Cuộc “siêu bầu cử” ở Ấn Độ được mô tả là “sự kiện lớn nhất do con người tổ chức trên thế giới”. Bắt đầu từ ngày hôm nay, 11/4 và kết thúc vào 23/5, khoảng 900 triệu cử tri (bao gồm 15 triệu cử tri lần đầu tiên đi bầu cử) sẽ quyết định số phận của gần 10.000 ứng cử viên đại diện cho trên 500 đảng phái tham gia cạnh tranh 545 ghế tại Lok Sabha (Hạ viện). Mỗi một kỳ tổng tuyển cử của Ấn Độ lại phá vỡ kỷ lục của lần trước đó, trở thành sự kiện bầu cử lớn nhất hành tinh.
Tổng tuyển cử Ấn Độ diễn ra theo 7 giai đoạn, từ 11/4 và 19/5, và toàn bộ số phiếu sẽ được kiểm vào ngày 23/5. Những bang lớn như Uttar Pradesh ở miền Bắc, với 80 ghế đại diện tại Hạ viện, sẽ bỏ phiếu trong tất cả các giai đoạn này, trong khi những bang còn lại thì mỗi bang kết thúc bỏ phiếu trong vòng một ngày.
Ủy ban Bầu cử Ấn Độ (ECI) đã chuẩn bị sẵn sàng 1 triệu điểm bầu cử và 2,33 triệu đơn vị bỏ phiếu, được phụ trách bởi trên 11 triệu nhân viên. Những nhân viên này sẽ sử dụng mọi phương tiện giao thông, từ xe buýt đến tàu hỏa, thậm chí cả cưỡi voi hay lạc đà để đưa hòm phiếu tới những cử tri cuối cùng. ECI dự đoán không cử tri nào chịu đi xa trên 2km để đến điểm bầu cử. Ở cuộc bầu cử trước, một bốt bỏ phiếu đã được dựng trong một cánh rừng ở miền Tây Ấn chỉ để phục vụ một cử tri. Một bốt khác dựng trên dãy núi Himalaya ở độ cao 4.500 mét trên mực nước biển và là điểm bỏ phiếu cao nhất thế giới.
Bên cạnh các yếu tố như tính phức tạp của xã hội Ấn Độ, chi phí khổng lồ của “lễ hội” dân chủ 5 năm một lần, việc cử tri có tham gia hay không vẫn là một mối lo ngại lớn. Kỳ bầu cử năm 2014 đã ghi nhận tỉ lệ cử tri bỏ phiếu cao nhất kể từ năm 1952, nhưng cũng chỉ đạt 66,4%. Kết quả thăm do trên Twitter cho thấy chỉ có 66% trong số 15.000 người trả lời cho biết họ đã đăng ký và dự định sẽ đi bỏ phiếu. Điều này là đáng ngại, bởi do nhận thức còn thiếu, có tới 1/3 cử tri Ấn Độ từ bỏ quyền và trách nhiệm của mình trong việc quyết định vận mệnh chính trị của đất nước.
Thách thức với Thủ tướng Modi
Không thiếu lý do cho những bất mãn của cử tri với hiện trạng đất nước. Trên khắp Ấn Độ, sự bất bình đã dâng cao: tỉ lệ tự tử ở mức cao kỷ lục, nông dân khắp nơi biểu tình phản đối những cách tiếp cận vô lý của chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề của họ. Trước khi bầu cử diễn ra, còn hé lộ thông tin cho rằng Chính phủ đang tìm cách “ém nhẹm” một báo cáo cho thấy tỉ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất 45 năm qua, từ đó dấy lên nghi ngờ về những con số tăng trưởng GDP được công bố.
Thủ tướng đương nhiệm Modi đã sử dụng cuộc xung đột biên giới với Pakistan tại Kashmir gần đây để ghi điểm. Là một người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu, ông Modi áp dụng chính sách "diều hâu" với Pakistan và tự xây dựng hình ảnh mình là một nhà lãnh đạo cứng rắn, trong khi vẫn tập trung quyền lực tại Delhi. Nhưng tổng tuyển cử Ấn Độ không bao giờ là cuộc chơi xoay quanh một nhân vật thống trị, thậm chí ngay cả khi Narendra Modi tái đắc cử, đảng của ông cũng ít khả năng giành được trên 1/3 số phiếu.
Theo tờ Guardian (Anh), hơn cả một quốc gia, Ấn Độ được ví là giống Liên minh châu Âu hơn bất cứ quốc gia châu Âu nào. 29 bang của nước này bị chia rẽ bởi nhiều cộng đồng các nền văn hóa và ngôn ngữ đa dạng đến mức cuộc tổng tuyển cử thường được hiểu như một loạt các cuộc chạy đua cấp bang, và các nhà lãnh đạo vùng luôn nằm trong số những người chơi quan trọng nhất.
Sự đa dạng bất tận của xã hội Ấn đã hạn chế sự mở rộng của bất cứ phong trào dân tộc nào. Tâm lý chống Pakistan hiện nay đang dâng cao hơn ở các bang miền Bắc gần biên giới với Pakistan hơn những vùng còn lại. Một xã hội Ấn Độ còn nhiều khác biệt giữa các bang, các khu vực cũng hạn chế năng lực của một nhà lãnh đạo, kể cả một người đầy thuyết phục như ông Modi trong điều hành đất nước.
Ở những bang khá khác biệt như Maharashtra ở miền Tây và Karrnataka ở miền Nam, ông Modi đã rất khó khăn để liên hệ với cử tri vì những bài hùng biện tiếng Hindi của ông thường bị dịch sai. Modi là bậc thầy về nghệ thuật hùng biện, nhưng trong một cuộc mít tinh vận động tranh cử ở Karrnataka, những lời kêu gọi của ông chỉ được đáp lại bằng sự im lặng, bởi đa số đám đông không hiểu ông nói gì. Mặc dù tiếng Hindi được coi là ngôn ngữ chính thức, chỉ khoảng 40% người Ấn Độ sử dụng nó.
Hệ thống chính trị chịu ảnh hưởng từ tính đa dạng văn hóa, khiến cho bất cứ nhà lãnh đạo nào lên cầm quyền cũng khó điều hành đất nước từ Delhi. Các đoàn nghị sĩ mở rộng quyền lực ở cơ quan lập pháp bang, bao gồm những quyền lực lớn về tài chính, luật, giao thông, y tế và các chức năng quan trọng khác của chính quyền. Vì thế Thủ tướng Modi phải đối mặt với 29 vị Thủ hiến đứng đầu bang, bao gồm 7 vị quản lý những "siêu bang" từ 68 triệu dân trở lên.
Trong khi đó, cử tri Ấn Độ tự coi họ trước hết là người Tamil, người Marathis hay người Bengal, sau mới là người Ấn Độ. Do vậy, khó có một đảng dân tộc chủ nghĩa nào có thể chiếm ưu thế trên toàn đất nước.
Mặc dù ông Modi vẫn được cho là ứng cử viên mạnh mẽ nhất cho ghế thủ tướng nhiệm kỳ tới, không một nhà lãnh đạo Ấn Độ nào từng chiến thắng nhờ đảng của họ giành đa số phiếu. Hầu hết số phiếu mà đảng BJP cầm quyền giành được trong mùa bầu cử 2014 đến từ “vành đai bò” ở miền Bắc, nơi “thương hiệu” chủ nghĩa dân tộc Hindu của ông Modi được biết đến rộng rãi.
Nhưng lần này thì khác. Được dẫn dắt bởi Rahul Gandhi, một hậu duệ của gia đình lập quốc Ấn Độ, đảng Quốc đại đang nỗ lực thành lập liên minh với các đảng khu vực để ngăn chặn Thủ tướng Modi. Một lực lượng quyết định hơn trong “cuộc chiến” này là các lãnh đạo đảng khu vực, bao gồm Thủ hiến Mamata Banerjee của bang Tây Bengal, Nara Chandrababu Naidu của Andhra Pradesh và Thủ hiến bang Orissa, Naveen Patnaik. Không giống ông Modi, những nhân vật này có thể không nổi tiếng bên ngoài Ấn Độ nhưng lại rất quyền lực ở bang nhà, nơi nhiều người coi họ là thủ tướng tương lai.
Bang Uttar Pradesh là bang đông dân nhất, với 200 triệu dân, vì thế cũng là “chiến địa” quan trọng nhất, nơi cựu Thủ hiến bang Akhilesh Yadav đã thành lập liên minh với một cựu Thủ hiến khác là Mayawati, để ngăn cản Thủ tướng đương nhiệm Modi trong cuộc marathon bầu cử năm nay.