Định vị chính sách của Mỹ ở Trung Đông

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/3 ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, khu vực Israel chiếm đóng của Syria trong cuộc chiến tranh Trung Đông 1967, có thể xem là bước đi tiếp theo nhằm hiện thực hóa chiến lược mới của Mỹ ở Trung Đông.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã thực hiện nhiều bước đi gây tranh cãi, đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực Trung Đông so với chính quyền tiền nhiệm, thậm chí là kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai đến nay.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Israel tham gia huấn luyện trên vùng đất chiếm đóng của Cao nguyên Golan tháng 8/2018. Ảnh: THX/TTXVN

Duy trì vị trí lãnh đạo trong khu vực, ngăn chặn bất kỳ quốc gia hay liên minh nào trỗi dậy thách thức vị thế và lợi ích chiến lược của Washington tại Trung Đông, cũng như bảo đảm sự lưu thông dầu mỏ từ vùng Vịnh đến các thị trường thế giới, thúc đẩy cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, bảo vệ an ninh cho Israel, là những trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực này.

Khu vực Trung Đông kể từ sau “Mùa xuân Arab” khởi phát năm 2011 đang trải qua những biến động trong cấu trúc thượng tầng tại nhiều quốc gia. Bất ổn tại Trung Đông đe dọa đến an ninh, ổn định trên toàn cầu, minh chứng rõ nhất chính là sự hình thành và phát triển của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo’ (IS) tự xưng và cuộc khủng hoảng người di cư xuất phát từ các khu vực chiến tranh tại đây.

Cấu trúc an ninh Trung Đông tuy không bị sụp đổ sau “Mùa xuân Arab”, nhưng không có khả năng khôi phục cân bằng sức mạnh khu vực như trước. Vì vậy, Mỹ muốn xây dựng một cấu trúc an ninh mới tại Trung Đông, định hình lại trật tự khu vực để bảo vệ các lợi ích cốt lõi.

Chính quyền Tổng thống Trump có cách tiếp cận theo định hướng các vấn đề tại khu vực có tác động tương tác lẫn nhau, nên để thiết lập được cấu trúc an ninh mới cần phải có cách tiếp cận trên tầm mức khu vực, không dừng lại ở mỗi quốc gia đơn lẻ.

Mỹ đã chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, xem Nga và Trung Quốc là các đối thủ cạnh tranh chiến lược, đồng thời đang trở thành quốc gia sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới, nên những điều chỉnh trong chính sách đối với Trung Đông cũng được tính toán để phù hợp với chiến lược tổng thể mới trên tầm mức toàn cầu.

Một loạt diễn biến tại Trung Đông thời gian qua đang tác động làm sa sút sức mạnh và ảnh hưởng địa-chính trị của Mỹ. Sự hiện diện và ảnh hưởng ngày càng rõ rệt của Nga tại Trung Đông đương nhiên được coi là mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Vị thế của Iran đã được khẳng định sau khi Tehran can dự vào cuộc chiến chống IS tại Trung Đông hay cuộc khủng hoảng Syria. Ảnh hưởng của Iran xuyên khu vực Arab từ Yemen, Iraq, Syria, Liban làm suy yếu vai trò của Saudi Arabia tại Trung Đông và là thách thức trực tiếp đối với Israel, hai đồng minh trụ cột của Mỹ trong khu vực.

Cũng không thể bỏ qua yếu tố năng lượng trong chiến lược Trung Đông. Mặc dù Mỹ đang dần độc lập về năng lượng và trở thành đối thủ cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ tại Trung Đông, nhưng thực tế là nếu nguồn cung dầu thô từ Trung Đông bị gián đoạn do bất ổn tại khu vực khiến giá dầu thế giới tăng, thì tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ bị tác động trực tiếp.

Bên cạnh đó, các đồng minh của Mỹ tại châu Âu phụ thuộc vào năng lượng tại Trung Đông, nên nếu đồng minh châu Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng cũng sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ và trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt.

Kiềm chế ảnh hưởng của Iran vẫn là trọng tâm không thay đổi trong chiến lược Trung Đông mà chính quyền Tổng thống Donald Trump theo đuổi, song hướng tiếp cận rõ ràng cứng rắn hơn nhiều so với thời người tiền nhiệm Barack Obama.

Bước điều chỉnh này bắt nguồn từ quan điểm rằng việc Iran củng cố vai trò chủ đạo trong các vấn đề khu vực làm suy yếu hệ thống đồng minh và giảm sức ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông.

Đó là căn nguyên của chính sách xem Tehran là “nhân tố gây bất ổn” tại khu vực, và cũng là luận điểm để Washington lý giải cho quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran.

Chiến lược của Mỹ là thông qua các biện pháp trừng phạt và cô lập nhằm tăng áp lực tối đa với Iran, buộc Iran quay lại bàn đàm phán với các điều kiện do Mỹ đưa ra và “thay đổi cách hành xử” của Tehran tại khu vực.

Mặt khác, Mỹ đặt mục tiêu thiết lập một cấu trúc an ninh khu vực dựa trên "trục đồng minh" gồm Saudi Arabia-Israel-Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), vốn cũng là các quốc gia “thù địch” với Iran. Mỹ đã thúc đẩy thành lập Liên minh chiến lược Trung Đông (MESA) nhân chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Saudi Arabia năm 2017.

Với liên minh bao gồm các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Ai Cập, Jordan và Mỹ, Washington hy vọng một cấu trúc an ninh tập thể mạnh của khối Arab do Mỹ lãnh đạo tại Trung Đông sẽ giúp các nước khu vực giải quyết những thách thức an ninh của mình, giúp Mỹ giảm hiện diện quân sự trực tiếp tại khu vực song vẫn duy trì được vị thế chủ đạo và ngăn chặn được các đối thủ như Nga hay Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng.

Mỹ cũng muốn dựa vào cơ chế MESA để thúc đẩy khối Arab ủng hộ “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” do Mỹ xây dựng. Nếu kế hoạch hòa bình có thể giúp Israel và Arab bình thường hóa quan hệ thì triển vọng Israel gia nhập khối MESA trong tương lai trở nên sáng sủa.

Các chính quyền Mỹ trước đây khi hoạch định chính sách Trung Đông thường ưu tiên các trụ cột chính trị và quốc phòng, nhưng chính quyền Tổng thống Trump thêm trụ cột mới là kinh tế và năng lượng.

Mỹ muốn cơ chế MESA sẽ giúp thúc đẩy chính các nước trong liên minh tăng cường liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư để tăng tính liên kết khu vực, qua đó các nước sẽ có trách nhiệm hơn trong giải quyết các thách thức an ninh chung của khối.

Quan trọng hơn, MESA sẽ điều phối các nước Arab thay thế Mỹ cung cấp tài chính cho các chương trình ổn định tình hình khu vực. Một khi khối Arab tại Trung Đông gia tăng liên kết kinh tế, cũng tạo cơ hội cho Israel bình thường hóa quan hệ với Arab.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trở ngại cho kế hoạch của Mỹ vì khu vực Trung Đông hiện nay chưa có một cấu trúc an ninh chung hiệu quả. Các nước Arab vẫn còn bất đồng trong chính sách đối với Iran. Mỹ, Saudi Arabia, UAE, Bahrain ủng hộ thành lập MESA để tăng tính hiệu quả trong chính sách đối với Iran, nhưng Ai Cập, Jordan, Qatar vẫn còn nhiều lưỡng lự.

Ngoài Saudi Arabia, UAE và Bahrain, các quốc gia Arab còn lại không muốn đối đầu quân sự với Iran. Bên cạnh đó, một số quốc gia Arab nhỏ và yếu không muốn tham gia một cấu trúc an ninh có khả năng sẽ dẫn tới mất chủ quyền quốc gia vì phụ thuộc vào chính sách và phục vụ lợi ích của các nước lớn hơn, nhất là Saudi Arabia.

Có thể hiểu kế hoạch thúc đẩy một cấu trúc an ninh mới tại Trung Đông là trọng tâm của chiến lược để bảo đảm Mỹ có thể duy trì ảnh hưởng và tái can dự vào khu vực thông qua những dạng thức mới, trước hết là củng cố cán cân sức mạnh có lợi cho Washington.

Tuy nhiên, Trung Đông luôn tồn tại nhiều mâu thuẫn có tính lịch sử về tôn giáo, dân tộc, địa-chính trị và can dự nước lớn, cũng là khu vực mà tính liên kết về chính trị, kinh tế và thương mại nội tại chưa cao, yếu tố đối đầu còn lớn.

Bởi vậy, chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump vô hình trung đang tạo ra những rủi ro nhất định, khi những thay đổi ở Trung Đông luôn diễn biến theo hướng một mâu thuẫn khép lại thì cũng là lúc một mâu thuẫn khác nảy sinh.

Công Đồng (Phóng viên TTXVN tại Trung Đông)
Hơn 5 thập kỷ bị chiếm đóng và những toan tính chiến lược ở Cao nguyên Golan
Hơn 5 thập kỷ bị chiếm đóng và những toan tính chiến lược ở Cao nguyên Golan

Cao nguyên Golan rộng 1.800km2 bị Israel chiếm đóng kể từ cuộc Chiến tranh 6 ngày năm 1967 là vùng lãnh thổ mang ý nghĩa quan trọng chiến lược về mặt quân sự và tài nguyên đối với cả Syria và Israel.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN