Dư luận Nga về sự hoán đổi của “bộ đôi” Medvedev - Putin

Sau khi Thủ tướng Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới và đề xuất Tổng thống Dmitry Medvedev làm thủ tướng, báo chí Nga đã đăng tải nhiều dư luận liên quan.

Tổng thống Dmitry Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin. Ảnh: AFP-TTXVN


Báo Độc lập ngày 26/9 viết: Vladimir Putin và Dmitry Medvedev đã sử dụng diễn đàn Đại hội XII của Đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất (UR) để đặt dấu chấm hết cho những lời đồn đại hơn một năm qua liên quan đến tương lai của họ nói riêng và Liên bang Nga nói chung. Sự đổi ngôi của “bộ đôi” sẽ diễn ra ít nhất trong vòng 12 năm tới (nhiệm kỳ tổng thống mới ở Nga kể từ năm 2012 là 6 năm). Thậm chí, có chính khách còn tiên đoán “bộ đôi” sẽ cầm quyền tới năm 2036 sau một lần đổi ngôi nữa.

Trong kỳ Đại hội vừa qua, UR đã rất tin tưởng vào khả năng giành thắng lợi của họ trong bầu cử Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga khóa VI vào ngày 4/12 tới, kể cả khả năng giành trên 315 ghế với quyền lập pháp như thắng lợi tại Đuma khóa V hiện nay. Điểm đáng chú ý là UR đã phối hợp với Mặt trận Nhân dân Toàn Nga (ONF) soạn thảo “Cương lĩnh tranh cử” với sự góp ý kiến của hơn 1 triệu người dân Nga, song cương lĩnh này lại xuất phát từ nội dung hai bài phát biểu tại Đại hội của Putin và Medvedev. Ngoài ra, điểm đáng quan tâm khác là Medvedev chỉ đề cập nhiều đến vị trí thủ tướng tương lai và vai trò người lãnh đạo UR tương lai sẽ được dành cho ông sau khi Putin đề nghị ông đứng đầu danh sách ứng cử viên của chính đảng này. Hiện ông Putin vẫn là người đứng đầu UR nhưng nói như thư ký báo chí Peskov, ông Putin không thể giữ cương vị này vĩnh cửu được.

Ông Nikolai Peterov, Ủy viên Hội đồng Khoa học Trung tâm Carnegie Mátxcơva nhận định: Không có gì khác thường và đáng ngạc nhiên trong sự hoán đổi này cả, ngoại trừ việc ông Putin quyết định để ông Medvedev đứng đầu danh sách ứng cử viên của UR. Đồng thời, một điểm lạ nữa là ông Medvedev tuyên bố sẵn sàng đứng đầu chính phủ mới, nhưng ai cũng hiểu rõ ông không thể làm việc trên tư cách của một thủ tướng bình thường trong bối cảnh sang năm người đứng đầu chính phủ Nga phải thông qua một loạt quyết định bất thường được nhắc tới trong dự thảo ngân sách vừa được thông qua. Vì vậy, không loại trừ khả năng sau cuộc bầu cử tổng thống mới, ông Medvedev sẽ chuyển sang làm Chủ tịch Đuma Quốc gia, còn cương vị Thủ tướng Nga sẽ là người được ông Putin tin cậy có khả năng đảm đương những phần công việc trong nền kinh tế mà không thuộc trách nhiệm của tổng thống. Cũng không loại trừ khả năng sau cuộc bầu cử Đuma, ông Medvedev sẽ thôi chức Tổng thống Nga để ông Putin thay thế làm quyền tổng thống.

Tuy nhiên, ông Gleb Pavlovsky, Giám đốc Quỹ “Chính sách Hiệu quả” lại cho rằng: Cách đây hơn một tháng, ông Medvedev vẫn có những tuyên bố công khai hoặc không công khai rằng ông có ý định tái tranh cử. Việc ông chấp nhận rời khỏi Điện Kremlin có thể là hậu quả của một sức ép rất lớn. Hành động gây sức ép lên tổng thống đang gây tác hại đến uy tín của Tổng thống Nga và gây nguy cơ bất ổn về chính trị - xã hội ở Nga, làm chia rẽ nhóm ủng hộ Putin, phá tan nhóm ủng hộ Medvedev và làm thay đổi toàn bộ thượng tầng kiến trúc ở nước Nga.

Bà Olga Kryshtanovskaya, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thượng lưu thuộc Học viện Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng: “Bộ đôi” tiếp tục ở lại nắm quyền và sự hoán vị là cần thiết vì nước Nga đang ở trong thời kỳ “hiện đại hóa hay là chết”.

Trong khi đó, ngày 26/9, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin đã từ chức theo yêu cầu của Tổng thống Medvedev. Động thái này diễn ra sau khi ông Kudrin tuyên bố không hợp tác với chính quyền mới vào năm 2012 tới sau khi Thủ tướng Putin và Tổng thống Medvedev hoán đổi vị trí hiện nay cho nhau. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sẽ còn quá sớm để nói rằng chính trị gia được coi như “người bảo vệ” sự ổn định tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Nga này sẽ thực sự rút khỏi chính trường.

Theo giới phân tích, sự ra đi của ông Kudrin - người có công đưa nền kinh tế Nga trở lại tăng trưởng mạnh mẽ sau khi nước Nga rơi vào tình cảnh vỡ nợ và đồng rúp bị mất giá hồi năm 1998 - có thể gây nên một cú sốc lớn đối với sự ổn định của nền kinh tế Nga. Ông Igor Porokhayev - chuyên gia phân tích của công ty Troika Dialog, cho rằng: “Việc ông Kudrin ra đi có thể sẽ là một đòn giáng mạnh vào lòng tin của giới đầu tư nước ngoài tại Nga. Bởi trong 5 năm qua, nhiều nhà đầu tư cho rằng ông Kudrin đã có công trong việc đảm bảo tình hình tài chính ổn định và phát triển bền vững cho nước Nga”.

Đình Lanh

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN