Cuộc đấu cân não mới trên chiến trường Syria

Mặc dù Israel, Syria và Nga đều đang bước vào giai đoạn mới điều chỉnh lại quan hệ và vai trò với nhau, nhưng theo chuyên gia, cả ba đều đang thử xem ai sẽ lùi bước khi tình hình khu vực tăng nhiệt.

Máy bay T-6 Texan II của Không quân Israel.

Một vụ việc diễn ra tuần trước giữa Israel và Syria không mấy khiến các nước phương Tây quan tâm nhưng lại thu hút sự chú ý của những nước có lợi ích địa chính trị trong khu vực. 

Đó là vụ Israel không kích các trận địa tên lửa của phong trào Hezbollah tại Syria. Về bản chất, vụ việc không có gì đáng kể và đã từng xảy ra trong quá khứ. Trong thực tế, Israel thường tấn công các chỉ huy Hezbollah và hoạt động vận chuyển vũ khí của phong trào này.


Điều khiến vụ tấn công này đáng lưu ý chính là phản ứng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông không chỉ ra lệnh phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào máy bay Israel mà còn nhanh chóng tuyên bố với truyền thông rằng sẽ không dung thứ cho những vụ tấn công kiểu vậy nữa. Lần gần đây nhất mà ông Assad cảnh báo cứng rắn Israel là về vấn đề Cao nguyên Golan năm 2013, khi đó ông đe dọa dùng vũ khí Nga để tấn công người Israel.


Qua vụ việc, nhà báo Martin Jay người Anh làm việc tại Beirut đặt ra một loạt câu hỏi: Vai trò thực sự của Israel trong cuộc chiến tại Syria là gì? Liệu Israel có đúng là không muốn liên quan tới cuộc chiến? Israel có thể là “cánh tay” của Mỹ trong khu vực được bao lâu nữa mà vẫn duy trì được quan hệ tốt với Nga? Israel sẵn sàng mạo hiểm quan hệ với Nga như thế nào và Nga sẽ đi xa tới đâu để bảo vệ ông Assad?


Trong lần xung đột với Israel này, ông Assad ở vị thế khác so với năm 2013 vì có sự hậu thuẫn quân sự toàn diện của Nga. Trong thực tế, ông đã “bóng gió” rằng muốn Nga hỗ trợ đáp trả các vụ tấn công của Israel trong tương lai.


Sau sự việc, Ngoại trưởng Israel phát đi lời đe dọa qua truyền thông rằng sẽ xóa sổ kho vũ khí phòng không của Syria. Lời đe dọa này đã làm lung lay phần nào quan hệ đang tốt đẹp của Israel với Nga. Hậu quả trước mắt là Đại sứ Israel ở Moskva đã bị Nga triệu đến để giải thích vì theo một thỏa thuận năm 2015, Israel đồng ý không cản trở ông Assad và đồng minh trong cuộc chiến ở Syria.


Vụ xung đột với Syria khiến Israel rơi vào tình thế ở giữa hai nghị trình địa chính trị đối lập của Mỹ và Nga.


Ông Michael Koplow thuộc Diễn đàn Chính sách Israel nhận định: “Cho dù cơ chế phối hợp giữa hai bên tốt tới đâu, xung đột cơ bản trong quan điểm Nga – Israel về Syria là ở chỗ: Vạch đỏ của Israel là thiết lập sự hiện diện lâu dài của Iran tại Syria, còn vạch đỏ của Nga là loại bỏ sự hiện diện của Iran tại Syria vĩnh viễn”. Nói cách khác, phải có một bên “nhún”.


Theo nhà báo Martin Jay, người cộng tác và làm việc cho nhiều hãng tin lớn như CNN, CNBC, Reuters..., mặc dù Israel, Syria và Nga đều đang bước vào giai đoạn mới điều chỉnh lại quan hệ và vai trò với nhau, nhưng cả ba đều đang “thử” xem ai sẽ lùi bước trước khi nhiệt đang tăng dần trong khu vực.


Nga chưa chính thức tuyên bố sẽ ủng hộ ông Assad nếu ông định cho tấn công máy bay Israel. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm không phải là việc Nga có ủng hộ hay không, mà là liệu nguồn lực hạn chế của ông Assad trên chiến trường có thể giúp ông được bao lâu nếu định dấn vào chiến dịch mới với Israel.


Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng ông Assad sẽ không ngu ngốc tới mức “phơi mình” cho các nhóm cực đoan dòng Sunni. Tuy nhiên, Israel cũng đang gặp rủi ro khi đe dọa tấn công ông Assad vì hai lý do: Một là Israel sẽ phải phân tán nguồn lực quân sự và khó có thể kiềm chế nếu Hezbollah ở Lebanon không kích, hai là Israel không thể liều mình chọc giận Nga và trở thành kẻ thù của Nga.


Về phần Nga, nhà báo Martin Jay cho rằng ông Putin có thể sẽ thử xem có thể tiến xa thế nào với Israel – nước vốn không đủ điều kiện để chống Nga, Hezbollah hay Iran. Ông Putin có thể dùng biên giới Israel - Syria.


Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc gần đây cảnh báo việc chính phủ Syria đáp trả các vụ không kích của Israel đã đánh dấu một giai đoạn mới trong xung đột, giai đoạn mà Israel sẽ bị đáp trả mạnh mẽ. Nếu xảy ra, cơ chế ngoại giao hiện nay giữa ba nước đang “cân bằng” trên lưỡi dao.


Theo nhà báo Martin Jay, Israel cần quan sát các dấu hiệu cảnh báo và không chọc giận “gấu Nga”. Nếu Israel có thể giữ tới cùng thỏa thuận năm 2015 với Nga ở Syria, quy tắc tương tự có thể áp dụng khi Israel tấn công Lebanon mà không bị Nga can thiệp.


Thùy Dương/Báo Tin Tức
Syria cảnh báo 'dội mưa' tên lửa vào Israel
Syria cảnh báo 'dội mưa' tên lửa vào Israel

Chính phủ Syria mới đây cảnh báo rằng căn cứ quân sự của Israel sẽ phải hứng chịu "cơn mưa" tên lửa Scud nếu Tel Aviv tiếp tục tiến hành không kích vào dân thường và cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN