Giá năng lượng, thực phẩm tăng kích động bất ổn toàn cầu

Theo mạng tin Xã hội chủ nghĩa thế giới, giá dầu mỏ tăng lên mức cao nhất trong 2 năm qua đã làm giảm thu nhập của người lao động, làm trầm trọng thêm vấn nạn thất nghiệp và kích động các cuộc biểu tình trên khắp thế giới.

Ảnh: Internet

Theo bài báo trên, giá dầu thô tại Mỹ đã đạt mức 112 USD/thùng vào cuối tuần trước, tăng 32% so với cách đây một năm. Hiệp hội ô tô Mỹ cho biết giá xăng tại nước này tăng lên mức trung bình 3,84 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít). Giá khí đốt thậm chí còn cao hơn, trung bình trên 4 USD/gallon.
Trong khi đó, theo báo cáo chỉ số giá lương thực của Ngân hàng Thế giới (WB), giá lương thực đã giảm chút ít so với tháng 2/2011, nhưng vẫn ở mức cao so với các tháng khác. So với năm ngoái, lương thực đã tăng giá trung bình 36%. Một số mặt hàng còn vượt mức đỉnh của tháng 2, trong đó giá cà phê đạt mức cao nhất trong 34 năm qua.

Giá cả tăng vọt đã kích động bất ổn xã hội ở khắp nơi trên thế giới. Phản ứng trước giá xăng dầu đắt đỏ, hàng trăm tài xế xe tải cuối tuần trước đã tổ chức lãn công ở Thượng Hải, đầu mối giao thông vận tải của Trung Quốc, một trong những nước bị tác động nặng nề nhất của tình trạng lạm phát. Lạm phát ở nước này đã lên tới 5,4% trong tháng 3, trong khi giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao gấp đôi. Hôm 7/4, chính phủ Trung Quốc đã phải tăng giá xăng dầu, vốn khá thấp do được trợ giá, lần điều chỉnh thứ hai kể từ đầu năm đến nay. Ở một đất nước nơi các hộ gia đình phải bỏ ra 1/3 thu nhập cho ăn uống, lạm phát tăng đã giáng đòn mạnh vào thu nhập thực tế của người dân.

Giá thực phẩm tăng cũng góp phần gây ra các cuộc biểu tình ở Philíppin, Kênya và một số nước khác. Ở Uganđa, hàng ngàn người ủng hộ nhà lãnh đạo phe đối lập Kizza Besigye tuần qua đã đi bộ đi làm để phản đối giá nhiên liệu tăng, một số va chạm với cảnh sát và bị bắt giữ.

Theo WB, lạm phát lương thực đã đẩy hơn 44 triệu người trên thế giới vào tình cảnh đói nghèo kể từ tháng 6/2010. Tác động của nó đặc biệt nghiêm trọng ở các nước nghèo, nơi hơn một nửa thu nhập của hầu hết người dân được dùng để mua thực phẩm.

Giá nhiên liệu tăng cũng trói buộc cánh tay tài chính của chính phủ các nước đang phát triển, do họ phải chi tổng cộng 250 tỷ USD để trợ giá nhiên liệu trong năm ngoái, tăng mạnh so với 60 tỷ USD năm 2002.

Giá cả tăng còn đánh vào thu nhập của các doanh nghiệp, buộc họ phải đẩy chi phí sang người tiêu dùng. Hãng hàng không United Airlines cho biết, giá nhiên liệu trong quý I năm nay đã tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến hãng này phải tăng giá vé và giảm tuyến bay. Trong quý I/2011 United Airlines đã bị lỗ 213 triệu USD, một phần do giá nhiên liệu tăng.

Hôm 21/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo chính phủ nước này đã lập một đội chuyên trách để điều tra tình trạng đầu cơ xăng dầu và khí đốt. Lực lượng này bao gồm các thành viên của Bộ Tư pháp, cùng với đại diện của Ủy ban Chứng khoán và Ngoại hối, Ủy ban Thương mại Liên bang, Bộ Tài chính và Bộ Năng lượng.

Trong khi động thái của chính phủ Mỹ cho thấy tình trạng bất bình xã hội gia tăng trước lạm phát nhiên liệu, các chuyên gia về năng lượng nhận định nó sẽ không mang lại hiệu quả đáng kể. Giá khí đốt tăng liên tục, trong đó các chuyên gia cảnh báo có thể vượt 5 USD/gallon trong năm nay, khiến cuộc sống của người dân Mỹ càng thêm khó khăn, trong bối cảnh lương giảm, thất nghiệp cao và thị trường nhà đất tiếp tục ảm đạm.

Nhà phân tích chiến lược trên thị trường hàng hóa của Ngân hàng BNP Paribas, Harry Tchilinguirian, nói: “Với giá khí đốt tăng cao, gánh nặng đối với các hộ gia đình Mỹ sẽ thêm chồng chất và sức mua của họ sẽ không tăng, thậm chí còn giảm”. Sự suy giảm về tiêu dùng, cùng với các biện pháp thắt chặt chi tiêu của chính phủ Mỹ dự kiến cho năm tới, có nguy cơ đẩy kinh tế Mỹ trở lại suy thoái, xóa sổ thêm hàng triệu việc làm.

Đợt tăng giá mới nhất trên thị trường thực phẩm và nhiên liệu xảy ra đúng vào thời điểm thị trường vàng dậy sóng, đã góp phần đẩy giá vàng vượt ngưỡng 1.500 USD/ounce trong tuần qua. Làn sóng đầu tư đổ xô vào vàng và các mặt hàng khác một phần là do phản ứng trước cuộc khủng hoảng nợ công vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt là sau khi hãng S&P dọa sẽ đánh tụt hạng tín dụng của Mỹ nếu chính phủ nước này không có các biện pháp nhanh chóng cắt giảm chi tiêu công.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN