Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nỗ lực phục hồi kinh tế và giảm thiểu những tác động tiêu cực nhất của cuộc khủng hoảng này. Hơn 10 năm sau, thế giới lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn khác, lần này không chỉ là kinh tế, tài chính, mà còn đe dọa trực tiếp sinh mạng của hàng triệu người. Trong bối cảnh đó, G20 đã trở thành tâm điểm chú ý khi được kỳ vọng một lần nữa đóng vai trò đầu tàu, giúp điều phối, thúc đẩy, củng cố sự hợp tác quốc tế nhằm đưa thế giới vượt qua “cơn bĩ cực” mang tên dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay.
Với mục tiêu tăng cường hợp tác trong các chính sách thương mại và đầu tư nhằm ứng phó với những khó khăn về kinh tế do dịch COVID-19 gây ra, hội nghị trực tuyến các bộ trưởng Thương mại và đầu tư G20 do Saudi Arabia chủ trì diễn ra ngày 22/9 với nhiều cam kết hợp tác.
Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị khẳng định cam kết của các thành viên trong việc thực hiện mọi biện pháp và sử dụng tất cả công cụ chính sách sẵn có nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế và xã hội do đại dịch, phục hồi tăng trưởng toàn cầu và đầu tư quốc tế, tăng khả năng phục hồi và duy trì ổn định thị trường. Trong bối cảnh hiện có ít nhất 80 quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu hàng hóa sau khi dịch bùng phát, các bộ trưởng hối thúc các nước chấm dứt những biện pháp hạn chế và thực hiện những bước đi cần thiết để xúc tiến thương mại, đồng thời nhấn mạnh các biện pháp bảo hộ khẩn cấp trong giai đoạn dịch hiện nay phải đảm bảo không trở thành rào cản đối với thương mại hay chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nỗ lực thúc đẩy và củng cố chủ nghĩa đa phương nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu còn được thể hiện qua tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Saudi Arabia - Majid Al Qassabi - nước giữ vai trò Chủ tịch G20, về tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương cởi mở và công bằng, dựa trên các quy định trong việc giải quyết các thách thức hiện này, cũng như sự ủng hộ của các bộ trưởng đối với nỗ lực cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thông qua Sáng kiến Riyadh về Tương lai WTO. Những cam kết trên đã cho thấy sự đồng lòng của các nước G20 vì mục tiêu phát triển chung, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước nghèo và thu nhập thấp, vẫn đang chật vật ứng phó với những hậu quả “ghê gớm” của dịch COVID-19.
Không thể phủ nhận từ đầu năm tới nay, G20, dưới sự chủ trì của Saudi Arabia, đã đưa ra một số quyết định đáng khích lệ. G20 đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ các nền kinh tế và chuỗi cung ứng trong khu vực, vốn bị thiệt hại do đại dịch, cũng như hỗ trợ các tổ chức quốc tế như WHO và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Vào tháng 3, các thành viên G20 đã cam kết bơm hơn 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu và đóng góp vào quỹ phản ứng đoàn kết COVID-19 do WHO đứng đầu. Tại cuộc họp trực tuyến thứ hai giữa các bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương vào ngày 16/4, G20 đã đồng ý giảm bớt gánh nặng nợ bằng cách hoãn việc thanh toán nợ cho các nước nghèo nhất thế giới vào cuối năm nay. Quyết định đóng băng khoản nợ cả gốc lẫn lãi của G20 cho các quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ giúp giải phóng hơn 20 tỷ USD để những nước này cải thiện hệ thống y tế, sẵn sàng đối phó với dịch COVID-19 hiện nay.
Tiếp đó, ngày 26/4, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia đã công bố Sáng kiến ACT Accelerator, một nền tảng toàn cầu nhằm tăng cường quan hệ đối tác để tiếp cận với các phương pháp chẩn đoán, điều trị và vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 trong tương lai. Mới đây nhất, ngày 17/9, hội nghị trực tuyến các bộ trưởng Y tế và bộ trưởng Tài chính G20 đã ra tuyên bố chung khẳng định sự tiếp cận công bằng và hợp lý đối với vaccine phòng COVID-19 cho tất cả mọi người là chìa khóa để vượt qua đại dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu.
Việc một loạt hội nghị quan chức cấp cao G20 liên tiếp được tổ chức trực tuyến từ đầu năm tới nay phần nào thể hiện sự quan tâm và nỗi trăn trở của G20 trong việc tìm kiếm những cách thức để phục hồi và hỗ trợ các nền kinh tế, đặc biệt là những nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, sớm vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Đây được xem là những bước đi tích cực và kịp thời giữa lúc các dự báo về triển vọng kinh tế thế giới của nhiều tổ chức quốc tế tràn ngập những gam màu xám. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tổng GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay do các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. WTO ước tính khối lượng giao dịch hàng hóa thế giới sẽ giảm từ 13% đến 32% so với năm 2019.
Quay trở lại thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, nhằm ổn định nền kinh tế toàn cầu và khôi phục niềm tin, G20 đã tập trung thúc đẩy sự ổn định tài chính, tiền tệ và các chính sách thương mại, cũng như hỗ trợ các thị trường mới nổi và thu nhập thấp. Những bước đi này đã phát huy hiệu quả lớn khi sự phối hợp và triển khai các chính sách một cách đồng bộ và có trách nhiệm đã ngăn chặn nền kinh tế toàn cầu sụp đổ. Tuy nhiên, không giống với cuộc khủng hoảng tài chính trong quá khứ, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay còn cam go, phức tạp và cấp bách hơn, khi gần một triệu người đã tử vong và cuộc sống của hàng triệu người khác đang bị đe dọa.
Đại dịch COVID-19 đang đẩy các quốc gia trên toàn cầu vào cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc, có thể còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. An ninh lương thực cũng không nằm ngoài “tâm bão” khi Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc cũng cảnh báo dịch COVID-19 có thể làm tăng gần gấp đôi số người bị mất an ninh lương thực khẩn cấp, từ 135 triệu người năm 2009 lên tới 265 triệu người vào cuối năm nay. Ngay cả khi thế giới đang chao đảo trong vòng xoáy dịch bệnh, chủ nghĩa bảo hộ và cô lập vẫn còn hiện hữu, đe dọa hệ thống hợp tác đa phương.
Một số nước thậm chí đã áp dụng các chính sách “bần cùng hóa láng giềng” - hành động đơn phương của một nước nhằm theo đuổi lợi ích riêng trong thương mại quốc tế như áp thuế hàng hóa nhập khẩu, ảnh hưởng tiêu cực đối với vị thế của các nước khác. Kết quả là sự hoài nghi và thiếu tin cậy lẫn nhau đã trở thành một trở ngại nghiêm trọng đối với các sáng kiến hợp tác, ngay cả những mục tiêu có lợi ích chung rõ ràng như điều chế một loại vaccine hiệu quả phòng COVID-19. Không những vậy, cuộc khủng hoảng cũng đã làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh địa chính trị, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc - mối quan hệ song phương có vai trò quan trọng đối với sự ổn định toàn cầu. Đây cũng là một số nguyên nhân phần nào lý giải việc cho tới nay, thế giới vẫn chưa thể đưa ra một cách thức ứng phó tập thể phù hợp để đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội - y tế hiện nay.
Trong bối cảnh đó, G20 một lần nữa được kỳ vọng có thể đứng ra vận động và tập hợp một phản ứng quốc tế chung giải quyết và khắc phục những hậu quả mà dịch COVID-19 gây ra. Chiếm đến 90% GDP, 80% thương mại toàn cầu và bao quát 2/3 dân số thế giới, G20 được đánh giá có tiềm năng đóng vai trò trung tâm trong việc giảm thiểu và khắc phục thiệt hại do khủng hoảng, cũng như cung cấp động lực chính trị cần thiết để khuyến khích sự đoàn kết toàn cầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, củng cố các nhiệm vụ và công cụ quản trị toàn cầu. Điều này sẽ là một đóng góp quan trọng vào việc duy trì, và giúp hồi sinh hệ thống đa phương toàn cầu.
Giáo sư Jorge Heine thuộc Trường Nghiên cứu toàn cầu Pardee thuộc Đại học Boston (Mỹ) đánh giá G20 là ứng cử viên rõ ràng cho vai trò điều phối viên toàn cầu. Theo chuyên gia này, với việc bao gồm các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi lớn nhất thế giới và với tư cách là một diễn đàn không có thư ký thường trực, G20 đủ nhanh nhẹn và linh hoạt để đưa cộng đồng quốc tế đến với nhau nhanh chóng, như đã từng làm trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Để làm được những điều trên, hơn bao giờ hết, G20 cần đưa ra một tiếng nói chung, quyết liệt và mạnh mẽ tái khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, tìm kiếm cách thức duy trì dòng chảy thương mại thế giới, đặc biệt vào thời điểm các nước đang thực hiện nhiều biện pháp hạn chế để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Đối với việc hỗ trợ các nước nghèo, để đảm bảo thành công của Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) do G20 khởi xướng, nhóm này cần nỗ lực khuyến khích sự tham gia tích cực hơn của các chủ nợ khu vực tư nhân. Ngoài ra, G20 nên đưa ra các gói cứu trợ khẩn cấp để ngăn chặn sự sụp đổ toàn diện của nền kinh tế toàn cầu. Trên hết, G20 cần khẳng định vai trò thực chất của mình khi đảm bảo "nói đi đôi với làm", thực hiện có trách nhiệm những cam kết được đưa ra nhằm giảm thiểu hậu quả của cuộc khủng hoảng cũng như hỗ trợ vực dậy nền kinh tế toàn cầu.
Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã khiến cả nhân loại đối mặt với những thách thức mới, chưa từng có, phức tạp và khó lường hơn mà không một quốc gia nào có thể đơn phương ứng phó. Lịch sử cho thấy thế giới khó có thể vượt qua những cơn khủng hoảng nếu thiếu sự hợp tác, đoàn kết và thống nhất giữa các quốc gia. Vào thời điểm mà niềm tin vào các thể chế đa phương dường như bị lung lay và các quốc gia đang chật vật để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân, G20 được kỳ vọng sẽ phát huy vị thế của mình để gắn kết các nước lại với nhau nhằm đưa ra kế hoạch hành động chung ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay. Những hành động thiết thực mà G20 triển khai có thể “tiếp sức” cho thế giới vượt qua thách thức chung hiện nay, đó là sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19 và khôi phục nền kinh tế toàn cầu.