Mỹ đóng vai trò dẫn dắt khi có những cuộc tiếp xúc với cả hai bên Nga và Ukraine, trong khi Liên minh châu Âu (EU) có phần bị đặt vào thế bị động. Dù vẫn chưa đem lại một kết quả ngã ngũ, song rõ ràng đã xuất hiện cục diện mới cho cuộc xung đột kéo dài 3 năm, đó là việc các bên bắt đầu nghĩ tới "kịch bản" chấm dứt giao tranh bằng giải pháp ngoại giao trên bàn đàm phán.
Khói lửa bốc lên sau vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào thành phố Kiev, Ukraine ngày 20/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Ngoài tâm lý sốt sắng của các bên về việc cần một giải pháp nào đó trước khi cuộc xung đột bước sang năm thứ tư, sự can dự quyết đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump là tác nhân chính tạo nên nhịp độ dồn dập của các chuyển động ngoại giao liên quan thời gian qua. Tổng thống Trump cho thấy đang đẩy mạnh việc thực hiện lời hứa sẽ thúc đẩy sớm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, cuộc khủng hoảng mà ông cho rằng người tiền nhiệm Joe Biden phải chịu trách nhiệm chính bởi dưới thời ông Biden, Mỹ là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine và đi đầu trong các chiến dịch trừng phạt Nga. Nhưng có vẻ những bước triển khai không theo trình tự thông thường, vốn là đặc trưng của nhà lãnh đạo Mỹ, lại đang gây hoang mang, trước hết là đối với Ukraine và các đồng minh phương Tây của Washington.
Thay vì tham vấn và thống nhất quan điểm trước với các đồng minh, ông Trump chọn cách tiếp cận thẳng với Nga. Tổng thống Mỹ đã có các cuộc điện đàm lần lượt với Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Việc ngoại trưởng Mỹ- Nga công bố kế hoạch bất ngờ về khởi động đàm phán trực tiếp tại Saudi Arabia từ ngày 18/2 mà không có sự hiện diện của Ukraine là “gáo nước lạnh” khiến Kiev lo ngại không có tiếng nói trong cuộc thương thảo về tương lai của chính mình. Châu Âu cũng hoang mang khi rõ ràng đã bị đẩy ra ngoài rìa tiến trình hòa bình mà "Lục địa Già" cho rằng mình phải đóng vai trò chủ chốt. Hội nghị khẩn của châu Âu do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron triệu tập ngày 17/2, ngay sau cuộc điện đàm cấp cao Nga - Mỹ, cho thấy sự lúng túng của các nước châu Âu khi buộc phải thể hiện vai trò nhưng chưa thể thống nhất được về hành động. Giữa các nước vẫn còn sự chia rẽ về việc kết nạp Ukraine vào EU hay triển khai quân tới bảo vệ Ukraine theo yêu cầu của Kiev. Nhìn chung, cả Ukraine và EU đều thấy bất an trước nguy cơ Nga và Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận và bỏ qua các lợi ích sống còn của Kiev hay Brussels.
Những lo ngại về sự mơ hồ của tương lai chấm dứt xung đột không chỉ xuất phát từ cách thức triển khai mà còn do nội dung kế hoạch mà Washington và Moskva đang bàn thảo. Theo các nguồn tin ngoại giao nước ngoài, hai nước đề xuất một kế hoạch chấm dứt xung đột với 3 giai đoạn: ngừng bắn, tổ chức bầu cử ở Ukraine và sau đó ký kết một thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, các quan chức ngoại giao của Nga và Mỹ lại chưa xác thực kế hoạch này. Trong khi đó, theo chuyên gia Vladimir Zharikhin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga, tại thời điểm này, quan điểm của Nga và Mỹ về Ukraine vẫn khác xa nhau, kể cả đối với một kế hoạch giải quyết xung đột. Ví dụ, Nga muốn Ukraine phải tiến hành bầu cử trước khi đàm phán ngừng bắn, trong khi Mỹ lại muốn quy trình ngược lại.
Về cơ bản, Nga quan tâm nhất đến an ninh và sẽ không nhượng bộ bất kỳ điều gì có thể đe dọa đến an ninh quốc gia, trong đó có mục tiêu gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Ukraine luôn theo đuổi và là một trong những nguyên nhân thúc đẩy Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt 3 năm trước. Ở góc độ của Nga, nếu không có sự trung lập của Ukraine thì khó có thể đi đến giải pháp bình thường hóa quan hệ giữa Moskva và Kiev.
Về phần Ukraine, gia nhập NATO vẫn là mục tiêu hàng đầu. Điều kiện mà ông Zelensky đặt ra để từ bỏ mục tiêu này là những đảm bảo an ninh từ phía các đồng minh, bao gồm tên lửa mạnh, quy mô quân đội với 1,5 triệu quân – tương đương của Nga, các khoản đầu tư, tư cách thành viên EU và các thỏa thuận quốc phòng tương tự như phương Tây dành cho Israel..., cũng là "ranh giới đỏ" đối với Moskva. Đây chắc chắn sẽ là những chủ đề mặc cả gay gắt trong bất cứ cuộc đàm phán chấm dứt xung đột nào, và cũng là những yếu tố có thể cản trở các bên đạt được thỏa hiệp.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng những xúc tiến đàm phán vừa qua là điểm sáng hiếm hoi khi các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình suốt trong năm thứ ba của cuộc xung đột gần như dậm chân tại chỗ. Một số hội nghị về hòa bình cho Ukraine đã diễn ra năm 2024, nhưng không đạt kết quả khi không có sự tham gia của Nga. Các nước lớn như Trung Quốc, Brazil hay nhóm các nước châu Phi cũng đưa ra một số đề xuất hòa bình, song đều chưa thể đưa Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán. Có vẻ như mức độ cấp bách về giải quyết xung đột Ukraine tạm bị gác lại trước căng thẳng ở Trung Đông hay những vấn đề nội bộ ở Mỹ và các nước châu Âu, cũng như việc các nước không muốn là một bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Trên chiến trường, sau 2 năm rưỡi giao tranh, phạm vi cuộc xung đột đã lan sang lãnh thổ Nga, nhất là sau sự kiện tháng 8/2024 khi Ukraine bất ngờ mở mặt trận tấn công mới ở tỉnh Kursk của Nga, đưa lực lượng tiến sâu vào lãnh thổ Nga nhằm tạo một vùng đệm an ninh. Đây được cho là cuộc tấn công lớn nhất của quân đội nước ngoài vào lãnh thổ Nga kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, chiến dịch tấn công của Kiev đã không thành công trong việc kéo giãn lực lượng Nga khỏi miền Đông Ukraine. Nhìn lại cả năm 2024, có thể nói Nga vẫn là lực lượng ở thế chủ động hơn. Dù có lúc gặp khó khăn trước các cuộc tấn công từ phía Ukraine, Nga đạt những bước tiến chậm nhưng chắc ở vùng Donetsk. Tháng 9, Nga đã phát động cuộc phản công quy mô lớn ở Kursk, nhanh chóng tuyên bố chiếm lại khoảng 63 km2 lãnh thổ. Một nguồn tin quân sự cấp cao của Ukraine cho biết, tính đến cuối tháng 11, Kiev đã mất hơn 40% diện tích lãnh thổ mà họ chiếm được tại tỉnh Kursk. Mặc dù vậy, các cuộc giao tranh trên chiến trường vẫn ở thế giằng co, gây tổn thất nặng nề cho cả Ukraine và Nga.
Liên hợp quốc ước tính, hơn 11.700 người tử vong và hơn 24.600 người bị thương, cùng hàng trăm nghìn binh sĩ Nga, Ukraine tử trận hoặc bị thương trong xung đột. Đó có thể là lý do để cả hai đều phát đi tín hiệu không muốn kéo dài thêm nữa cuộc xung đột này và đều để ngỏ khả năng đàm phán. Ít nhất thì ở thời điểm tròn 3 năm xung đột, cộng đồng quốc tế có thể nhìn thấy ánh sáng le lói cuối đường hầm. Tuy nhiên, đây chắc chắn là một cuộc mặc cả khó khăn bởi ngoài quan điểm khác biệt và lập trường khá cứng rắn của Nga và Ukraine thì các bên liên quan đều có những toan tính lợi ích riêng. Điều đó dự báo hành trình tìm kiếm hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine còn gập ghềnh, đòi hỏi cả thiện chí lẫn những nhượng bộ nhất định từ cả hai phía.