Tuy nhiên, các cuộc bầu cử đang trở nên mong manh và khó có thể diễn ra đúng lịch trình đã định, do các phe phái tại Libya vẫn bất đồng sâu sắc về cơ sở hiến pháp để tổ chức các cuộc bầu cử cũng như chưa có sự đồng thuận về cơ cấu quyền lực.
Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc (LHQ), các nước giềng như Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cùng với một số nước như Nga, Mỹ, Italy, Đức và Pháp đã nỗ lực thực hiện vai trò trung gian hòa giải giữa các phe phái ở Libya, nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình, với mục tiêu đem lại sự ổn định và hòa bình cho Libya như kỳ vọng của người dân nước này. Nhờ đó, tình hình Libya đã có bước tiến triển rất quan trọng trong thời gian vừa qua, khi các phe phái tham gia Diễn đàn Ðối thoại chính trị Libya đạt được thỏa thuận ngừng bắn dài hạn vào tháng 10/2020. Đây được coi là bước khởi đầu quan trọng và cần thiết để hướng tới một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột Libya, theo đó các phe phái ở nước này đạt được một lộ trình sơ bộ nhằm chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp và tiến tới tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 24/12/2021. Việc tổ chức các cuộc bầu cử theo lộ trình của Diễn đàn Ðối thoại chính trị Libya là yếu tố then chốt để thiết lập một nền hoà bình và dân chủ cho quốc gia Bắc Phi. Lộ trình ủng hộ tiến trình chính trị do LHQ làm trung gian và Libya làm chủ; ủng hộ chủ quyền, độc lập, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc ở Libya. Lộ trình cũng kêu gọi các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê rút khỏi Libya.
Song song với các vòng đàm phán của Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya, một số khuôn khổ đàm phán khác cũng đã được tổ chức nhằm thúc đẩy các bên thu hẹp bất đồng để tiến tới một giải pháp chính trị toàn diện cho quốc gia Bắc Phi. Qua hai cuộc họp của Hội nghị hòa bình về Libya diễn ra tại Berlin (Đức), các phe phái tại Libya đã thống nhất một số nội dung quan trọng, bao gồm thực thi một lệnh ngừng bắn toàn diện, tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí của LHQ, chấm dứt hỗ trợ quân sự từ bên ngoài, rút các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê ra khỏi Libya.
Mới đây nhất, tại Hội nghị Paris về Libya do Pháp đăng cai tổ chức ngày 12/11 với sự tham dự của Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italy Mario Draghi, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya Mohamed Al-Menfi cùng Thủ tướng nước này Abdel-Hamid Dbeibah, các nhà lãnh đạo thế giới đã kêu gọi Libya triển khai kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 24/12, đồng thời yêu cầu các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê rút khỏi Libya. Tuyên bố chung của hội nghị cũng cảnh báo áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ cá nhân hay thực thể, bên trong và ngoài Libya, gây cản trở quá trình bầu cử và tiến trình chính trị Libya.
Cuộc xung đột giữa các lực lượng đối địch tại Libya vẫn luôn là một trong những cuộc khủng hoảng phức tạp nhất trên thế giới, mà căn nguyên là các phe phái tại đây chưa có sự thỏa hiệp về cơ cấu quyền lực. Cuộc tranh giành quyền lực và lợi ích giữa phe phái ngày càng trở nên căng thẳng, mang tính chất của "cuộc chiến ủy nhiệm" do có sự can thiệp sâu của các nhân tố bên ngoài.
Là quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ, với trữ lượng được kiểm chứng hơn 46,4 tỷ thùng, Libya có vị trí địa chính trị rất quan trọng tại Bắc Phi-Trung Đông và khu vực vành đai Địa Trung Hải. Tiến trình chính trị của Libya luôn bị cản trở, một phần không nhỏ là do có sự can thiệp từ của các nhân tố bên ngoài, xuất phát từ các lợi ích kinh tế và địa-chính trị chiến lược của nước này. Nhiều nước, nhất là các quốc gia láng giềng, không chỉ muốn gây ảnh hưởng tại Libya mà còn rất quan tâm đến các lợi kinh tế, đặc biệt là nguồn dầu mỏ khổng lồ cũng như các dự án tái thiết ở Libya. Chính vì thế, một số nước trong khu vực đã tăng cường hỗ trợ cả về tài chính và quân sự cho các bên đối địch tại Libya, khiến cho cuộc xung đột mang màu sắc "cuộc chiến ủy nhiệm" tại đây trở nên ngày càng phức tạp và khó giải quyết.
Libya là một trong những nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi làn sóng "Mùa Xuân Arab" quét qua khu vực Bắc Phi-Trung Đông hồi đầu năm 2011. "Mùa Xuân Arab" cùng với sự can thiệp quân sự của Mỹ và phương Tây đã đẩy Libya vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Sau khi chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar al-Gadhafi bị lật đổ năm 2011, Libya bị chia cắt và chìm sâu trong cuộc nội chiến triền miên. Từ năm 2014, Libya chứng kiến hai chính quyền cùng tồn tại. Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj ở thủ đô Tripoli nhận được sự ủng hộ của LHQ và được Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Trong khi đó, chính quyền ở miền Đông được lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn, Ai Cập và UAE ủng hộ, đồng thời nhận được sự ủng hộ về chính trị từ một số nước như Mỹ, Nga và Pháp.
Xung đột và bạo lực đã đẩy cuộc sống của người dân tại đất nước từng được xem là thịnh vượng tại Bắc Phi này vào cảnh khốn khó. Cuộc khủng hoảng Libya cũng đã tạo "khoảng trống an ninh" để các nhóm khủng bố và cực đoan, trong đó có tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, hoành hành. IS và các nhóm cực đoan khác đã thực hiện nhiều vụ tấn công trên khắp đất nước trong thời gian dài, khiến tình hình an ninh tại Libya trở nên bất ổn nghiêm trọng. Bên cạnh đó, bất ổn chính trị-an ninh tại Libya cũng đã gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi hàng triệu người di cư và tị nạn tràn vào quốc gia Bắc Phi từ các nước trong khu vực để vượt Địa Trung Hải vào châu Âu.
Để từng bước thực hiện lộ trình chính trị, chấm dứt xung đột và mang lại cuộc sống hòa bình cho người dân Libya, các phe phái chính trị tại quốc gia Bắc Phi cũng như các nhân tố bên ngoài cần thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và những nội dung đã kết luận tại Hội nghị Berlin và Hội nghị Paris về Libya, cũng như các kết quả đạt được của Ủy ban quân sự hỗn hợp Libya 5+5, đặc biệt là việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn lâu dài, chấm dứt hỗ trợ quân sự từ nước ngoài, thực hiện nghiêm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Libya. Bên cạnh đó, các phe phái của Libya cũng cần có sự thỏa hiệp và thống nhất về mọi vấn đề trong tiến trình đối thoại và hòa giải dân tộc, nhất là cơ sở hiến pháp để tổ chức các cuộc bầu cử vào cuối năm nay, vì lợi ích của người dân Libya và sự ổn định trong khu vực.