Tối 5/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ đang cân nhắc áp đặt mức thuế mới với các hàng hóa Trung Quốc trị giá 100 tỷ USD. Ngày 3/4, ông Trump đã thông báo sẽ áp đặt thuế với các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD. Trong một thông báo, ông Trump cho biết sẽ cân nhắc nhiều mức thuế hơn nữa sau khi cho rằng Trung Quốc “trả đũa không công bằng”.
Thông thường, tranh cãi thương mại giữa các nước sẽ kết thúc bằng đàm phán. Ảnh: Getty |
Cả trăm mặt hàng của Mỹ cũng đã bị Trung Quốc áp đặt mức thuế mới để trả đũa. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải còn khẳng định sẽ áp đặt thuế với quy mô và mức độ tương ứng.
Trong những tuần gần đây, cả hai quốc gia không có dấu hiệu cho thấy sẽ lùi bước trong cuộc chiến được dự báo là khốc liệt. Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố hồi tháng 3 trên Twitter: “Chiến tranh thương mại là điều tốt và dễ thắng”, Trung Quốc đã đáp trả lại vài ngày sau bằng thông báo: “Trung Quốc sẽ chiến đấu tới cùng để bảo vệ lợi ích hợp pháp bằng mọi biện pháp cần thiết”.
Theo Washington Post, lịch sử các cuộc tranh cãi thương mại trong quá khứ cho thấy sẽ không có một giải pháp dễ dàng.
Về lý thuyết, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có nhiệm vụ giải quyết, ngăn chặn tranh cãi thương mại leo thang. Giới chức WTO hiểu rõ rủi ro và đã phát các tuyên bố tương đối mạnh mẽ so với các phản ứng trước đây.
Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo đầu tháng 3 tuyên bố: “Chiến tranh thương mại không mang lại lợi ích cho ai. WTO sẽ theo dõi tình hình rất chặt chẽ”.
Vấn đề nằm ở chỗ “theo dõi tình hình rất chặt chẽ” là tất cả những gì mà WTO có thể thực hiện tại thời điểm này.
Trước đây, phần lớn các tranh chấp thương mại thông thường đều được giải quyết thông qua quy trình giải quyết tranh chấp của WTO. Theo đó, các quốc gia thành viên sẽ trình các vụ việc ra WTO để tìm giải pháp.
Hay nói cách khác, thay vì nộp đơn kiện chống lại các quốc gia, WTO hầu như chỉ đóng vai trò trung gian tình nguyện hoặc là nơi cho các bồi thẩm đoàn phân xử nếu các nước thành viên yêu cầu.
Các nước thành viên như Mỹ đã lựa chọn cơ chế này khi ký và thông qua quy định của WTO.
Từ năm 1995 đến nay, hơn 500 vụ tranh chấp thương mại đã được đưa lên WTO, liên quan tới các biện pháp thuế quan, trợ cấp. Nhiều vụ sau đó được giải quyết thông qua biện pháp hòa giải.
WTO cho biết: “Trong số 500 vụ, chỉ hơn một nửa tiến tới giai đoạn kiện tụng, cho thấy yêu cầu của WTO với các thành viên liên quan là phải tìm cách tìm giải pháp bằng cách tham vấn với nhau để giúp tránh đưa nhiều vụ vào giai đoạn kiện tụng”.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã sử dụng WTO để cáo buộc Mỹ áp đặt bất công các hạn chế thương mại trong vài tháng qua, nhưng ông Trump dường như không quan tâm tới việc tham gia các quy trình giải quyết tranh chấp.
Trong thực tế, ông Trump không đánh giá cao tính pháp lý của quy trình đó vì cho rằng kế hoạch thuế quan của mình dựa trên quan ngại về an ninh quốc gia. Quy định WTO nói rằng một thành viên có thể có ngoại lệ với các nghĩa vụ thương mại nếu an ninh quốc gia lâm nguy.
Lập luận trên từ lâu đã không được chấp nhận giữa các thành viên WTO vì họ hiểu rằng kích hoạt tranh chấp thương mại dựa trên lý do “an ninh quốc gia” có thể khiến cho vai trò của WTO trở nên vô nghĩa.
Một số nhà phê bình cho rằng để thắng cuộc chiến trước mắt với Trung Quốc, Tổng thống Trump có thể gây tổn hại lâu dài với một tổ chức kiểm soát hệ thống kinh tế quốc tế mà Mỹ đã chung tay tạo ra.
Ông Trump đã bảo vệ các biện pháp thuế của mình, cho rằng lý do an ninh quốc gia là hợp lý vì Mỹ cần sản xuất nhiều thép và nhôm hơn cho ngành quốc phòng.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng an ninh quốc gia không phải là trọng tâm của biện pháp áp thuế. Ông Trump cũng đã có ý nói rằng các biện pháp thuế quan được áp đặt nhằm tạo ra việc làm ở Mỹ: “Chúng ta phải bảo vệ đất nước và công nhân của chúng ta. Ngành thép của chúng ta hoạt động tồi tệ. Nếu bạn không có thép, bạn không có quốc gia”.
Mặc dù một số chuyên gia cho rằng hoạt động thương mại của Trung Quốc có vấn đề nhưng họ vẫn nhận định phản ứng của ông Trump là nguy hiểm.
Khi mà chưa có giải pháp đàm phán ở cấp độ WTO, tổn hại kinh tế và chính trị của cuộc tranh cãi thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tồi tệ hơn. Với cả ông Trump và giới chức Trung Quốc, các biện pháp thuế “ăn miếng trả miếng” dường như là một màn “khoe cơ bắp” giữa hai cường quốc chính trị.
Dù vậy, ông Trump vẫn khẳng định: “Chúng ta không chiến tranh thương mại với Trung Quốc, cuộc chiến đó đã thất bại nhiều năm trước vì những người ngu ngốc, bất lực đại diện cho Mỹ. Giờ chúng ta đang bị thâm hụt thương mại 500 tỷ USD mỗi năm, và ăn cắp sở hữu trí tuệ làm thiệt hại thêm 300 tỷ USD nữa. Chúng ta không thể để điều này tiếp tục”.
Theo Washington Post, trừ khi cả hai bên đàm phán tìm giải pháp, nếu không sẽ không có cách nào để hai bên lùi bước mà vẫn giữ được thể diện.
Về lâu dài, các lựa chọn sẽ hoặc là thừa nhận thất bại (khó xảy ra) hoặc thỏa thuận giữ thể diện (khả năng cao hơn), đặc biệt là nếu tổn thất kinh tế nặng nề.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng lựa chọn sau có thể diễn ra. Ông Ross từng ngụ ý rằng chính quyền Mỹ cuối cùng cũng sẽ tìm cách ngăn chặn hoặc chấm dứt chiến tranh thương mại thông qua đàm phán. Phát biểu với CNBC, ông nói: “Ngay cả chiến tranh bằng súng đạn cũng kết thúc bằng đàm phán. Vì thế không có gì ngạc nhiên nếu kết quả của tất cả những điều này là đàm phán. Đàm phán diễn ra vào tháng 5 hay một thời điểm nào thì đó là một câu hỏi hoàn toàn khác”.
Tuy nhiên, rủi ro của vòng xoáy bất ổn và trả đũa lẫn nhau cho tới khi hai bên có thể đàm phán chính là một trong những lý do mà tiền thân của WTO được thành lập năm 1948. Một trong những quốc gia khởi xướng nỗ lực này là Mỹ. Mãi tới năm 2001, Trung Quốc mới gia nhập WTO.