Theo báo "Bưu điện Tài chính" (Canađa) số ra ngày 9/3, giá lương thực cao kỷ lục dường như sẽ tiếp tục trong năm nay do giá dầu cao và sản lượng lương thực sụt giảm.
Ông Hiroyuki Konuma, đại diện Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) tại châu Á, cho rằng "nguy cơ tiềm tàng là giá dầu thô có thể tăng cao hơn, và nếu nạn lụt hoặc hạn hán lại xảy ra, thì giá lương thực có thể còn tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, hiện thế giới đang trong tình trạng tốt hơn cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008".
Theo FAO, trong tháng 2/2011, giá lương thực toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, do những biến động chính trị tại Bắc Phi và Trung Đông, thời tiết xấu làm hại mùa màng tại nhiều nước từ Canađa đến Ôxtrâylia, và việc Nga cấm xuất khẩu ngũ cốc sau đợt hạn hán tồi tệ nhất của họ trong 50 năm qua. Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế cao cấp của FAO, cho rằng dù sản lượng có tăng cũng không thể trấn an thị trường. Giá lương thực sẽ vẫn biến động ở mức cao trong năm 2011 và 2012. Trong năm 2010, giá lúa mì đã tăng 60%, giá ngô tăng 92% và giá gạo tăng 5,4%.
Tình trạng rối loạn tại các nước sản xuất dầu mỏ như Libi đã đẩy giá dầu tăng lên hơn 115 USD/thùng. Giá dầu thô cao hơn khiến việc sản xuất nhiên liệu sinh học trở nên cạnh tranh hơn và làm tăng chi phí nhiên liệu và phân bón của nông dân. Giá lương thực toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ nay cho đến năm 2015 do dân số tăng và thu nhập cao hơn, mức tăng sản lượng lương thực thấp hơn và hậu quả của biến đổi khí hậu. Việc thiếu nguồn cung ngô và lúa mì do biến đổi khí hậu và thiên tai làm giảm sản lượng cũng góp phần dẫn tới giá lương thực cao hơn.
Theo các số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tổng sản lượng lúa mì của thế giới niên vụ 2010-2011 ước đạt 645,4 triệu tấn, thấp hơn nhu cầu dự kiến là 662,7 triệu tấn; sản lượng ngô ước đạt 814,3 triệu tấn trong khi nhu cầu là 836 triệu tấn; sản lượng gạo ước đạt 451,6 triệu tấn, so với mức tiêu thụ dự kiến là 451 triệu tấn. Đầu tư vào nông nghiệp để tăng sản lượng và năng suất là rất quan trọng để cải thiện an ninh lương thực. Theo FAO, hiện có khoảng 947 triệu người đang sống trong đói nghèo tại châu Á.
Trong tháng 1/2011, giá gạo đã tăng lên mức kỷ lục tại Inđônêxia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, khiến chính phủ nước này quyết định miễn thuế nhập khẩu đối với các loại ngũ cốc. Giá lương thực cũng ở mức cao kỷ lục tại Băngla Đét, nước mua gạo nhiều nhất khu vực Nam Á do lượng gạo tồn kho thấp. CHDCND Triều Tiên và Ápganixtan cũng đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực và giá lương thực tăng cao.
Ông Javed Hussain Mir, Giám đốc phụ trách môi trường, tài nguyên thiên nhiên và nông nghiệp khu vực Đông Nam Á thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nói: "Giá lương thực cao làm tăng sức ép đối với lạm phát và sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung".
Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)