Cuộc chiến chống IS nhìn từ CH Séc

Dưới đây là bài viết đăng trên trang mạng thuộc Viện nghiên cứu Chính sách châu Âu của Séc (EUROPEUM) về “thế khó” của Pháp trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng:

Ngày 26/11, tại thủ đô Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) hội đàm với người đồng cấp Pháp Francois Hollande. Ảnh: AFP/ TTXVN

Sau vụ tấn công khủng bố tại Paris ngày 13/11, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã quyết định tăng cường mạnh mẽ các hoạt động quân sự nhằm vào lực lượng IS. Ông Hollande cũng tiến hành hoạt động “ngoại giao con thoi” nhằm thiết lập một liên minh quốc tế rộng hơn chống IS ở Iraq và Syria.

Nỗ lực của Tổng thống Pháp được thể hiện rõ ràng khi liên tiếp có các cuộc hội đàm quan trọng với Thủ tướng Anh tại Paris ngày 23/11, chuyến công du tới Washington ngày 24/11 và hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italy Mateo Renzi và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong các ngày 25-26/11.

Rõ ràng, giải pháp quân sự đang là trụ cột trong chính sách chống IS của Pháp. Tuy nhiên, trong thực tế các biện pháp này cần được đặt trong một tổng thể lớn hơn, đó là chính sách ngoại giao.Thậm chí, cả trong trường hợp biện pháp quân sự có thể giúp đạt những mục tiêu quan trọng thì đó thực chất cũng chỉ là các mục tiêu ngắn hạn, không thể thay thế cho một chính sách ngoại giao nhất quán trong dài hạn.

Xét ở khía cạnh này, dường như kế hoạch của Tổng thống Pháp Hollande trong việc thành lập một liên minh rộng lớn chống IS, trong đó có Nga, đang đặt ngoại giao nước này ở một tình thế khó khăn.

Trước hết, sự khác biệt lớn giữa các nước trong liên minh chống IS mà Pháp đang vận động thiết lập cho thấy, nếu thành công liên minh này cũng chỉ dựa trên những lợi ích chung tối thiểu của các nước tham gia, do đó khó có thể đạt được mục tiêu quan trọng nhất là giải quyết nguyên nhân gốc rễ của việc xuất hiện và phát triển của IS cũng như chủ nghĩa khủng bố quốc tế nói chung.

Mặt khác, liên minh này cũng có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông và khoảng cách trong nội bộ các nước phương Tây. Hơn nữa, nếu Pháp quan tâm tới một liên minh với Nga thì buộc phải chấp nhận nhượng bộ trong vấn đề Syria, nhất là đối với tương lai của Tổng thống Bashar al- Assad.

Pháp dường như sẽ chấp nhận sự nhượng bộ này khi trong tuyên bố cuối tuần qua ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đề cập đến khả năng hợp tác với lực lượng của Tổng thống Assad để tấn công IS trong tương lai. Mặc dù Chính phủ Pháp đã tái khẳng định quan điểm không thể thỏa hiệp về việc không chấp nhận vai trò của ông Assad trong các giải pháp chính trị ở Syria nhưng việc tăng cường quan hệ Pháp – Nga ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Trong thực tế, Tổng thống Pháp đã thừa nhận Tổng thống Nga Putin là “đối tượng có thể hợp tác”. Trong cuộc gặp mới đây hai ông đã ra tuyên bố chung khẳng định sẵn sàng hợp tác trong việc tấn công IS.

Thứ hai, kế hoạch thành lập liên minh chống IS này tác động tới mối quan hệ của Pháp với đồng minh quan trọng nhất của mình là Mỹ. Trong cuộc gặp trước đó Tổng thống François Hollande đã đề nghị với Tổng thống Mỹ Barack Obama cho tiếp cận thông tin tình báo của Mỹ ở Syria và Iraq.

Paris thực sự cần những thông tin về nguy cơ khủng bố nhằm vào nước này và các hình ảnh vệ tinh để triển khai các cuộc không kích ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, không có gì ngạc nhiên nếu việc tăng cường hợp tác với Nga đẩy Pháp vào tình thế tương tự năm 2010- bị từ chối tham gia liên minh tình báo giữa Mỹ, Canada, Anh, Australia và New Zealand.

Đặc biệt là việc Pháp cam kết chỉ dẫn cho Nga vị trí của các lực lượng đối lập “ôn hòa”, hơn nữa, trong bối cảnh quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đang leo thang căng thẳng sau vụ Ankara bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga thì sự tăng cường quan hệ Pháp – Nga có thể sẽ khiến cho mối quan hệ giữa Paris và Ankara trở nên phức tạp.


Trong khi đó Pháp và cả châu Âu đang cần sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ hơn bao giờ hết, nhất là trong việc đối phó với khủng hoảng nhập cư. Mặt khác, mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù đã đạt được thỏa thuận chung trong hội nghị thượng đỉnh gần đây, vẫn rất mong manh.

Chính sách chống IS của Pháp dường như đang khiến nước này phải đối mặt với các nguy cơ về địa chính trị mới trong tương lai, nhất là trong quan hệ với Mỹ và các nước lớn trong EU.

Cuối cùng, liên quan đến vấn đề Ukraine. Quan hệ gần gũi hơn giữa Paris và Moskva rõ ràng tác động đến sự thống nhất trong EU, nhất là với các nước Đông Âu trong bối cảnh yêu cầu đảm bảo sự đoàn kết nội bộ EU đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Thúc đẩy hội nhập châu Âu đã và đang là một trong những mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của Pháp kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Do đó, có lẽ đã đến lúc Tổng thống Hollande nên dựa vào Hiệp ước Lisbon (Điều 42.7) nhằm tìm kiếm sự trợ giúp của các nước đồng minh trong việc triển khai chính sách An ninh và phòng thủ chung cũng như trong cuộc chiến chống IS.

Nói tóm lại, Pháp cần xem xét lại một cách thận trọng các vấn đề cơ bản trong chính sách ngoại giao trước khi tiếp tục chiến dịch quân sự chống IS. Điều này là hết sức cần thiết nhằm tránh dẫn tới việc sa lầy giống như Mỹ tại Iraq. Thực tế đã chứng minh rằng không thể thể áp dụng giải pháp đơn giản trong việc giải quyết một vấn đề thực tế hết sức phức tạp như cuộc chiến chống IS.

Nguyễn Hồng Tâm (P/v TTXVN tại CH Séc)
Mỹ và phương Tây đang chống IS hay Nga?
Mỹ và phương Tây đang chống IS hay Nga?

Tờ nhật báo cánh hữu Libero (Italy) số ra mới đây đăng bài phân tích của nhà bình luận Maurizio Del Pietro với nhận định rằng, phương Tây đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi đứng ra bảo vệ cho Thổ Nhĩ Kỳ chơi trò hai mặt.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN