Đằng sau sắc lệnh trừng phạt Libi của Nga


Tuần qua, Nga đã siết chặt các biện pháp trừng phạt Libi khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký sắc lệnh ủng hộ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).



Cảnh đổ nát tại khu vực mới bị NATO không kích ở Majar ngày 9/8. THX/TTXVN


Theo các chuyên gia phân tích của Nga, diễn ra sau khi HĐBA LHQ thông qua nghị quyết 1973 được 5 tháng, động thái này của Nga có thể tạo thêm áp lực đối với nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi, nhưng về cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến cách giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Libi.

Tại thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng Libi, Nga – quốc gia có lợi ích thương mại lớn ở Libi trong các lĩnh vực như mua bán vũ khí, khai thác dầu và xây dựng đường sắt - đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết 1973, theo đó áp đặt vùng cấm bay ở Libi và cho phép sử dụng hành động quân sự. Đồng thời, Nga cũng đã kêu gọi chính phủ của ông Kadhafi và lực lượng nổi dậy đàm phán để tìm kiếm một giải pháp chính trị, từ đó khiến phương Tây hy vọng Nga sẽ tăng cường áp lực đối với ông Kadhafi.

Theo các chuyên gia phân tích của Nga, khi cán cân quyền lực nghiêng về phía lực lượng nổi dậy, Nga bắt đầu siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Libi, công khai kêu gọi ông Kadhafi ra đi và công nhận các đại diện của lực lượng nổi dậy ở Benghazi là một bên tham gia đàm phán để quyết định tương lai của Libi.

Ông Yevgeny Satanovsky, Giám đốc Viện Trung Đông của Nga, cho rằng Nga và phương Tây đã có những trao đổi và thỏa thuận quan trọng đằng sau việc Nga thay đổi lập trường. Ông cũng cho rằng các nước phương Tây hẳn đã nhượng bộ trong một số vấn đề để đổi lấy sự ủng hộ của Nga trong vấn đề Libi.

Tháng 7/2011, Nga đã ký một thỏa thuận mua tàu chiến được chờ đợi từ lâu với Pháp và được Mỹ hứa hẹn ủng hộ nỗ lực gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thêm vào đó, lực lượng nổi dậy ở Libi còn cam kết tiếp tục duy trì các hợp đồng mà Nga đã ký với Libi trước đây.

Theo sắc lệnh mới được ký ngày 12/8/2011, Nga cấm tất cả các chuyến bay không phục vụ mục đích nhân đạo tới Libi bay qua không phận của Nga, đồng thời cấm tất cả các giao dịch tài chính liên quan đến tài sản của ông Kadhafi và gia đình ông ta.

Các nhà phân tích cũng như các phương tiện truyền thông của Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt này có thể nhằm thể hiện thiện ý của Nga đối với phương Tây. Sergei Demidenko, chuyên gia cấp cao của Viện Phân tích và Đánh giá Chiến lược Nga, nhấn mạnh, việc Nga thắt chặt các biện pháp cấm vận Libi sẽ không giải quyết được thực chất của các vấn đề và Nga sẽ thất bại trong kêu gọi ông Kadhafi ra đi.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, lệnh trừng phạt sẽ khiến cho mối quan hệ Nga - Libi xấu đi mặc dù ông Kadhafi sẽ không cắt đứt các mối quan hệ với Nga. Veniamin Popov, cựu Đại sứ Nga tại Libi, nhận định, mối quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất do lệnh cấm vận này. Các chuyên gia cũng nhất trí rằng cả các biện pháp trừng phạt mới lẫn các cuộc tấn công bổ sung sẽ không giúp giải quyết tình trạng bế tắc ở Libi, vì tất cả các bên xung đột cho đến giờ đều từ chối dừng cuộc chiến. Về tương lai của đất nước Bắc Phi này, theo giới chuyên gia, khả năng một nước Libi bị chia cắt cao hơn nhiều so với khả năng ông Kadhafi ra đi.

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN