Đánh giá cuộc tái cơ cấu khí đốt quy mô lớn của Nga

Nga đang điều chỉnh chiến lược xuất khẩu khí đốt quan trọng để đối phó với những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập nước này sau xung đột ở Ukraine.

Chú thích ảnh
Một công nhân tại đường ống dẫn khí Gazprom ở Nga. Ảnh: Bloomberg

Thúc đẩy tiêu thụ trong nước và đa dạng hóa xuất khẩu là nền tảng cho chiến lược năng lượng mới của Moskva khi EU tìm cách loại bỏ dần việc nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2027. Nhưng cả hai vấn đề đều sẽ cần các khoản đầu tư lớn và cũng đi kèm với lợi nhuận thấp hơn cho Gazprom.

Nga đang giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu như một phần của chiến dịch gây áp lực lên Brussels trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine. Việc cắt giảm hoàn toàn ngay lúc này có thể hạn chế doanh thu và mất đi đòn bẩy đối với Moskva. Nhưng về lâu dài, Nga cần có kế hoạch thay thế việc bán hàng cho EU, ngay cả khi Brussels không đạt được mục tiêu đầy tham vọng của họ vào năm 2027.

Sergei Kapitonov, một nhà phân tích khí đốt tại Trung tâm Dự án Skoltech về Chuyển đổi Năng lượng ở Moskva, cho biết đây là dự báo để tính toán khối lượng xuất khẩu sang châu Âu trong dài hạn. Nhưng các nước châu Âu vẫn có thể sử dụng khí đốt của Nga ngay cả sau năm 2030 vì lý do kinh tế. Nếu và khi xung đột được giải quyết, Nga vẫn có thể xuất khẩu vào thị trường EU với tư cách là nhà cung cấp phương án cuối cùng trong bối cảnh thâm hụt khí đốt hoặc giá tăng.

Năm ngoái, EU nhập khẩu 150 tỷ mét khối khí (bcm) chiếm 30% sản lượng của Gazprom và 20% sản lượng của Nga. Riêng Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập khẩu khoảng 25 bcm khí đốt của Nga vào năm 2021, chiếm phần lớn trong tổng số 30 bcm của Gazprom xuất khẩu ngoài EU. Theo cựu Bộ trưởng Năng lượng Nga Yuri Shafranik, châu Âu vẫn có thể tiêu thụ 35 - 45 bcm mỗi năm vào năm 2030. Nhưng điều này có thể khiến hơn 130 bcm của Nga cần tìm kiếm thị trường thay thế.

Do đó, một chiến lược năng lượng mới đến năm 2050 dự kiến ​​sẽ được soạn thảo vào giữa tháng 9 tới, tập trung vào phát triển thị trường khí đốt trong nước và xây dựng cơ sở hạ tầng xuất khẩu thay thế. Thay thế hàng xuất khẩu sang châu Âu là rất quan trọng để đảm bảo doanh thu của Moskva. 

Về tiềm năng trong nước, trong thời gian tới, nhu cầu ở Nga khó có thể bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và thậm chí sẽ giảm do kinh tế dự kiến ​​suy yếu trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây. Kim loại, ô tô và các ngành công nghiệp khác đang phải chịu áp lực về xuất khẩu, trong khi nhiều mặt hàng nhập khẩu bị hạn chế, điều này góp phần khiến sản lượng điện dự kiến ​​giảm 5% trong năm nay, một ngành tiêu thụ nhiều khí đốt tự nhiên. 

Vì vậy, doanh thu dựa vào thị trường nội địa sẽ khó đạt được mức tương tự như ở châu Âu, vốn có truyền thống là thị trường có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Quyền độc quyền xuất khẩu khí đốt bằng đường ống với giá cao hơn của Gazprom được coi là một nhiệm vụ xã hội nhằm đảm bảo mức giá tương đối thấp ở trong nước. 

Theo gợi ý của Ủy ban Năng lượng Hạ viện Nga, Gazprom có thể điều chỉnh giá linh hoạt cho người tiêu dùng công nghiệp ở trong nước. Mặc dù điều này sẽ giúp bổ sung doanh thu của Gazprom, nơi đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước Nga, nhưng nó cũng có thể dẫn đến chi phí cao hơn cho các khách hàng của mình và thúc đẩy lạm phát.

Yếu tố Trung Quốc

Nga có hai hợp đồng xuất khẩu khí đốt bằng đường ống với Trung Quốc với 48 bcm/năm - với xuất khẩu trong năm nay sẽ đạt 15 bcm/năm trên tuyến "Power of Siberia" có công suất 38 bcm/năm. Gazprom cho biết họ có thể cung cấp tới 130 bcm/năm trong tương lai. Một số chuyên gia cho rằng mặc dù Bắc Kinh có thể quan tâm đến khí đốt giá rẻ của Nga, nhưng họ có thể thận trọng về việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Nga vốn đang bị trừng phạt. Đầu tư của Trung Quốc vào Nga theo Sáng kiến Vành đai và Con đường đã giảm mạnh trong nửa đầu năm nay, trong khi các nhà cho vay Trung Quốc có thể gặp khó khăn để thu hồi các khoản đầu tư của họ vào Nga theo kế hoạch.

Trung Quốc cũng có thể sẽ sử dụng sự cô lập ngày càng tăng của Nga làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán về giá khí đốt trong bất kỳ hợp đồng mới nào với Nga. Thỏa thuận cung cấp 10 bcm/năm vào tháng 2 năm nay, có thể đã bị chi phối bởi yếu tố chính trị trong bối cảnh Nga cần phải chứng minh rằng họ có những người bạn bên ngoài phương Tây.

Trong khi đó, Nga vẫn theo đuổi kế hoạch mở rộng xuất khẩu LNG lên 140 triệu tấn/năm vào năm 2035, tăng so với 30 triệu tấn/năm hiện nay. Nhưng điều này có vẻ không thực tế trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của EU cấm xuất khẩu và vận chuyển các thiết bị hóa lỏng quan trọng, trong khi các nhà thầu kỹ thuật nước ngoài, bao gồm cả Technip Energies và Linde, đang rút khỏi các dự án của Nga. Moskva đến nay vẫn chưa phát triển năng lực và công nghệ LNG của riêng mình trên quy mô lớn.

Tóm lại, vấn đề về doanh thu không phải là nỗi lo của Nga vào thời điểm hiện tại, mà sẽ là của tương lai. Gazprom hiện đang xuất khẩu ở mức thấp nhất sang châu Âu kể từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1980 nhưng lại đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử. Nhưng về lâu dài, khí đốt của Nga sẽ cần tìm các thị trường ngoài EU trên quy mô lớn. Trái ngược với việc định hướng lại hoạt động xuất khẩu dầu, những thị trường khí đốt thay thế này sẽ đòi hỏi nguồn đầu tư đáng kể để tiếp cận và có khả năng sẽ không sinh lợi nhiều.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Energyintel.com)
Lệnh cấm người Nga có thị thực Schengen vào Estonia bắt đầu có hiệu lực
Lệnh cấm người Nga có thị thực Schengen vào Estonia bắt đầu có hiệu lực

Từ ngày 18/8, công dân Nga có thị thực Schengen do Estonia cấp sẽ bị cấm nhập cảnh vào quốc gia Baltic này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN