Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã vài lần đe đọa đánh thuế nhập khẩu đất hiếm do Trung Quốc sản xuất trong năm ngoái, tuy nhiên chưa từng đưa chúng vào danh sách đánh thuế, bởi sự cần thiết của nguồn nguyên liệu này trong hoạt động sản xuất, từ điện thoại iPhone của hãng Apple đến các hệ thống tên lửa dẫn đường công nghệ cao.
Đất hiếm là gì? Đó là một nhóm 17 nguyên tố trong bảng tuần hoàn: cerium (Ce), dysprosium (Dy), erbium (Er), europium (Eu), gadolinium (Gd), holmium (Ho), lanthanum (La), lutetium (Lu), neodymium (Nd), praseodymium (Pr), promethium (Pm), samarium (Sm), scandium (Sc), terbium (Tb), thulium (Tm), ytterbium (Yb) và yttrium (Y).
Đất hiếm thực chất tồn tại trong vỏ Trái đất còn nhiều hơn cả các kim loại quý như vàng và bạch kim. Thế nhưng chúng hiếm bởi thường tồn tại trong tự nhiên dưới dạng hợp chất lẫn với các kim loại khác. Tinh chế và chiết xuất đất hiếm số lượng lớn về mặt thương mại rất đắt đỏ, đặc biệt phải tuân thủ nghiêm ngặt về môi trường và nước thải. Điều đó làm cho chúng trở nên hiếm.
Các mỏ đất hiếm xuất hiện ở Trung Quốc, California (Mỹ), Australia, Brazil, Burundi, Ấn Độ, Malaysia, Myanmar, Nga, Thái Lan và Việt Nam, với trữ lượng toàn cầu ước tính khoảng 120 triệu tấn.
Mỹ từng là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới suốt nhiều thập kỷ, cho đến năm 1980. Từ khi Chính phủ Trung Quốc nỗ lực khai thác trữ lượng đất hiếm của nước này - khai thác và xử lý tại Nội Mông, Giang Tây, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hồ Nam, Vân Nam và Quảng Tây - Trung Quốc đã chiếm hơn 90% hoạt động sản xuất của thế giới, theo Cục khảo sát địa chất Mỹ (USGS).
Đất hiếm được sử dụng thế nào? Ngành công nghiệp thủy tinh là một trong những nhà tiêu thụ đất hiếm lớn nhất, nơi hợp chất cerium, lanthanum và lutetium được dùng để đánh bóng, làm phụ gia để tạo màu hoặc tạo hiệu ứng đặc biệt cho sản phẩm.
Nam châm vĩnh cửu là sản phẩm lớn thứ hai sử dụng đất hiếm. Nam châm sắt neodymium (NdFeB) là loại nam châm được sử dụng rộng rãi nhất và mạnh nhất có sẵn trên thị trường. Chúng được tìm thấy trong các ổ đĩa cứng, động cơ thu nhỏ, loa và tai nghe, loa điện thoại thông minh, tua bin điện và máy phát điện. Ngoài ra, để chế tạo nam châm còn cần đến dysprosium, gadolinium và praseodymium.
Yttri, cerium, lanthanum, europium và terbium được sử dụng để sản xuất ống tia catốt và màn hình hiển thị phẳng.
Hệ thống phòng không tên lửa Patriot sử dụng các bộ tuần hoàn tần số vô tuyến để điều khiển dòng tín hiệu điện tử trong radar và tên lửa. Các loại đất hiếm được sử dụng trong đó là gadolinium, samarium và yttrium. Các nguyên tố đất hiếm cũng được tìm thấy trong đá quý tổng hợp sử dụng trong tia laser, thiết bị vi sóng và chất siêu dẫn.
Mỏ Mountain Pass ở California là nhà sản xuất đất hiếm duy nhất của Mỹ. Mỏ này đóng cửa năm 2015 sau khi công ty chủ quản phá sản và bị bán cho một hiệp đoàn của Mỹ do tập đoàn China Khan Shenghe Resources Holding hỗ trợ hai năm sau đó. Mỏ Mountain Pass đã nối lại hoạt động sản xuất từ năm ngoái và chuyển sản phẩm về Trung Quốc để tinh chế.
Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu đất hiếm lớn nhất của Mỹ, chiếm tới 59% trong tổng số 155 triệu USD đất hiếm mà Washington nhập khẩu năm ngoái. Cho đến nay, đất hiếm chưa bị Mỹ áp thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nâng thuế nhập khẩu quặng kim loại đất hiếm của Mỹ từ 10% lên 25% kể từ ngày 1/6, dẫn đến việc chi phí xử lý nguyên liệu tại Trung Quốc trở nên tốn kém hơn.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có xem xét giới hạn xuất khẩu đất hiếm để trả đũa Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng ngày 20/5 cho biết chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến nhà máy xử lý đất hiếm ở miền Nam nước này là hoàn toàn bình thường nên không cần thiết phải giải thích nhiều.
Vậy Trung Quốc đã bao giờ tận dụng ưu thế về đất hiếm của mình trong quan hệ ngoại giao hay chưa? Năm 2010, một vụ tranh cãi ngoại giao giữa Bắc Kinh và Tokyo đã nổ ra sau khi một tàu cá Trung Quốc va chạm với tàu tuần tra Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn phía Nhật Bản gọi là Senkaku. Trung Quốc đã giảm hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, thứ mà các hãng sản xuất xe hơi như Toyota Motor Corporation hay sản xuất pin như Matsushita Electric’s Panasonic lệ thuộc.
Nhật Bản đã bắt tay vào việc tìm kiếm nguồn cung cấp khác từ sau vụ tranh cãi năm 2010. Cùng lúc đó, Trung Quốc nỗ hạn chế việc bán đất hiếm bằng hạn ngạch, giấy phép và thuế cao. Những giới hạn trên được dỡ bỏ năm 2014 song đã thúc đẩy một chiến dịch dự trữ và thăm dò bên ngoài Trung Quốc. Năm 2018, các nhà khoa học Nhật Bản cho biết họ vừa phát hiện một mỏ khoáng chất đất hiếm tập trung dưới đáy biển ngoài khơi nước này.