Cuba: Quyết liệt tháo gỡ khó khăn kinh tế

Bất chấp những tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, cuộc bao vây cấm vận hà khắc kéo dài do Mỹ đơn phương áp đặt cũng như những hậu quả của thiên tai, nền kinh tế Cuba vẫn duy trì được đà tăng trưởng, dự kiến đạt 2,1% năm 2010 và 3,1% trong năm 2011.


Đây là kết quả của chính sách điều chỉnh, cập nhật hóa mô hình kinh tế mà chính phủ Cuba đã và đang quyết liệt theo đuổi nhằm giải quyết những khó khăn của nền kinh tế.

Mặc dù khủng hoảng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng Cu Ba vẫn duy trì tăng trưởng-Ảnh internet


Trong nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực, vốn được coi là một trong những nhiệm vụ ưu tiên chiến lược và trọng tâm của Cuba, sau chủ trương giao đất hoang cho nông dân và tăng giá thu mua nông phẩm, chính phủ Cuba đã cho phép nông dân được trực tiếp bán sản phẩm cho người tiêu dùng, thiết lập các chợ cung cấp nông phẩm tại các thành phố lớn, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và giảm chi phí vận chuyển.

Trong năm 2010, khoảng 1.100 cửa hàng bán vật liệu sản xuất đã được khai trương trên toàn quốc để phục vụ nông dân, góp phần thúc đẩy công tác khuyến nông. Trước mắt, khoảng 20 mặt hàng được bán tự do bằng đồng peso và không còn trợ giá của nhà nước.


Với chính sách mới này, Cuba dự kiến tiến tới cắt giảm một nửa chi phí nhập khẩu lương thực, thực phẩm trong tương lai.

Chính phủ Cuba cũng đã điều chỉnh chính sách sở hữu đất đai đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tăng thời gian cho thuê đất từ 50 năm lên 99 năm, chủ yếu cho các dự án phát triển du lịch và giải trí như sân golf hoặc các bến du thuyền.


Quyết định này mở đường cho việc thực hiện các dự án xây dựng sân golf và biệt thự cao cấp trong quần thể sân golf dành cho du khách nước ngoài và nhằm đảm bảo tính dài hạn cho các dự án đầu tư bất động sản, hướng tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Cuba hiện đang đàm phán với các đối tác nước ngoài về 16 dự án xây sân golf, đồng thời sẽ cho phép người nước ngoài được quyền sở hữu các bất động sản nằm trong quần thể các sân golf này. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ thập kỷ 1990 của thế kỷ trước, Cuba mở cửa thị trường bất động sản để bán cho người nước ngoài.

Chính phủ Cuba cũng đã cho phép thử nghiệm mở rộng dịch vụ taxi tư nhân và cho thuê các cửa hiệu cắt tóc và tiệm làm đẹp. Đây là lần đầu tiên các cơ sở dịch vụ được nhà nước chuyển giao cho người lao động kể từ quá trình quốc hữu hóa năm 1968.


Quyết định của chính phủ cho phép người dân được xây dựng và nâng cấp nhà cửa, mở rộng hệ thống cửa hàng bán vật liệu xây dựng trên toàn quốc với các mặt hàng đa dạng hơn cũng đã góp phần đáng kể vào việc giải quyết tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng tại Cuba.

Chính phủ Cuba cũng chủ trương cho phép mở rộng mô hình tự doanh đối với 178 ngành dịch vụ và cắt giảm 500.000 biên chế dôi dư trong khu vực nhà nước nhằm tăng hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, tiến tới tăng lương cho người lao động.


Dự kiến, nền kinh tế tự doanh có thể tạo ra khoảng 1,8 triệu việc làm trong 5 năm tới. Bước sang năm 2011, chính phủ có kế hoạch chi 130 triệu USD để nhập nguyên liệu sản xuất và những mặt hàng thiết yếu để mở rộng mô hình kinh tế tự doanh, đồng thời cung cấp tín dụng ngân hàng cho những người tham gia thành phần kinh tế tư nhân.

Nhằm phát huy những kết quả tích cực trong năm 2010, Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VI, dự kiến diễn ra vào tháng 4/2011, sẽ tập trung thảo luận và phân tích về các chính sách cập nhật hóa mô hình kinh tế đất nước.


Cuba dự kiến tiếp tục mở rộng mô hình tự doanh, cắt giảm lực lượng lao động dôi dư trong khu vực nhà nước, sửa đổi hệ thống thuế, từng bước dỡ bỏ chế độ tem phiếu trong 5 năm tới, tiết kiệm tối đa trong lĩnh vực y tế và giáo dục, cho phép các hợp tác xã và tư nhân tham gia xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ngành du lịch, tái cơ cấu nợ để tăng lòng tin đối với nhà đầu tư nước ngoài, từng bước tiến tới xóa bỏ hệ thống đồng tiền kép, loại bỏ tình trạng "cào bằng" trong chế độ lương hiện nay.


Tại kỳ họp lần thứ 6 Quốc hội khóa VII vừa qua, Chủ tịch Cuba Raul Castro nhấn mạnh sự cần thiết của việc thay đổi chính sách kinh tế - xã hội để tăng hiệu quả sản xuất, quyết liệt thực thi chính sách tiết kiệm nhằm giảm thâm hụt ngân sách.

Sau 52 năm, con thuyền Cách mạng Cuba - dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba, lãnh tụ Fidel Castro và Chủ tịch Raul Castro - tiếp tục vững bước tiến lên phía trước, kiên định với những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội, vượt qua mọi sóng gió và thử thách.


Hy vọng những giải pháp kinh tế mang tính đột phá, quyết liệt và đồng bộ mà chính phủ Cuba đã và đang theo đuổi sẽ đẩy mạnh hơn nữa công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố những thành quả của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tại Quốc đảo Caribê anh em.

Diệu Hương (P/v TTXVN tại Cuba)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN