Hội nghị tổ chức trong các ngày 22 - 24/8 với nhiều nguyên thủ quốc gia và các phái đoàn không chỉ từ các thành viên BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) mà còn từ trên 40 quốc gia hội tụ về trung tâm kinh tế lớn nhất của Nam Phi này.
Năm nay, Nam Phi chọn chủ đề chính thức là "BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì Tăng trưởng nhanh, Phát triển bền vững và Chủ nghĩa đa phương bao trùm", cho thấy định hướng của các nước thành viên thúc đẩy hợp tác với Nam bán cầu. Ngoài ra, hai chủ đề khác được đặc biệt quan tâm là thiết lập một loại tiền tệ chung của BRICS và mở rộng thành viên.
BRICS dự định giới thiệu một loại tiền tệ chung cho các hoạt động thương mại và tài chính nội khối với mục tiêu giảm bớt ảnh hưởng của đồng USD trong thương mại quốc tế.“Đồng tiền chung” này được đề xuất nhằm cách mạng hóa việc thực hiện các giao dịch quốc tế và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa nước thành viên, thông qua đó hài hòa các tương tác tài chính và tăng cường sức mạnh kinh tế tập thể của BRICS. Điều này có thể dẫn đến việc tái định hình các động lực địa chính trị toàn cầu và thách thức sự thống trị của Mỹ, qua đó tạo ra một bối cảnh tài chính toàn cầu cân bằng và toàn diện hơn.
Trước đó, năm 2015, BRICS đã thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Quỹ dự trữ ngoại tệ với tổng trị giá 200 tỷ USD, với mục tiêu huy động nguồn lực tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững ở các nước thành viên BRICS, cũng như các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác. Tới nay, NDB cũng đã mở rộng với việc kết nạp thêm thành viên mới gồm Bangladesh, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Uruguay.
Về chủ đề mở rộng thành viên, Đại sứ Nam Phi phụ trách các mối quan hệ của nước này với BRICS Anil Sooklal nhận định môi trường quốc tế ngày càng phân cực do cuộc xung đột Nga - Ukraine và căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng đang khiến nhiều quốc gia tìm tới những tổ chức như BRICS, vốn định vị vai trò và ảnh hưởng của mình như một hình mẫu cho quan hệ hợp tác đối tác cùng phát triển. Nhất là năm 2010, với việc kết nạp Nam Phi, BRICS đã mang tính toàn cầu hơn khi có đại diện ở hầu hết châu lục lớn. Đại sứ Sooklal nhấn mạnh một BRICS mở rộng sẽ chiếm gần 50% dân số toàn cầu và hơn 35% GDP toàn cầu và "con số đó sẽ tăng lên”. Ông cho rằng “BRICS đã là chất xúc tác cho một sự thay đổi mang tính kiến tạo mà bạn sẽ thấy trong cấu trúc địa chính trị toàn cầu bắt đầu từ hội nghị thượng đỉnh”.
Theo con số mà Bộ Hợp tác và Quan hệ quốc tế Nam Phi cung cấp, hiện có trên 40 quốc gia, bao gồm cả Saudi Arabia, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Argentina, Indonesia, Ai Cập và Ethiopia, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS, trong đó 22 quốc gia đã gửi yêu cầu chính thức.
Nhiều chuyên gia đánh giá một BRICS được mở rộng về mặt chiến lược sẽ là một "cơn địa chấn" đối với trật tự thế giới, chủ yếu là về mặt kinh tế. Với tốc độ toàn cầu hóa hiện nay, những nước mới gia nhập khối có thể sẽ sử dụng tư cách thành viên BRICS để đàm phán tốt hơn với các đối tác phương Tây - điều giúp họ có nhiều lựa chọn hơn. Theo nhà kinh tế trưởng Yaroslav Lissovolik của Ngân hàng Phát triển Á - Âu (EADB), BRICS mở rộng sẽ trở thành mô hình hội nhập mới cho nền kinh tế toàn cầu theo hướng đa dạng, chuyển động không ngừng, hướng tới việc thiết lập quan hệ thân thiện giữa các châu lục và các khu vực trên thế giới. Cơ chế hợp tác “BRICS mở rộng” cũng được đánh giá là một nền tảng quan trọng cho hợp tác Nam - Nam, giúp các nước đang phát triển có tiếng nói lớn hơn cũng như góp phần bảo đảm trật tự thế giới dựa trên nền tảng đa phương.
Tuy nhiên, hiện các nước thành viên BRICS được cho vẫn bị chia rẽ trong vấn đề này, đặc biệt liên quan tới các tiêu chí kết nạp. Giới quan sát nhận định Trung Quốc, quốc gia đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng về thương mại và địa chính trị trên toàn cầu, sẽ ủng hộ việc mở rộng BRICS. Nga cũng đã bày tỏ mong muốn kết nạp các thành viên mới. Trong khi đó, Brazil lại tỏ ra hoài nghi về triển vọng này và Ấn Độ vẫn chưa đưa ra quyết định của mình.
Về phần nước chủ nhà Nam Phi, trong bài phát biểu được phát trực tiếp trên truyền hình tối 20/8 về chính sách đối ngoại của Nam Phi và hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã bày tỏ ủng hộ đối với việc mở rộng nhóm. Theo ông, một BRICS mở rộng sẽ đại diện cho một nhóm các quốc gia đa dạng có chung mong muốn kiến tạo một trật tự thế giới cân bằng hơn. Ông khẳng định giá trị của BRICS vượt ra ngoài lợi ích của các thành viên hiện tại. Nhà lãnh đạo Nam Phi nêu rõ nếu một BRICS mở rộng muốn trở thành tác nhân thay đổi cục diện thế giới, khối này sẽ cần phải có khả năng hành động. Bản thân trong nội bộ khối, điều tiên quyết và thiết yếu là cố gắng tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên.
Một số nhà kinh tế đánh giá khó khăn lớn gần nhất mà BRICS mở rộng sẽ phải đối mặt là các thành viên của khối có thể chế chính trị và hệ thống kinh tế khác nhau, bởi vậy, BRICS cần lựa chọn kỹ các nước ứng cử viên. Nhiều khả năng trong ngắn hạn, BRICS sẽ theo đuổi chiến lược mở rộng khối một cách thận trọng, có tính toán và có chiến lược. Nói cách khác, trong tương lai gần, khả năng cao sẽ xuất hiện "các tầng lớp thành viên" khác nhau, BRICS chỉ trao tư cách thành viên theo từng giai đoạn và tư cách thành viên đầy đủ sẽ chỉ được cấp cho các quốc gia đáp ứng tất cả các tiêu chí của nhóm.
Với trọng tâm trước mắt là củng cố hợp tác nội khối và khẳng định tầm ảnh hưởng trong thế giới nhiều biến động, kết quả của hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi có thể báo trước sự khởi đầu của một chương mới về tài chính và địa chính trị toàn cầu, có khả năng tái định hình trật tự toàn cầu trong tương lai.