Tân Hoa xã (Trung Quốc) ngày 2/5 cho rằng, việc tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden là một thành tựu lớn trong các nỗ lực chống khủng bố của Mỹ, song đây không phải là "liều thuốc chữa bách bệnh" đối với cuộc chiến chống khủng bố ở Ápganixtan.
Yu Wanli, Phó Giáo sư của Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, nhận xét: "Cái chết của Bin Laden là một thành tựu lớn đối với chính quyền của Tổng thống Barack Obama và sẽ giúp thúc đẩy uy tín của ông Obama ở trong nước". Tuy nhiên, cho dù chiến thắng này có thể giáng một đòn mạnh vào al-Qaeda và Taliban ở Ápganixtan thì nó cũng không phải là "liều thuốc chữa bách bệnh" có thể làm đảo ngược tình hình đang ngày càng nghiêm trọng ở Ápganixtan. Theo Phó Giáo sư Yu, cái chết của Bin Laden về cơ bản sẽ không làm thay đổi toàn bộ bức tranh chống khủng bố của Mỹ trên thế giới, đặc biệt là tại Ápganixtan. Còn Mỹ, chỉ với mỗi việc tiêu diệt Bin Landen, cũng chưa chắc đã kiểm soát một cách có hiệu quả cuộc chiến chống khủng bố tại Ápganixtan và chấm dứt thế bế tắc ở đây trong một thời gian ngắn. Ông Yu cũng cảnh báo rằng, việc tiêu diệt Bin Laden có thể khiến những người ủng hộ tên trùm khủng bố này có những phản ứng tiêu cực và Mỹ có thể phải cảnh giác với các cuộc tấn công khủng bố mới.
An ninh cũng đang được tăng cường tối đa tại nhiều thành phố của Mỹ.THX-TTXVN |
Trong khi đó, báo Dân tộc của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất ngày 3/5 cũng cho rằng, việc tiêu diệt Bin Laden là thắng lợi đối với Oasinhtơn, nhưng không đồng nghĩa với việc al-Qaeda sẽ bị tan rã. Tổ chức khủng bố này vẫn sẽ là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất đối với Mỹ và các đồng minh. Khi thông báo về cái chết của Bin Laden đêm 1/5, Tổng thống Obama đã cảnh báo rằng, al-Qaeda vẫn hoạt động tích cực và Mỹ có thể đối mặt với sự trả thù. Ông Obama khẳng định: "Al-Qaeda sẽ tiếp tục theo đuổi các cuộc tấn công. Chúng ta vẫn sẽ phải nâng cao cảnh giác cả ở trong và ngoài nước".
Báo trên cũng dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng, cái chết của Bin Laden có thể khiến trung tâm chỉ huy của tổ chức khủng bố al-Qaeda được chuyển tới Yêmen, quê hương của ông này. Các chuyên gia dự báo, nhánh al-Qaeda ở Yêmen sẽ tăng mạnh hoạt động.
Theo một người phát ngôn của Nhà Trắng, al-Qaeda trên bán đảo Arập hiện được coi là mối đe dọa khủng bố lớn nhất đối với an ninh quốc tế và nằm dưới sự chỉ huy của giáo sĩ thánh chiến người Mỹ gốc Yêmen Anwar al-Awlaqi. Các chuyên gia khủng bố tin rằng, vùng đồi núi của Yêmen có thể là một Tora Bora khác (nơi ẩn náu trước đây của Bin Laden tại Ápganixtan).
Awlaqi được các chuyên gia coi như nguyên mẫu của một thế hệ chỉ huy mới của al-Qaeda. Nhân vật này muốn sử dụng Yêmen làm thành trì của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Nabil Bukairi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Abaad ở Yêmen, nhận định: "Trung tâm khủng bố tiếp theo có thể sẽ là Yêmen. Awlaqi đã trở thành bộ mặt của tổ chức này trong nhiều cuốn băng ghi hình. Đây là bước ngoặt cho cuộc chiến chống khủng bố".
Các chuyên gia cho rằng, nhánh al-Qaeda tại khu vực này tỏ ra là một đối thủ mau lẹ, có khả năng đi trước một bước so với các cơ quan tình báo Mỹ. Trong vụ tấn công suýt đánh đắm chiến hạm USS Cole của Mỹ năm 2000 tại cảng Aden của Yêmen, nhóm này đã chứng tỏ rằng khả năng chiến đấu của chúng luôn thay đổi và tư tưởng của chúng không hề cũ.
Báo Dân tộc còn cho rằng cái chết của Bin Laden có thể ảnh hưởng tới tình hình chính trị hiện nay của Yêmen. Vị tổng thống cầm quyền suốt hơn 30 năm Ali Abdullah Saleh vẫn tại vị bất chấp 3 tháng biểu tình rầm rộ, khiến ít nhất 140 người thiệt mạng. Theo nhà phân tích chính trị Yêmen Ali Abdul Jabbar, mặc dù phong trào biểu tình chống chính phủ suýt lật đổ ông Saleh hồi tuần trước, song kịch bản đó đã thay đổi sau cái chết của Bin Laden. Ông Jabbar cho rằng Tổng thống Saleh sẽ nắm quyền ít nhất tới cuối năm 2011. Nhà phân tích này giải thích: "Mỹ sẽ không cho phép việc chuyển giao quyền lực diễn ra tại Yêmen tại thời điểm then chốt này, nhất là phe đang lãnh đạo cuộc cách mạng ở Yêmen là lực lượng ủng hộ phong trào Hồi giáo. Ông Saleh là một đồng minh lớn của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố và hiện là thời điểm Mỹ cần ông ta nhất".
Saber Kareem, chuyên gia về các vấn đề Hồi giáo, cho rằng xét về các nhóm hệ tư tưởng, cái chết của một thủ lĩnh có khả năng làm cho các nhóm mạnh hơn. Tại Yêmen, theo ông Kareem, sau khi thủ lĩnh tinh thần Houthi là Hussein al-Houthi bị giết, nhóm này đã tăng gấp đôi sức mạnh. Ông giải thích: "Các hệ tư tưởng không chết đi cùng với sự ra đi của thủ lĩnh của họ, mà chúng tiếp tục phát triển và mở rộng. Ý thức hệ của al-Qaeda sẽ có thể tiếp tục được truyền tới hàng nghìn thành viên của tổ chức này".
Bùi Hoàn (P/v TTXVN tại Ai Cập) – THX