Đối đầu Trung -Mỹ nguy hiểm hơn Chiến tranh Lạnh

Chuyên gia Quan hệ quốc tế Mearsheimer nhận định rằng một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có nhiều khả năng xảy ra hơn so với một kiểu Chiến tranh Lạnh Mỹ-Liên Xô trước đây.

Ông Mearsheimer đưa ra bình luận trên trong một bữa trưa do Trung tâm National Interest tổ chức ở Washington, Mỹ hôm 27/1. Mục đích chính của cuộc gặp này nhằm thảo luận về các chính sách đối ngoại của Mỹ về Trung Đông được đăng tải trên tờ National Interest mới đây. Tuy nhiên, phần lớn cuộc thảo luận lại tập trung vào chính sách của Mỹ tại châu Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tàu chiến Mỹ thực hành bắn tên lửa.


Theo Mearsheimer, Trung Đông lại có mối đe dọa với Mỹ ít hơn so với châu Á, nơi kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Vị Giáo sư tại trường Đại học Chicago này cho rằng trong bối cảnh như vậy, điều không thể tranh khỏi là Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng lao vào một cuộc cạnh tranh chiến lược mạnh mẽ, nguy hiểm hơn cả cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Ông Mearsheimer nhấn mạnh rằng "Chiến tranh Lạnh" giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có sự ổn định thấp hơn cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây giữa Mỹ và Liên Xô vì căn cứ vào vị trí địa lý và sự tương tác với vũ khí hạt nhân.

Cụ thể, trọng tâm của cuộc cạnh tranh Mỹ-Liên Xô là khu vực rộng lớn ở trung tâm của châu Âu. Điều này tạo ra một sự khá ổn định bởi vì ai cũng hiểu rằng bất cứ sự xung đột nào cũng có thể nhanh chóng biến thành chiến tranh hạt nhân. Khi đó, người chịu thiệt sẽ là NATO (các nước châu Âu và là đồng minh của Mỹ). Vì vậy, cả Mỹ và Liên Xô đều có thể kiềm chế dưới sự trung hòa của NATO.

Trong khi đó, sự cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc thiếu sự trung hòa trên. Thay vào đó, Mearsheimer xác định được bốn điểm nóng tiềm năng mà ông tin rằng Mỹ và Trung Quốc có thể dẫn đến chiến tranh: Tình hình bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, tranh chấp ở biển Hoa Đông và biển Đông. Bên cạnh đó, với những đặc điểm “nóng” hơn thời Chiến tranh Lạnh Mỹ-Xô, Mearsheimer cho rằng những người ra quyết định ở Bắc Kinh và Washington có thể tự tin hơn rằng họ có thể tham gia vào một cuộc chiến tranh ở một trong những khu vực trên mà không để nó leo thang tới ngưỡng chiến tranh hạt nhân.

Ví dụ, tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư rất có thể sẽ xuất hiện sự va chạm giữa hai bên trong thời gian tới. Nếu một cuộc chiến giữa Tokyo và Bắc Kinh nổ ra trên biển Hoa Đông, Mỹ sẽ có hai lựa chọn: thứ nhất, là trọng tài tìm cách hạ nhiệt hai bên và đưa về nguyên trạng như trước. Thứ hai, đứng về phía Nhật Bản theo hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật.

Mearsheimer cho rằng nhiều khả năng Mỹ sẽ lựa chọn phương án thứ hai vì nếu không sẽ làm suy yếu sự tín nhiệm của Mỹ trong con mắt của các đồng minh châu Á. Đặc biệt, Mỹ làm trung gian hòa giải sẽ làm mất niềm tin của các nhà hoạch định chính sách của Nhât Bản và Hàn Quốc về sức mạnh răn đe của Mỹ. Bởi vì Mỹ không muốn Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình, nên Washington sẽ phải đứng về phía Tokyo trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào với Bắc Kinh.


Mearsheimer nói thêm rằng Mỹ hiện đang ở trong giai đoạn đầu trong việc đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự đe dọa hoàn toàn từ Trung Quốc đối với Mỹ sẽ bắt đầu trong 10 năm tới. Ông cho rằng nền kinh tế của Trung Quốc phát triển chậm lại hoặc sụp đổ sẽ loại bỏ một mối đe dọa an ninh tiềm năng lớn đối với Mỹ và đồng minh. Hiện nay, Trung Quốc có dân số lớn gấp 4 lần Mỹ và GDP bình quân đầu người có thể sẽ đạt mức như ở Hong Kong và Đài Loan, đây sẽ là mối đe dọa tiềm năng lớn hơn bất cứ điều gì trước đây Mỹ từng phải đối mặt.


CT (Theo Diplomat)

Mỹ, Trung hợp tác chặt chẽ về hạt nhân Triều Tiên

Ngày 28/1, các quan chức ngoại giao của Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm đưa CHDCND Triều Tiên trở lại các cuộc đàm phán "có ý nghĩa" về giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN