Theo đài CNA, trong những năm qua, Trung Quốc đang nỗ lực để giành vị thế ở châu Phi. Trong khi đó, Mỹ luôn tìm cách tái khẳng định họ là đối tác đáng lựa chọn.
Chạy đua đầu tư vào Tanzania
Đầu tư của Trung Quốc vào Tanzania, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Phi, đã tăng vọt trong những năm gần đây.
Ông Gilead Teri, Giám đốc điều hành Trung tâm Đầu tư Tanzania, cơ quan thúc đẩy và tạo điều kiện đầu tư ở Tanzania, cho biết: “Trong 10 năm qua, từ năm 2013 đến năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư gần 10 tỷ USD vào nước này. Trung bình, khoảng 1 tỷ USD một năm”.
Minh chứng là khu công nghiệp Sino-Tan trị giá 3 tỷ USD đang nhanh chóng hình thành. Và khi hoàn thành vào cuối năm nay, khu công nghiệp này dự kiến sẽ tạo ra tới 600.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp. Sino-Tan nằm cách Dar es Salaam, thành phố lớn nhất đất nước khoảng 3 giờ lái xe.
Khoản đầu tư này chủ yếu được tài trợ thông qua các khoản vay từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Tanzania.
Phó Tổng thống Tanzania Philip Mpango tuyên bố: “Tanzania đã sẵn sàng cho hoạt đọng kinh doanh và Chính quyền của Tổng thống Samia Suluhu Hassan cam kết chắc chắn đưa Tanzania trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực”.
Trong khi đó, Mỹ cũng đang thực hiện đầu tư chiến lược và tăng cường liên kết thương mại với quốc gia châu Phi này.
Theo số liệu của chính phủ, tính đến tháng 12 năm ngoái, Mỹ có 283 dự án đăng ký tại Trung tâm Đầu tư Tanzania. Các doanh nghiệp này đã cung cấp khoảng 55.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người dân địa phương.
Năm ngoái, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cam kết sẽ hỗ trợ tài chính lên tới 500 triệu USD để giúp các công ty Mỹ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Tanzania.
Ảnh hưởng sâu sắc của Trung Quốc tại châu Phi
Cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang diễn ra trên khắp phần còn lại của lục địa châu Phi.
Ngoài Tanzania, Trung Quốc còn tham gia đầu tư mạnh mẽ ở Uganda và Nam Sudan.
Ở Uganda, Nhà máy thủy điện Isimba và Nhà máy thủy điện Karuma đã giúp chuyển đổi ngành năng lượng của đất nước. Cả hai con đập của nhà máy này đều do Trung Quốc tài trợ.
Tổng thống Uganda Yoweri Museveni tuyên bố: “Chính phủ và người dân Trung Quốc là đối tác đáng tin cậy của Uganda và châu Phi”.
Tại Nam Sudan, Trung Quốc chiếm khoảng 75% lượng xuất khẩu xăng dầu và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế của đất nước nghèo khó này.
Ông Barnaba Marial Benjamin - Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Tổng thống Nam Sudan – bình luân: “Khi dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc khởi động và mang lại 60 tỷ USD cho các nước châu Phi, chúng tôi nghĩ rằng đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để Nam Sudan được hưởng lợi”.
Một số nhà quan sát cho rằng các khoản vay dường như không có ràng buộc nào của Trung Quốc đã khiến nước này trở thành đối tác hấp dẫn hơn của các quốc gia châu Phi.
Ông Joseph Sheffu tại Công ty tư vấn EY Tanzania nhận định: “Phương Tây chắc chắn có quan hệ thân thiết với châu Phi. Họ đang tài trợ cho châu Phi với tư cách là những nước nghèo và đặt ra các quy định về dân chủ và quản trị. Trung Quốc lại hơi trung lập về khía cạnh đó, nhưng theo thời gian, Trung Quốc đã phát triển. Sự phát triển của Trung Quốc đòi hỏi nguồn lực và quan hệ đối tác, họ đã nhanh chóng liên kết với châu Phi”.
Tiến sĩ Liu Bao Cheng, trưởng khoa Đạo đức Kinh doanh Quốc tế tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, cho biết vẫn chưa quá muộn để Mỹ cố gắng bắt kịp Trung Quốc, đặc biệt là trong việc cải thiện sinh kế của người dân châu Phi bằng cách cung cấp cơ hội việc làm và đào tạo kỹ năng tốt hơn cho họ.
“Trung Quốc và Mỹ có những lợi thế khác nhau trong việc khám phá thị trường châu Phi”, ông nói trong chương trình East Asia Tonight của đài CNA hôm 24/4.
Khi được yêu cầu bình luận về sự phong phú của các khoáng sản quan trọng ở lục địa này, Tiến sĩ Liu cho biết việc các nước châu Phi vẫn đảm bảo cổ phần và phát triển ngành công nghiệp của riêng mình là điều lý tưởng. Nhưng hiện tại, nhiều nước châu Phi không thực sự có năng lực công nghiệp để có thể tận dụng tối đa nguồn tài nguyên của đất nước.
“Hy vọng rằng, thông qua việc tái phân bổ một số công nghệ chủ chốt, cũng như thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa có thể diễn ra với tốc độ nhanh hơn ở châu Phi”, ông nói thêm.