Cuộc chiến giành giật Mỹ Latinh

Theo báo chí Nga, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 25/7 đã bắt đầu chuyến công du 11 ngày tới các nước Mỹ Latinh. Mục đích chính của chuyến đi là thảo luận các vấn đề hợp tác kinh tế và thúc đẩy các dự án năng lượng với các nước khu vực.


Nga, Trung cùng ve vãn


Đáng chú ý, chuyến thăm của ông Abe được tiến hành đúng một tuần sau chuyến thăm cũng tới khu vực này của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Putin không chỉ nói cho các đối tác hiểu lập trường của Nga trong vấn đề Ukraine và Crimea, mà còn ký kết được nhiều thỏa thuận về hợp tác kinh tế, khoa học-kỹ thuật và năng lượng. Kết quả chuyến thăm sẽ thúc đẩy hợp tác mọi mặt giữa Nga với các nước trong khu vực và đưa Mỹ Latinh trở thành một trong những hướng đối ngoại quan trọng của Liên bang Nga.

 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và phu nhân vẫy chào trước khi lên đường thăm Mỹ Latinh ngày 25/7. Ảnh: Kyodo


Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng vừa kết thúc chuyến thăm tới Mỹ Latinh, chuyến công du lần thứ hai tới khu vực của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Việc Trung Quốc liên tiếp có hai chuyến thăm cấp cao đến Mỹ Latinh đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Bắc Kinh tới vai trò đang lên của khu vực này. Năm 2013, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các nước khu vực đạt 261,6 tỷ USD (của Nga là 17,5 tỷ USD). Trung Quốc liên tục từ năm 2009 là đối tác thương mại lớn thứ hai của hầu hết các nước Mỹ Latinh và đối tác thương mại lớn nhất của Brazil. Năm 2013, Bắc Kinh cũng nâng mức đầu tư vào Mỹ Latinh lên 20% trong tổng số 90 tỷ USD mà nước này đang đầu tư vào nền kinh tế thế giới.


Các nhà phân tích nhận định Trung Quốc tăng cường các mối quan hệ với Mỹ Latinh trước hết là do các lợi ích kinh tế, bởi nền kinh tế nước này cần các nguồn nguyên nhiên liệu và thị trường tiêu thụ hàng hóa để duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên ông Tập Cận Bình lại quyết định thành lập quỹ đầu tư với khối lượng 20 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng ở Mỹ Latinh. Trung Quốc và các đối tác đã đạt được thỏa thuận về việc xây dựng hệ thống đường sắt nối toàn lục địa này và liên kết hai bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Hệ thống này sẽ phục vụ đắc lực cho hoạt động xuất-nhập khẩu giữa các bên. Chưa kể, Trung Quốc và Nga đã đạt được thỏa thuận khung với Nicaragua xây dựng kênh đào đi qua lãnh thổ nước này.

 

Nhật Bản không ngồi yên


Nhật Bản cũng cần các nguồn nguyên nhiên liệu từ bên ngoài, vì vậy hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới dường như đang lao vào cuộc cạnh tranh quyết liệt giành các nguồn năng lượng trên thế giới. Theo đánh giá của Nhật Bản, Nam Mỹ là thị trường tiêu thụ rộng lớn với 590 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 5.800 tỷ USD, lớn gấp 2,5 lần tổng GDP của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).


Dĩ nhiên, Mỹ không thể hài lòng ngồi nhìn các cường quốc lớn ở phía Đông bán cầu tự do thể hiện các vũ điệu ở Mỹ Latinh, nơi vốn được coi là sân sau của Washington.

Trong chuyến công du lần này, Nhật Bản mong muốn giúp đỡ Brazil khai thác mỏ dầu nước sâu có trữ lượng 50 tỷ thùng bằng việc cung cấp các công nghệ cần thiết phục vụ việc khai thác. Cùng với Trung Quốc, Nhật Bản cũng dự định tham gia các dự án phát triển hạ tầng để nhập khẩu lương thực từ Brazil, quốc gia hiện đang cung cấp tới 40% nhu cầu lương thực cho Nhật Bản.


Đáng chú ý, cộng đồng các quốc gia vùng Caribe gồm 14 quốc gia cũng thể hiện mối quan tâm tới sự trợ giúp kỹ thuật của Nhật Bản trong việc khắc phục thảm họa thiên nhiên, khai thác năng lượng và đánh bắt cá. Ngoài lợi ích kinh tế, Nhật Bản còn mong muốn nhận được sự ủng hộ chính trị của các nước khu vực trong cuộc chạy đua giành ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chuyến đi Mỹ Latinh của ông Abe diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động ngoại giao trên trường quốc tế và đưa giá trị Nhật Bản ra các khu vực.


TTK


 

Trung Quốc vươn 'sức mạnh mềm' tới Mỹ Latinh
Trung Quốc vươn 'sức mạnh mềm' tới Mỹ Latinh

Chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ Latinh từ ngày 13-23/7 là một minh chứng cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách mở mặt trận ngoại giao mới ở Tây Bán cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN