Giá dầu tăng có thể đe dọa khả năng ‘hạ cánh mềm’ của Fed

Giá dầu cao hơn gây ra mối lo ngại rằng lạm phát sẽ lặp lại, phá hủy phần nào nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong năm qua nhằm kiểm soát giá tiêu dùng tăng vọt.

Chú thích ảnh
Đồng USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Bức tranh cơ bản về thị trường dầu mỏ có vẻ lạc quan hơn nhiều so với chỉ một tháng trước, do nhu cầu vẫn ổn định bất chấp lo ngại về các nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, trong khi nguồn cung giảm vì Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) và Saudi Arabia cắt giảm sản lượng.

Tuy nhiên, giá dầu cao hơn, dẫn đến giá xăng và năng lượng tổng thể cao hơn, có thể lại dẫn đến lạm phát cơ bản, ngay cả khi chỉ số này không bao gồm giá lương thực và năng lượng.

Nếu giá năng lượng cao hơn lại tác động đến lạm phát cơ bản, thì hy vọng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ có thể bắt đầu mờ dần và khiến Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) cùng các ngân hàng trung ương khác tiếp tục tăng lãi suất, trái lại với các kỳ vọng hiện nay rằng chu kỳ tăng lãi suất sẽ sớm kết thúc. 

Và các chuyên gia cho rằng việc giá dầu đang tăng lên trong những tuần gần đây, với dầu Brent trên 87 USD/thùng vào đầu ngày 10/8, có thể là “liều thuốc” tốt nhất để giảm giá dầu.

Trong một môi trường kinh tế xấu đi, tăng trưởng nhu cầu dầu cũng như niềm tin và mức tiêu thụ của người tiêu dùng sẽ thấp hơn, kéo giá dầu đi xuống.

Những người tham gia thị trường dầu mỏ dường như đã rũ bỏ tâm lý bi quan, hoặc như các nhà phân tích của Goldman Sachs đã viết trong một ghi chú vào cuối tháng 7: “Thị trường đã từ bỏ sự bi quan về tăng trưởng”.

Trong khi đó, các nhà phân tích của JPMorgan lại cho rằng những bất ngờ tích cực về tăng trưởng và lạm phát đang thúc đẩy những hy vọng về “hạ cánh mềm”. 

Theo các nhà phân tích và các giám đốc điều hành công ty dầu khí như ông Darren Woods tại ExxonMobil, nhu cầu tiêu thụ không chỉ phục hồi mà còn hướng tới mức cao kỷ lục trong những tháng tới.

Thế giới sẽ chứng kiến nhu cầu dầu cao kỷ lục trong năm nay theo lời của giám đốc điều hành của Exxon nói với CNBC vào cuối tháng trước.

Chú thích ảnh
Giá xăng dầu tại Mỹ đang tăng trở lại. Ảnh: Getty Images

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết nhu cầu dầu toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 102,8 triệu thùng/ngày trong tháng 7. Ngân hàng Phố Wall này dự kiến nhu cầu mạnh mẽ sẽ dẫn đến mức thâm hụt thị trường lớn hơn dự kiến, lên tới 1,8 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023 và thâm hụt 600.000 thùng/ngày vào năm 2024.

Ông Jeffrey Currie, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Goldman Sachs, nhận định việc nhu cầu dầu mỏ bên ngoài Trung Quốc đang tăng là “tốt hơn nhiều” so với hầu hết mọi người lo ngại, trong khi việc cắt giảm mạnh mẽ của OPEC+ đang dẫn đến thâm hụt trên thị trường.

Tuy nhiên, nếu giá dầu tiếp tục tăng, nhu cầu từ các nhà nhập khẩu lớn có thể giảm so với các tháng trước. Bóng ma của lạm phát leo thang vì năng lượng đang lờ mờ hiện ra. Giá dầu và lương thực đã tăng trong những tuần gần đây, và ngay cả khi chúng không nằm trong chỉ số lạm phát cơ bản. Chúng sẽ đẩy giá mọi thứ lên cao trong khi tiền lương tiếp tục tăng ở một số nền kinh tế lớn - một công thức đẩy nhanh lạm phát.

Ông Randall Kroszner, cựu thống đốc Hệ thống Dự trữ Liên bang Mỹ và hiện là giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Booth của Đại học Chicago, nói với CNN: “Thật dại dột nếu bất kỳ ngân hàng trung ương nào tuyên bố chiến thắng lạm phát”.

Dữ liệu lạm phát trước đó của Mỹ cho tháng 6 là lạc quan với hy vọng “hạ cánh mềm”, nhưng thị trường sẽ cần thêm bằng chứng cho thấy sự suy giảm trên là bền vững.

Đáng chú ý, ngày 10/8, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy lạm phát giá tiêu dùng tại nước này tăng trở lại trong tháng 7, sau khoảng một năm hạ nhiệt, gây sức ép lên các nhà hoạch định chính sách khi cân nhắc các đợt tăng lãi suất tiếp theo.

Từ đầu năm 2022, Fed liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Đợt tăng vào tháng trước đã đưa lãi suất của Mỹ lên mức cao nhất kể từ năm 2001.

Trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, các quan chức Fed cho biết sẽ tùy thuộc vào số liệu cụ thể khi cân nhắc đưa ra các quyết định về lãi suất tiếp theo, đảm bảo cân bằng giữa việc giảm lạm phát và tránh đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Trong khi đó, giá xăng dầu của Mỹ đang tăng và giá năng lượng đắt đỏ có thể trì hoãn việc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất hiện tại, làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo Oilprice)
Các nhà khoa học Mỹ biến nhựa đã qua sử dụng thành xà phòng
Các nhà khoa học Mỹ biến nhựa đã qua sử dụng thành xà phòng

Các nhà khoa học Mỹ đã khám phá ra một phương pháp biến nhựa đã qua sử dụng thành xà phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN