Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vừa kết thúc chuyến thăm Nhật Bản và Thái Lan. Chuyến đi được dư luận Ấn Độ hết sức quan tâm và kỳ vọng sẽ tạo nên một “cú hích” mạnh mẽ cho chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải) và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 29/5. Ảnh: Internet |
Trước, trong và sau chuyến thăm, các phương tiện truyền thông Ấn Độ đưa tin rất rầm rộ và phân tích kỹ tầm quan trọng của mối quan hệ Ấn-Nhật, Ấn-Thái cũng như chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ trong bối cảnh địa-chính trị khu vực đang có những chuyển đổi và khái niệm chiến lược về sự giao thoa giữa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên rõ nét hơn.
Trong chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Singh đã nhấn mạnh rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang chứng kiến sự thay đổi kinh tế và xã hội mạnh mẽ ở quy mô và tốc độ hiếm thấy trong lịch sử. Khu vực này đã trải qua giai đoạn phát triển thịnh vượng và tự do chưa từng có trong hơn nửa thế kỷ qua, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Những bất đồng về lịch sử trong khu vực vẫn tồn tại mặc dù sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng; sự thịnh vượng không loại bỏ được hoàn toàn tình trạng bất bình đẳng trong và giữa các nước; vẫn còn các nguy cơ liên tục đối với ổn định và an ninh trong khu vực. Trong thời điểm đó có cơ hội lớn để vạch hướng đi mới cho châu Á trong thế kỷ 21. Với sức mạnh kinh tế toàn cầu và đầu tàu tăng trưởng đang chuyển sang châu Á, tương lai của khu vực sẽ định hình thế giới trong thế kỷ này.
Xuất phát từ quan điểm trên, Thủ tướng Singh gợi ý những lĩnh vực mà Nhật Bản và Ấn Độ có thể mở rộng hợp tác như tăng cường các cơ chế và diễn đàn khu vực nhằm góp phần phát triển cơ chế tham vấn và hợp tác, đưa ra những nguyên tắc được chấp nhận chung để giải quyết bất đồng, tăng cường sự đoàn kết trong khu vực để giải quyết những thách thức chung của hai nước; đẩy mạnh sự liên kết kinh tế và tăng cường kết nối khu vực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế rộng rãi và cân bằng trong toàn khu vực; giữ vững các nguyên tắc tự do hàng hải và thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ bắt đầu với trọng tâm kinh tế, song hiện nội dung có tính chiến lược đã tăng lên. Ấn Độ đã tăng cường quan hệ chính trị với tất cả các nước và các tổ chức như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ấn Độ chú trọng sự kết nối và tham gia tích cực trong hợp tác và an ninh khu vực như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Quan hệ với Nhật Bản là trọng tâm trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ. Quan hệ Ấn-Nhật quan trọng không chỉ vì sự phát triển kinh tế của Ấn Độ, mà còn vì Ấn Độ coi Nhật Bản như một đối tác tự nhiên và không thể thiếu trong hòa bình và ổn định tại châu Á.
Nhật Bản đang giúp Ấn Độ triển khai nhiều dự án lớn, trong đó có các hành lang công nghiệp, hành lang cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải. Nhật Bản sẽ tiếp tục giúp Ấn Độ phát triển hệ thống tàu điện ngầm, nâng cấp hệ thống đường sắt và giúp nước này phát triển tuyến cao tốc Mumbai-Ahmedabad với chiều dài 500 km và chi phí khoảng 1.000 tỷ yên (khoảng 10 tỷ USD). Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Ấn Độ bị giảm sút trong những năm gần đây và thiếu vốn đầu tư, sự giúp đỡ của Nhật Bản sẽ góp phần “gỡ bí” kịp thời cho Ấn Độ.
Mục đích chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Singh cũng nhằm thúc đẩy chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ. Thái Lan được coi là bàn đạp để Ấn Độ đẩy mạnh quan hệ hợp tác với khu vực Đông Nam Á và Đông Á; là một mắt xích quan trọng trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ và trong Đối tác chiến lược của Ấn Độ với ASEAN; đồng thời là một đối tác quan trọng trong thúc đẩy an ninh hàng hải, liên kết kinh tế khu vực và tạo nên một cấu trúc mở, cân bằng và toàn diện, neo đậu tại trung tâm ASEAN.
Nhân chuyến thăm này, Ấn Độ và Thái Lan đã ký 7 thoả thuận hợp tác, trong đó có thỏa thuận về dẫn độ, hợp tác trong lĩnh vực không gian, công nghệ thông tin, giáo dục, thiết lập các đơn vị tình báo tài chính nhằm kiểm soát hoạt động rửa tiền,… Điểm nổi bật trong chuyến thăm là Thủ tướng Singh và người đồng cấp nước chủ nhà Yingluck Shinawatra đã nhất trí ủng hộ dự án đường cao tốc Ấn Độ-Thái Lan-Myanmar và dự án hành lang Dawei do Thái Lan đề xuất. Dawei chỉ cách Bangkok 250 km về phía tây. Dự án này có vốn đầu tư 8 tỷ USD, bao gồm một cảng nước sâu ở cực Nam Myanmar. Cùng với cảng nước sâu, các cơ sở công nghiệp, nhà máy điện, trạm xăng dầu,… sẽ biến khu vực này thành một trung tâm hậu cần lớn. Cảng Dawei sẽ là điểm giao thương có giá trị của Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á. Thái Lan hiện là điểm quá cảnh ưa thích của du khách Ấn Độ tới phía Đông với gần 140 chuyến bay/tuần giữa các thành phố của Ấn Độ và Bangkok. Tuy nhiên, Ấn Độ còn mong muốn có sự kết nối thương mại mạnh hơn với Thái Lan và coi trọng vị trí của nước này trong chính sách “Hướng Đông” của mình.
Mặc dù chuyến “Đông du” khá ngắn ngủi, song Thủ tướng Singh đã mang lại hy vọng rất lớn cho dư luận trong nước. Một số tờ báo đã nói tới sự bắt tay giữa Ấn Độ và Nhật Bản nhằm phá bỏ “chuỗi ngọc trai” trong chiến lược bao vây của Trung Quốc tại khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương. Trên thực tế, kết quả chuyến đi của Thủ tướng Singh rất thiết thực và toàn diện. Những cam kết về hợp tác quốc phòng, an ninh, khoa học công nghệ, kinh tế, thương mại với Nhật Bản và Thái Lan sẽ mang lại những kết quả hiện hữu, góp phần không nhỏ giúp Ấn Độ triển khai thành công chính sách “Hướng Đông”.
Minh Lý (P/v TTXVN tại Ấn Độ)