Công nhân điều chỉnh van tại trạm khí nén Slavyanskaya trên hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Tập đoàn Gazprom ở Ust-Luga, Nga. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Theo Sergey Balmasov, chuyên gia tại Viện Trung Đông thuộc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC), trong nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, Liên minh châu Âu (EU) đang hướng tầm nhìn về châu Phi, cụ thể là dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt xuyên Sahara (TGSP) từ Nigeria. Tuy nhiên, chiến lược đầy tham vọng này không thiếu những "điểm yếu" chí mạng, đặc biệt là rủi ro an ninh cao dọc tuyến đường ống.
Dự án TGSP, dự kiến vận chuyển 30 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ Nigeria, xuyên qua Niger và Algeria, được khởi động như một phản ứng trực tiếp trước tình trạng giá khí đốt leo thang và căng thẳng địa chính trị do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra. Sự nghiêm túc của dự án được thể hiện qua việc công ty năng lượng Anh Penspen đã ký hợp đồng tham gia vào tháng 3/2025.
Ý tưởng về đường ống dẫn khí đốt xuyên Sahara đã manh nha từ những năm 1980, nhưng mãi đến tháng 7/2022, công trình xây dựng mới chính thức bắt đầu. Sự chậm trễ này có thể lý giải bởi chi phí đầu tư khổng lồ, sự biến động của giá khí đốt và những lo ngại sâu sắc về an ninh.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng do căng thẳng giữa phương Tây và Nga sau xung đột Ukraine đã thổi một luồng gió mới vào dự án. Giá khí đốt tăng vọt trong giai đoạn 2022-2023 đã thúc đẩy các nước EU ráo riết tìm kiếm nguồn cung thay thế, không muốn tiếp tục phụ thuộc vào "gã khổng lồ" Nga về nguồn tài nguyên chiến lược này.
Trước đây, EU chỉ nhập khẩu khí đốt từ Nigeria dưới dạng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với số lượng hạn chế, và đường ống TGSP hứa hẹn sẽ vận chuyển một lượng khí đốt lớn hơn nhiều với chi phí thấp hơn đáng kể.
Dự án được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển châu Phi (ADB) và Ngân hàng Năng lượng châu Phi (AEB). Chủ tịch ADB Akinwumi Adesina nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án, khẳng định đây là một khoản đầu tư được cả ADB và Liên minh châu Phi ủng hộ. Tuy nhiên, các quốc gia châu Phi không đủ nguồn lực tài chính và công nghệ để tự mình thực hiện dự án có tổng vốn đầu tư ước tính lên đến 13 tỷ USD (tính đến cuối năm 2024). Do đó, có thể giả định rằng nguồn lực chính cho dự án sẽ đến từ EU.
Theo kế hoạch, đường ống sẽ bắt đầu từ Warri ở miền nam Nigeria và kết thúc tại Hassi r'Mele ở miền bắc Algeria. Từ đây, khí đốt sẽ được vận chuyển đến Italy thông qua đường ống Galsi (chưa xây dựng) và đường ống TransMed hiện có (nhưng chưa hoạt động hết công suất), kết nối Algeria với Italy qua Tunisia.
Đường ống GME, đi qua Maroc, đã bị Algeria đóng cửa vào năm 2021 do căng thẳng chính trị, nhưng có khả năng sẽ được mở lại nếu cần thiết. Algeria cũng có kế hoạch hóa lỏng một phần khí đốt để vận chuyển bằng tàu chở dầu đến châu Âu, với sự đầu tư mạnh mẽ từ công ty Total Energy của Pháp vào việc mở rộng sản xuất LNG tại Arzew.
Những người ủng hộ dự án TGSP coi đây là một cột mốc quan trọng trong việc tăng cường hội nhập kinh tế, năng lượng, chính trị và khu vực ở châu Phi, đồng thời nâng cao vị thế của châu lục này trên thị trường hydrocarbon toàn cầu. AEB kỳ vọng dự án sẽ "kết nối châu Phi bằng các đường ống, tạo ra thị trường năng lượng thống nhất với cơ sở hạ tầng phát triển", giúp giảm chi phí, cải thiện khả năng tiếp cận năng lượng và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp lọc hóa dầu địa phương, đồng thời tạo ra hàng nghìn việc làm và mang lại lợi nhuận lớn cho các quốc gia châu Phi.
Tuy nhiên, Algeria còn nuôi tham vọng lớn hơn: biến quốc gia này trở thành một trung tâm khí đốt toàn cầu, củng cố vị thế chính trị ở châu Phi và trên trường quốc tế, đồng thời tăng cường sự ổn định và an ninh ở khu vực Sahel, nơi Algeria muốn gia tăng ảnh hưởng. Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune hy vọng dự án sẽ giúp "cung cấp năng lượng cho châu Phi" và giải quyết một trong những vấn đề cấp bách nhất của lục địa, đồng thời cho phép Algeria cạnh tranh với Nga trong việc cung cấp khí đốt cho châu Âu, gia tăng sự phụ thuộc của EU vào nguồn nguyên liệu thô của Algeria và biến nước này thành một "cường quốc khu vực".
Theo kế hoạch ban đầu, đường ống TGSP dự kiến hoàn thành trong vòng ba năm kể từ khi khởi công. Với tiến độ xây dựng trung bình 4 km đường ống mỗi ngày, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2025. Tuy nhiên, sự tham gia của công ty Penspen vào việc kiểm toán và tái nghiên cứu dự án, theo yêu cầu sửa đổi thông số kỹ thuật từ EU (tăng công suất bơm, thay đổi tuyến đường), có thể kéo dài thời gian hoàn thành đến tháng 9/2025 hoặc thậm chí lâu hơn. Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Algeria, Mohamed Arkab, hy vọng sự tham gia của Penspen sẽ giúp xác định nguồn vốn cần thiết để đẩy nhanh tiến độ dự án với chi phí cạnh tranh. Tuy nhiên, ngày chính xác đường ống đi vào hoạt động vẫn còn là một ẩn số.
Bên cạnh những thách thức về kỹ thuật và thời gian, dự án còn đối mặt với những khó khăn về tài chính, đặc biệt trong bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế quốc tế có nhiều biến động. Hy vọng về việc Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận hòa bình có thể khiến châu Âu giảm nhu cầu khí đốt từ các nguồn thay thế. Đồng thời, giá khí đốt trên thị trường thế giới đã giảm đáng kể kể từ năm 2022, làm giảm tính hấp dẫn về mặt kinh tế của các đường ống dẫn khí đốt mới.
Một vấn đề nan giải hơn cả là đảm bảo an ninh cho đường ống TGSP dài hơn 4.000 km, đặc biệt khi gần một nửa tuyến đường (1.878 km đi qua Niger và Nigeria) nằm trong khu vực có nguy cơ cao do hoạt động của các nhóm khủng bố như Boko Haram và Nhà nước Hồi giáo (IS), cũng như các nhóm ly khai ở Nigeria. Ba phương án an ninh đang được xem xét: thuê các công ty an ninh tư nhân phương Tây, giao nhiệm vụ cho lực lượng an ninh Algeria (kể cả ngoài lãnh thổ Algeria), hoặc kết hợp cả hai. Tuy nhiên, việc bảo vệ một cơ sở hạ tầng năng lượng quy mô lớn như vậy trong một khu vực bất ổn, nơi chính phủ không kiểm soát được nhiều vùng lãnh thổ, là một thách thức chưa từng có.
Trong khi đó, Algeria còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ dự án đường ống dẫn khí đốt Nigeria-Maroc (NMGP) hay "châu Phi-Đại Tây Dương", được Quốc vương Mohammed VI của Maroc mô tả là "cây cầu năng lượng quan trọng giữa châu Phi và châu Âu". Với công suất tương đương TGSP (30 tỷ mét khối/năm, trong đó 18 tỷ mét khối dự kiến cho châu Âu), Maroc tin rằng đường ống của họ sẽ đáp ứng 10% nhu cầu năng lượng của EU và mang lại sự ổn định hơn do đi qua các quốc gia có nền chính trị ổn định hơn. Tuy nhiên, dự án NMGP có chi phí ước tính cao hơn nhiều (25-26 tỷ USD) và có thể mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành (dự kiến không trước năm 2046).
Mặc dù vậy, Maroc đang tích cực thúc đẩy dự án của mình, với sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức như Ngân hàng Phát triển Hồi giáo, Quỹ OPEC và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), và sự tham gia của tập đoàn công nghiệp Trung Quốc Jingye trong việc cung cấp nguyên liệu.
Cuộc cạnh tranh giữa hai dự án khí đốt trên phản ánh những căng thẳng địa chính trị sâu sắc trong khu vực, đặc biệt là mối quan hệ căng thẳng giữa Algeria và Maroc, cũng như sự can dự của các cường quốc bên ngoài như UAE. Mặc dù cả hai dự án đều có những ưu và nhược điểm riêng, đường ống TGSP của Algeria, với tiến độ xây dựng gần hoàn thành và chi phí thấp hơn, có vẻ đang chiếm ưu thế trong "ván cờ" khí đốt này. Tuy nhiên, những rủi ro an ninh vẫn là một trở ngại lớn.
Nếu một trong hai dự án này thành công, nó có thể gây ra những tác động đáng kể đến vị thế năng lượng của Nga tại châu Âu. Việc đưa cả hai đường ống vào hoạt động có thể khiến Nga mất hoàn toàn thị trường xuất khẩu khí đốt sang EU, buộc Moskva và các nhà cung cấp khí đốt khác như Mỹ và Qatar phải chuẩn bị cho những kịch bản bất lợi nhất.