CSIS: Việt Nam đã huy động nguồn lực nhân dân để khống chế dịch COVID-19

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), Việt Nam đã khống chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nhờ vào việc huy động nguồn lực nhân dân trong việc giám sát thực hiện cách ly và nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân.

Chú thích ảnh
Triển khai phun khử khuẩn tại thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Việt Nam nằm trong số những nước có tỷ lệ mắc COVID-19 thấp nhất thế giới và theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chúng ta là một trong những quốc gia đứng đầu trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Trong bài bình luận đăng tải trên trang web của CSIS mới đây, bà Amy Searight, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc CSIS cho biết Việt Nam cùng với Singapore là hai nước đã sớm hành động để ứng phó ngay từ khi dịch mới bùng phát. Tuy nhiên, hiện nay Singapore đang phải chống đỡ với làn sóng các ca lây nhiễm mới, trong khi  Việt Nam với trê 96 triệu dân, đã không ghi nhận thêm ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 nào trong gần 1 tuần qua. Tính đến ngày 21/4, Việt Nam có 268 mắc COVID-19 mà không có ca tử vong.

Theo bà Searight, Việt Nam đã dựa vào việc huy động nguồn lực nhân dân, cách ly xã hội và "giám sát công dân" trên diện rộng để khống chế dịch bệnh lây lan. 

Ngay từ những ngày đầu khi dịch mới bùng phát, Việt Nam đã đóng cửa tất cả các doanh nghiệp không thiết yếu, các trường học và thực hiện cách ly trên diện rộng. Một làng ở tỉnh Vĩnh Phúc là khu vực đầu tiên bị cách ly toàn bộ trong 21 ngày và hàng chục nghìn người đã được đưa đi cách ly tập trung.

Theo bà Searight, một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam khống chế dịch tốt là nhờ một mạng lưới rộng lớn những người cung cấp tin tức, giúp xác định danh tính cũng như cách ly những người bị nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 và những người đã tiếp xúc với họ. Bà Searight cho rằng hoạt động này đã phát huy hiệu quả rất cao, ngoài ra, hệ thống này nhận được sự ủng hộ của phần lớn người dân Việt Nam. 

Bên cạnh đó, Việt Nam bắt buộc khai báo y tế đối với tất cả người dân và người nước ngoài ở Việt Nam, khi nhập cảnh cũng như khi đi đến bệnh viện, tới nhà hàng, thậm chí đến các cơ sở làm đẹp hoặc massage. 

Để việc giám sát đạt hiệu quả hơn, một ứng dụng di động nhằm truy dấu các trường hợp F1, F2 khi xuất hiện các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng định vị Bluetooth đã được Bộ Thông tin & Truyền thông công bố ngày 18/4. Thông qua ứng dụng, được đánh giá là “bảo mật, ẩn danh và minh bạch” này, cơ quan y tế sẽ biết được những người nhiễm và người nghi nhiễm do tiếp xúc gần với người nhiễm virus SARS-CoV-2. 

Giám đốc phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Takeshi Kasai ngày 21/4 cho rằng người dân Việt Nam có sự hợp tác chặt chẽ với chính phủ và có ý thức kỷ luật trong việc “tuân thủ các quy tắc xã hội để giảm lây nhiễm”.

Phạm Tuân (TTXVN)
Các chính đảng trên thế giới: Việt Nam là 'nguồn động viên lớn lao' chống đại dịch COVID-19
Các chính đảng trên thế giới: Việt Nam là 'nguồn động viên lớn lao' chống đại dịch COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gây ra nhiều ảnh hưởng to lớn, trực tiếp tới toàn thế giới và nhân dân các nước, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân đã thay mặt Trung ương Đảng gửi thư thăm hỏi các chính đảng trên thế giới, chia sẻ thông tin về tình hình và các biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam, đồng thời đề xuất các biện pháp hợp tác giữa các chính đảng và các nước, cùng nhau đoàn kết, vượt qua đại dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN