Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng vai trò độc quyền của đồng USD trong hệ thống tài chính quốc tế có thể sẽ chấm dứt vào năm 2025 và cơ cấu mới của nền kinh tế thế giới sẽ hoạt động dựa trên 3 đồng tiền chính là đồng euro, USD và một trong những đồng tiền của các nước châu Á.
Theo WB, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc rất có thể sẽ trở thành đồng tiền thứ ba trong số ba trụ cột tiền tệ trên. Cho đến nay vẫn chưa có đồng tiền nào của các nước đang phát triển được sử dụng trong thanh toán quốc tế, nhưng các quốc gia này đang tích cực vận động để thay đổi trật tự tài chính quốc tế và WB đang tạo điều kiện cho họ.
Trong báo cáo của WB, các chuyên gia dựa trên các chỉ số trong 10 năm qua để tính toán. Nếu như vào năm 2000, dự trữ ngoại tệ của các nước đang phát triển mới chỉ chiếm 1/3 tổng dự trữ ngoại tệ thế giới, thì đến năm 2010, con số này đã tăng lên 2/3, trong đó, đứng đầu về dự trữ ngoại tệ là Trung Quốc với gần 3.000 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bản (1.000 tỷ USD) và Nga (500 tỷ USD).
Sự thay đổi vai trò độc quyền của đồng USD trong hệ thống tài chính thế giới là chủ đề đang được nói tới nhiều trong thời gian gần đây, nhưng có một thực tế hiển nhiên rằng trong tương lai gần vẫn chưa có một đồng tiền nào đủ sức thay thế vị trí của đồng USD. Và theo nhiều dự báo khác nhau, sự thay đổi này có thể kéo dài trong 20 năm. Theo Tiến sĩ kinh tế Aleksandr Salitski từ Viện hàn lâm Khoa học Nga, sắp tới sẽ xuất hiện thêm một số đơn vị tiền tệ thanh toán độc lập. Ông nói: “Vấn đề về hệ thống tài chính quốc tế đã được nhắc đến. Hệ thống đó đã được cải tổ. Hiện tại vẫn chưa thể xác định được các nước phát triển sẽ đề xuất những giải pháp gì để làm phương tiện lưu thông hàng hóa, phương tiện dự trữ tiền tệ hay đầu tư”.
Trong khi đó, cũng còn những đề xuất khác từ các quốc gia trong khối BRICS, gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Tháng trước, trong Hội nghị thượng đỉnh của nhóm với sự tham gia lần đầu tiên của Nam Phi, năm nhà lãnh đạo đã ký bản ghi nhớ về hợp tác phát triển tài chính. Đây được coi là bước đi đầu tiên tiến đến việc tín dụng hóa đồng nội tệ của các nước trong nhóm. Trước đó, tại diễn đàn kinh tế ở Đavốt (Thụy Sĩ), Tổng thống Nga Dmitri Medvedev cũng bày tỏ tin tưởng rằng thành viên khối BRICS có mọi cơ hội trở thành đầu tàu phát triển toàn cầu và nhận trọng trách về mình.
Cùng với Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang nỗ lực để nâng cao vai trò đồng nội tệ của mình trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tương quan sức mạnh trong nền kinh tế thế giới đang thay đổi. Với chính sách công nghiệp của mình, Trung Quốc đã đạt được điều mà mình mong muốn, đó là trở thành công xưởng của thế giới. Với vị thế đạt được, đồng NDT sẽ có được vai trò mới. Nối bước theo Trung Quốc sẽ là Ấn Độ. Ông Aleksandr Salitski cho biết: “Những nước này đã phá vỡ vị trí độc quyền tín dụng của phương Tây. Từ nay Trung Quốc trở thành người cho vay. Vai trò của đồng NDT trong hệ thống tiền tệ quốc tế sẽ được củng cố và tăng cường, đó là điều không phải bàn cãi. Nhưng điều đó sẽ diễn ra với nhịp độ mà Bắc Kinh cho là cần thiết. Theo tôi, Ấn Độ sẽ nối bước Trung Quốc ở một mức độ nào đó”.
Theo các chuyên gia WB, đến năm 2015, những đầu tàu về tốc độ phát triển kinh tế sẽ là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia và Nga. Đối thủ chính của đồng USD sẽ vẫn là đồng euro, mặc dù hiện nay đồng tiền chung châu Âu vẫn chưa có được quy chế trao đổi quốc tế, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng đang phải đối mặt với những khủng hoảng tiếp theo trong lĩnh vực ngân hàng và vấn đề nợ quốc gia của một loạt nước sử dụng đồng euro.
KTHN