Ngày 19/9, tại thủ đô La Habana, Chủ tịch Cuba Raul Castro (phải) có cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hai chuyến thăm chỉ cách nhau chưa đầy một tuần của các nhà lãnh đạo Iran và Nhật Bản tới Cuba trong tháng 9 này một lần nữa cho thấy "hòn đảo tự do" đang ngày càng trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của các cường quốc.
Đầu tuần này, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có chuyến thăm ngắn Cuba – như cách nói của ông là “một quốc gia cách mạng và thân thiện” – trước khi tới Mỹ tham dự Khóa họp cấp cao của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) ở New York.
Các nhà lãnh đạo đã đưa ra những cam kết thúc đẩy các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương, cùng chứng kiến lễ ký một loạt thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và năng lượng, cũng như một bản ghi nhớ về ngành ngân hàng.
Tiếp sau chuyến thăm của nhà lãnh đạo Iran tới Cuba là chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê), dự kiến sẽ diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Nhật Bản tham dự các sự kiện tại LHQ. Đây sẽ là chuyến thăm lịch sử đầu tiên của một Thủ tướng đương nhiệm Nhật Bản tới Cuba.
Chuyến thăm hứa hẹn mở ra một chương mới trong hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế. Giới chức Tokyo khẳng định bằng việc cải thiện môi trường đầu tư, chính phủ hy vọng sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hoạt động sang Cuba, đất nước đang thu hút sự quan tâm của thế giới trong cả hai lĩnh vực công và tư, sau khi Cuba nối lại quan hệ ngoại giao với Mỹ vào năm 2015. Các tập đoàn của Nhật Bản như Mitsubishi, Mitsui và Marubeni đang nỗ lực tăng cường tham gia vào nền kinh tế Cuba.
Trong chuyến thăm này, Nhật Bản sẽ công bố khoản viện trợ trị giá 1 tỷ yên (khoảng 9,8 triệu USD) để giúp Cuba mua sắm máy móc thiết bị y tế. Nhật Bản sẽ giúp Cuba đào tạo bác sỹ thông qua việc hỗ trợ họ thực hành tại các cơ sở y tế Nhật Bản. Điều này sẽ tạo điều kiện để Nhật Bản bán thiết bị y tế tiên tiến cho Cuba.
Đáng chú ý, ngay trước chuyến thăm, giới chức Cuba và Nhật Bản đã ký thỏa thuận về tái cơ cấu các khoản nợ trong trung và dài hạn mà La Habana đang nợ Tokyo. Với thỏa thuận này, Nhật Bản nhất trí xóa tới 2/3 trong khoản nợ 180 tỷ yên (tương đương 1,75 tỷ USD) cho Cuba như một phần trong nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Không chỉ có lãnh đạo Iran và Nhật Bản, theo kế hoạch, trong tháng 9 này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng sẽ có chuyến thăm Cuba để thúc đẩy quan hệ song phương.
Đánh giá về những chuyển động ngoại giao này, giới phân tích quốc tế cho rằng đây là những bước đi tất yếu, phù hợp với xu thế vận động chung của thế giới khi Cuba đang có nhiều bước chuyển tích cực, tiềm tàng nhiều cơ hội cho phát triển và mở rộng hợp tác với các đối tác.
Những chính sách về cập nhật hóa mô hình kinh tế mà chính phủ Cuba đang thực thi đã thu được những kết quả tích cực bước đầu, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, lượng đối tác thương mại đã tăng đáng kể, các ngành kinh tế và các nguồn thu ngoại tệ cũng đa dạng hơn trong khi lĩnh vực tư nhân cũng phát triển đáng kể.
Xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ y té tiếp tục là ngành kinh tế lớn nhất, mang về cho Cuba khoảng 6-8 tỷ USD/năm. Lượng du khách tới Cuba tăng mạnh và đạt 3,5 triệu lượt người trong năm 2015 với doanh thu xấp xỉ 3 tỷ USD.
Nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài, Chính phủ Cuba cũng đang nỗ lực thực thi các biện pháp mở cửa thị trường và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Hồi tháng 11/2015, Cuba đã công bố danh mục các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài danh mục này, Cuba còn công bố sách hướng dẫn thương mại, trong đó bao gồm các thông tin về doanh nghiệp, được phân theo từng lĩnh vực hoạt động cụ thể, cũng như các quy định liên quan.
Trên lĩnh vực đối ngoại, Cuba triển khai đường lối chủ động, tích cực, đặc biệt với Mỹ, Liên minh châu Âu và một số nước lớn trên thế giới, cho thấy khả năng La Habana bước vào một giai đoạn phát triển mới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Đây là những tiền đề quan trọng để Cuba giành được những kết quả tích cực hơn trong phát triển kinh tế- xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Từ sau khi La Habana và Washington khởi động tiến trình xích lại gần nhau cuối năm 2014, nhiều đoàn ngoại giao, doanh nghiệp đã nối gót nhau đến hòn đảo Caribe này để tìm cơ hội làm ăn. Các chuyên gia kinh tế đều đã nhận thấy không ít thế mạnh của một Cuba đang trên đường mở cửa.
Đó là, Cuba có một lực lượng nhân công tay nghề cao, có vị trí địa lý chiến lược, các khu vực kinh tế trọng yếu như năng lượng, du lịch, chế biên nông phẩm, công nghệ sinh học... đều đã được chính phủ quan tâm phát triển. Những bước cải cách dưới Chính quyền Chủ tịch Raul Castro đã bắt đầu tạo chuyển biến tích cực cho nền kinh tế Cuba, vốn đang khát đầu tư và tài chính.
Các đối tác thương mại lâu dài của Cuba đang tận dụng việc cơ cấu lại nợ, hoán đổi nợ và hỗ trợ tài chính mới để cố giành được các cơ hội đầu tư vào quốc đảo này trước khi các công ty Mỹ kéo tới. Pháp, Italy, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Nga nằm trong số các nước đang tìm cách thuyết phục Cuba ký các hợp đồng với các công ty của những nước này liên quan tới các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng để đổi lại việc xóa nợ.
Trong một bức tranh toàn cảnh với những gam màu sáng như vậy, sẽ là không quá khó hiểu để lý giải về những động thái ngoại giao tích cực của thế giới với quốc đảo Caribe. Cuba đang chuyển mình và ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Đây là những tiền đề cơ bản mở ra những chân trời hợp tác mới.