Theo tờ Diplomat, chính phủ các nước Đông Nam Á chật vật kiểm soát dịch bệnh khi làn sóng COVID-19 lan rộng khắp khu vực, làm vỡ kế hoạch mở cửa trở lại và đẩy hệ thống y tế tới bờ vực sụp đổ.
Indonesia vượt Ấn Độ trở thành tâm dịch châu Á
Indonesia - quốc gia lớn nhất khu vực và bị tác động nhiều nhất trong đại dịch – gần như ngày nào cũng ghi nhận số ca mắc gia tăng. Ngày 13/7, quốc gia này có tới 47.899 ca mắc COVID-19 mới, mức cao kỷ lục và gấp hơn 7 lần con số cách đây một tháng. Kỷ lục này khiến Indonesia đứng đầu thế giới về số ca mắc mới trong ngày 13/7.
Giới chuyên gia cho rằng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia liên tục tăng trong vài tuần qua là do hệ quả của kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr hồi tháng 5, cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm, trong đó có biến thể Delta.
Điều đáng lo ngại hơn với Indonesia không chỉ là số ca mắc hàng ngày gia tăng mà còn là tỷ lệ ca mắc trên 1 triệu dân. Dân số 270 triệu của Indonesia chỉ bằng 1/5 dân số Ấn Độ nhưng Indonesia có 132 ca mắc/1 triệu dân, trong khi con số này ở Ấn Độ chỉ là 26/1 triệu dân (số liệu ngày 11/7). Tỷ lệ ca tử vong trên đầu người ở Indonesia cũng cao hơn Ấn Độ: 3 ca tử vong/1 triệu dân so với chưa đầy 1 ca tử vong/1 triệu dân ở Ấn Độ.
Con số thống kê trên còn chưa tính tới tình trạng xét nghiệm và truy vết tiếp xúc chậm chạp ở Indonesia. Tỷ lệ dương tính ở ở Indonesia ở mức 30% trong tuần trước, còn tỷ lệ này ở Ấn Độ là 2%.
Tính tổng số ca mắc và tử vong từ đầu đại dịch, Indonesia ghi nhận lần lượt là trên 2,6 triệu ca mắc và 68.219 ca tử vong.
Làn sóng lây nhiễm thứ 2 tại nước này đã khiến hàng loạt bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Để đối phó với tình hình cấp bách này, Chính phủ Indonesia đã áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp tại Java và Bali từ ngày 3-20/7 và mở rộng sang 15 khu vực khác bên ngoài 2 hòn đảo đông dân này.
Trong khi dịch ở Ấn Độ đang có chiều hướng bớt nghiêm trọng thì tình hình ở Indonesia chưa có dấu hiệu khả quan. Ngày 13/7, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Sadikin cho biết tỷ lệ giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19 ở 12 tỉnh đã vượt 70%. Tỷ lệ này tại thủ đô Jakarta còn lên tới gần 90%. Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị cho kịch bản số ca mắc có thể tăng 30% trong hai tuần tới, trong đó có việc chuyển đổi một số bệnh viện bình thường thành cơ sở chữa trị bệnh COVID-19.
Indonesia phát động chương trình tiêm vaccine COVID-19 toàn quốc vào ngày 13/1 vừa qua, với mục tiêu cung cấp vaccine cho ít nhất 181,5 triệu người để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay. Tính đến nay, quốc gia này đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho 15.190.998 người và 36.914.607 người đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên.
Malaysia, Thái Lan liên tiếp lập kỷ lục buồn
Ngày 13/7, Malaysia ghi nhận thêm 11.079 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này và lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 ca/ngày.
Bộ Y tế Malaysia cho biết đến nay nước này có tổng cộng 855.949 ca mắc COVID-19. Bang Selangor tiếp tục là địa phương ghi nhận số ca mắc mới cao nhất cả nước với 5.263 ca, tiếp đó là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur với 1.521 ca và bang Nigeri Sembilan với 1.033 ca.
Phó Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob lý giải số ca mắc mới COVID-19 ở nước này gần đây tăng mạnh là do tăng cường xét nghiệm tại đại đa số khu vực đang thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) thuộc bang Selangor và lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur.
Tình hình COVID-19 nghiêm trọng tới mức Malaysia đã đưa mối đe dọa COVID-19 vào Chính sách An ninh Quốc gia. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin cho rằng kể từ tháng 3/2020, đại dịch COVID-19 lan rộng trên quy mô toàn cầu đã gây ra các mối đe dọa đủ loại đối với đất nước và Hội đồng An ninh Quốc gia nói chung. Thủ tướng Muhyiddin cho biết phiên bản Chính sách An ninh Quốc gia 2021-2025 mới nhất đã tính đến các mối đe dọa của COVID-19 và tất cả các chiến lược để giải quyết đại dịch.
Về chiến dịch tiêm vaccine COVID-19, Thủ tướng Muhyiddin cho biết nước này nằm trong số nước có tỷ lệ tiêm vaccine tính trên dân số trong một ngày cao nhất thế giới. Theo đó, riêng trong ngày 12/7, Malaysia đã tiêm được 421.470 mũi vaccine COVID-19, mức cao nhất từ trước tới nay.
Malaysia khởi động Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 vào ngày 24/2 vừa qua, với mục tiêu 80% dân số của nước này sẽ được tiêm trước cuối năm 2021.
Tại Thái Lan, ngày 9/7 là ngày nước này ghi nhận số ca mắc cao chưa từng thấy: 9.276 ca, buộc Trung tâm Quản lý Tình hình COVID-19 áp đặt thêm các biện pháp phòng chống dịch 14 ngày nữa như giới nghiêm ban đêm, hạn chế đi lại ở thủ đô Bangkok và các biện pháp nghiêm hơn tại các “vùng đỏ”. Mặc dù số ca mắc trong các ngày sau ngày 9/7 có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Trong ngày 13/7, Thái Lan ghi nhận 8.686 ca mắc mới.
Để đối phó với dịch bệnh, Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đang đẩy nhanh thành lập các trung tâm cách ly tại địa phương nhằm đảm bảo các bệnh nhân COVID-19 được điều trị ngay lập tức và ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang cho biết BMA đặt mục tiêu thành lập 20 trung tâm như vậy và cho đến nay đã có 8 trung tâm được thành lập, 3 trung tâm nữa được khai trương trong ngày 13/7.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, do làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 đang gây áp lực lên năng lực xét nghiệm và chăm sóc sức khỏe của thủ đô Bangkok nên Thái Lan cũng cho phép thực hiện cách ly tại nhà đối với bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nhẹ và sử dụng bộ dụng cụ tự xét nghiệm tại nhà. Bộ Y tế Thái Lan và BMA đã lập 188 nhóm nhân viên y tế để chăm sóc khoảng 2.500 bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ đang được cách ly tại nhà hoặc các cơ sở cách ly cộng đồng.
Ngoài Indonesia, Malaysia và Thái Lan, các quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines, Myanmar, Campuchia… cũng vẫn chưa kiểm soát được dịch COVID-19. Bức tranh ảm đạm này cho thấy diễn biến đại dịch tại khu vực thay đổi hẳn so với năm ngoái, khi mà nhiều quốc gia Đông Nam Á dẫn đầu thế giới về thành tích kiềm chế dịch bệnh. Theo tờ Diplomat, có thể là do hơi chủ quan với thành công ban đầu mà khu vực Đông Nam Á giờ đây đang chìm trong khủng hoảng, có nguy cơ trở lại trạng thái bình thường muộn nhất thế giới.
Theo tờ báo, Đông Nam Á cần đẩy mạnh tiêm chủng vaccine khi tỷ lệ này vẫn thấp so với thế giới. Tới nay, Indonesia tiêm đầy đủ vaccine cho 5,3% dân số. Tỷ lệ này ở Thái Lan là 4,5%, ở Philippines là 2,7%, ở Malaysia là 9,6%, ở Campuchia là 23%. Với tỷ lệ trên, Thái Lan đứng thứ 118 trong tổng số 120 quốc gia về tỷ lệ tiêm chủng. Malaysia đứng thứ 114, Indonesia đứng thứ 110, Philippines đứng thứ 108, Campuchia đứng thứ 100. Singapore là quốc gia nổi bật trong khu vực khi đứng thứ 12 với 38% dân số được tiêm đầy đủ.
Ngày 13/7, Thái Lan cho biết sẽ tiêm hai loại vaccine COVID-19 của AstraZeneca và Sinovac, trong đó dùng vaccine Sinovac để tiêm mũi một và vaccine AstraZeneca để tiêm mũi hai. Mục đích là để đạt hiệu quả miễn dịch sau 6 tuần tiêm thay vì 12 tuần như thường lệ. Chuyên gia cho rằng Thái Lan không thể chờ tới 12 tuần để đạt hiệu quả miễn dịch khi ca nhiễm và tử vong tăng vọt và gây sức ép lên hệ thống y tế như hiện nay.