnh đất màu mỡ" để tranh thủ kiếm lời và không bao giờ muốn các quy định thông thoáng bị siết chặt lại. Tốc độ tăng trưởng quá nóng dựa trên nền tảng không vững vàng đã khiến hệ thống ngân hàng của Cyprus ngày càng bộc lộ "gót chân Asin".

Thế nhưng, những lời cảnh báo chỉ như làn gió thoảng, không đủ sức ngăn chặn dòng chủ lưu quay vòng vốn để kiếm lời. Các mối liên kết chặt chẽ giữa Cyprus và Hy Lạp cũng giáng họa xuống hệ thống ngân hàng ở hòn đảo này. Việc EU tái cơ cấu các khoản nợ công của Hy Lạp để giúp Athens vượt qua khủng hoảng tài chính vô hình trung đã gây thiệt hại nặng nề. Ước tính, khoảng 4,5 tỷ euro biến mất khỏi bảng cân đối tài sản của các ngân hàng ở Cyprus, đẩy họ đến bờ vực phá sản và buộc phải cầu cứu EU.

"Thiên đường tài chính" không còn, giới đầu tư tìm nơi trung chuyển khác, nền kinh tế dự báo sẽ lâm vào suy thoái, thất nghiệp gia tăng, bất ổn xã hội bùng phát, đó là bức tranh cận cảnh của đảo Cyprus trong những ngày tháng tới. Người dân Cyprus đổ lỗi cho EU và họ chợt thấy hối tiếc vì đã hăng hái gia nhập liên minh khu vực này vào năm 2004 (và gia nhập Eurozone năm 2008) với hy vọng sẽ thúc đẩy tiến trình tái thống nhất đất nước.

Cáo buộc của người dân không phải là vô căn cứ. Tại sao EU không chủ động ngăn chặn hiệu ứng đôminô sau hàng loạt vụ đổ vỡ của ngành ngân hàng từ Hy Lạp, Ireland đến Tây Ban Nha...? Rõ ràng, các nhà lãnh đạo EU hoàn toàn biết được nguy cơ mà đảo Cyprus sẽ phải đối mặt khi nới lỏng thị trường tài chính đến mức mạo hiểm và nhất là khi ngành ngân hàng của họ chịu thiệt hại nặng nề từ nỗ lực tái cơ cấu nợ công ở Hy Lạp. Thế nhưng, tất cả vẫn "án binh bất động" cho đến khi hệ thống ngân hàng Cyprus bị đẩy đến bờ vực phá sản.

Dường như, EU khá trung thành với cách tiếp cận truyền thống: chỉ can dự khi khủng hoảng ngấp nghé và lợi ích trực tiếp bị đe dọa. Trường hợp đảo Cyprus cũng không khác mấy so với Hy Lạp. Vẫn những cuộc tranh luận nảy lửa và thâu đêm để kỳ kèo "bớt một, thêm hai", vẫn những điều kiện ràng buộc thể hiện "bàn tay hữu hình" của EU ở mỗi nước, vẫn lộ trình và thời hạn gấp gáp,... Đó là chưa kể đến tác động của chính trường mỗi nước thành viên chủ chốt trong EU.

Nhiều người đã đặt câu hỏi vì sao Đức - nước được cho là có ảnh hưởng lớn nhất trong EU - lại theo đuổi quan điểm cứng rắn với Cyprus như vậy. Ban đầu, Cyprus đề nghị gói cứu trợ là 17 tỷ euro, nhưng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Khi chỉ còn 6 tháng nữa Đức sẽ tổ chức tổng tuyển cử (9/2013), đương nhiên là giới lãnh đạo nước này không thể mạo hiểm với lá phiếu của cử tri - những người đóng thuế.

Suy cho cùng, mỗi quân bài đôminô đổ xuống đều sẽ gây hậu quả lâu dài đối với Eurozone cũng như EU. Trường hợp Cyprus cũng vậy. Quá trình đàm phán thông qua gói cứu trợ đã một lần nữa bộc lộ những mâu thuẫn và chia rẽ giữa các nhà lãnh đạo, nhất là khi Đức được cho là luôn tìm cách áp đặt "luật chơi". Còn đồng euro, từng được ví là biểu tượng của sự đoàn kết, nay lại trở thành nguyên nhân gây chia rẽ các nước thành viên.

Và khi trong EU vẫn tồn tại khái niệm "nước lớn", nước nhỏ", rằng "nước lớn" áp đặt luật chơi, còn "nước nhỏ" không có quyền định đoạt điều gì thì những đợt sóng ngầm trong nội bộ EU vẫn sẽ không ngừng chảy. Điều đó tất yếu sẽ ảnh hưởng đến quá trình EU vực dậy một nước thành viên khi nền kinh tế nước đó để lộ "gót chân Asin".


Lê Phương (P/v TTXVN tại Lon don)



Hỗn loạn cảm xúc ngày Cyprus mở cửa ngân hàng
Hỗn loạn cảm xúc ngày Cyprus mở cửa ngân hàng

Ngày 28/3, tất cả các ngân hàng của Cộng hòa Cyprus đã hoạt động trở lại sau 12 ngày đóng cửa. Tại thủ đô Nicosia, người dân đã xếp hàng dài bên ngoài các chi nhánh của Ngân hàng Cyprus và Ngân hàng Nhân dân Cyprus (Laiki).

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN