Binh sĩ Đức tại căn cứ huấn luyện Weiden-Frauenricht, Đức, ngày 27/6/2024. Ảnh tư liệu: Getty Images/ TTXVN
Theo đài NBC News, lữ đoàn này được điều động đến Vilnius, thủ đô của Lithuania (Litva) – quốc gia vùng Baltic giáp biên giới Nga và Belarus. Thủ tướng Đức, ông Friedrich Merz, đã nhấn mạnh trong buổi lễ triển khai quân ngày 22/5: “An ninh của các đồng minh Baltic cũng chính là an ninh của chúng ta”.
Quyết định này của Đức được xem là quyết định quân sự quan trọng nhất của Berlin trong nhiều thập kỷ qua, phản ánh sự thay đổi trong cách tiếp cận của Đức và châu Âu đối với vấn đề phòng thủ chung – đặc biệt ở sườn phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nơi được xem là tuyến đầu trước những nguy cơ tiềm ẩn.
Động thái diễn ra giữa lúc nhiều quốc gia châu Âu đang tăng cường hiện diện quân sự nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh dai dẳng, được cho là từ phía Nga. Đồng thời, bước đi này cũng phản ánh sức ép ngày càng tăng từ Mỹ – đặc biệt khi Tổng thống Donald Trump kêu gọi châu Âu cần chủ động hơn trong việc đảm bảo an ninh của chính mình và đóng góp tài chính tương xứng cho NATO.
Trong số các đồng minh của Ukraine ở châu Âu, ba nước Baltic – Lithuania, Estonia và Latvia – được đánh giá là dễ tổn thương nhất do vị trí địa lý đặc biệt. Các quốc gia này được kết nối với phần còn lại của NATO thông qua một hành lang hẹp mang tên “Hành lang Suwalki”, nằm giữa Nga và đồng minh thân cận của Moskva là Belarus.
Binh sĩ Đức tham gia tập trận tại Altengrabow, miền Đông nước này. Ảnh: DPA/TTXVN
Hơn nữa, Thủ tướng Merz lưu ý việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ năm 2022 có thể là dấu hiệu cho thấy nước này đang theo đuổi mục tiêu định hình lại trật tự an ninh châu Âu rộng lớn hơn, chứ không chỉ giới hạn ở lãnh thổ Ukraine.
Cùng tham dự lễ triển khai quân tại Vilnius, Tổng thống Lithuania, ông Gitanas Nausėda, cũng bày tỏ lo ngại khi cho biết Nga và Belarus đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần biên giới nước này.
Theo nguồn tin, lữ đoàn Đức tại Lithuania sẽ bao gồm khoảng 4.800 binh sĩ, hàng trăm nhân viên dân sự cùng 2.000 phương tiện quân sự – trong đó có cả xe tăng. Căn cứ chính sẽ được đặt tại Rudninkai, gần Vilnius, với kế hoạch hoàn tất triển khai vào cuối năm 2027. Ông Merz nhấn mạnh: “Bất kỳ ai đe dọa một đồng minh NATO cần hiểu rằng toàn bộ liên minh sẽ cùng đứng lên bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ”.
Động thái của Đức không chỉ thể hiện vai trò mới của nước này trong an ninh châu Âu mà còn phản ánh sự chuyển dịch ảnh hưởng khỏi Mỹ – quốc gia từ lâu đã đóng vai trò trung tâm trong việc bảo vệ châu Âu sau Thế chiến thứ II.
Ngay sau chiến thắng của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo trong cuộc bầu cử tại Đức vào tháng 2, ông Merz đã tuyên bố ưu tiên hàng đầu là củng cố nội lực châu Âu, với mục tiêu từng bước tiến tới tự chủ chiến lược khỏi Mỹ.
Thủ tướngĐức Friedrich Merz phát biểu họp báo tại Berlin. Ảnh: THX/TTXVN
Cùng với Đức, các quốc gia tiền tuyến khác ở châu Âu cũng đang đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng. Lithuania gần đây đã thông báo kế hoạch tăng ngân sách quân sự lên khoảng 1,2 tỷ USD – tương đương 6% GDP. Ba Lan cũng có bước đi tương tự với khoản chi bổ sung 2,6 tỷ USD, đưa tổng ngân sách quốc phòng lên mức 4,7% GDP trong năm nay.
Trong khi các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Mỹ, Nga và Ukraine vẫn đang được thúc đẩy, và dù Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Nga Vladimir Putin, những diễn biến trên thực địa cho thấy các bên vẫn còn nhiều bất đồng.
Tổng thống Mỹ bày tỏ thất vọng trước việc Nga tiếp tục sử dụng tên lửa và thiết bị bay không người lái tấn công vào các khu vực tại Ukraine.
Về phần mình, Tổng thống Putin cho biết quân đội Nga đã bắt đầu thiết lập một “vùng đệm an ninh” dọc biên giới với Ukraine. Đây là tuyên bố được đưa ra chỉ một ngày sau chuyến thăm của ông tới vùng Kursk, nơi Moskva tuyên bố lực lượng Nga đã tái kiểm soát từ Ukraine.
Cũng trong tuần này, các nguồn tin từ cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine cho biết phía Moskva đã đưa ra cảnh báo rằng họ có thể sẽ mở rộng kiểm soát sang hai thành phố lớn là Kharkiv và Sumy, nếu Kiev không chấp nhận những điều kiện do Điện Kremlin đưa ra.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington nhận định đây là dấu hiệu cho thấy Moskva có thể sẽ gia tăng yêu cầu lãnh thổ trong các vòng đàm phán tiếp theo – điều có thể khiến tiến trình hòa đàm trở nên phức tạp hơn.