Trên mạng xã hội Twitter, người phát ngôn Quốc hội Libya, Abdullah Bliheg, xác nhận cơ quan lập pháp nước này "đã thông qua luật về các cuộc bầu cử Hạ viện trong phiên họp ngày 4/10". Trong khi đó, tuyên bố của Quốc hội Libya nêu rõ: "Chúng tôi đã hoàn thành cơ sở lập pháp phục vụ cho tiến trình bầu cử tổng thống và Quốc hội diễn ra ngày 24/12, khép lại một trong những chương đen tối nhất của lịch sử hiện đại Libya và mở ra giai đoạn mới của hòa bình và phát triển bền vững". Đạo luật cho phép tiến hành một cuộc bầu cử lập pháp một tháng sau ngày bầu cử tổng thống 24/12 và Quốc hội duy trì số ghế hiện nay.
Động thái trên diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh ký thông qua luật bầu cử tổng thống mà phe đối lập cho rằng đã bỏ qua nguyên tắc công bằng và thể hiện sự hậu thuẫn cho chiến dịch tranh cử của đồng minh ông Saleh, Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu quân đội ở miền Đông.
Libya rơi vào khủng hoảng kể từ năm 2011 sau khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ. Từ đó, quốc gia Bắc Phi này luôn trong tình trạng bị chia rẽ giữa hai chính quyền đối địch, được các lực lượng nước ngoài và các tay súng trong nước hậu thuẫn. Tháng 10/2020, các phe phái tham chiến tại Libya đã đồng ý thỏa thuận ngừng bắn. Một chính phủ lâm thời thống nhất đã được thành lập vào tháng 3 năm nay để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, việc các bên vẫn chưa thể thống nhất cơ sở xây dựng hiến pháp sau nhiều vòng đàm phán đang làm dấy lên hoài nghi về khả năng tổ chức bầu cử vào cuối năm nay.
Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban Kinh tế và Xã hội của LHQ về Tây Á (ESCWA) mới đây đã phát triển một dự án tầm nhìn nhằm mang lại sự phát triển ổn định và toàn diện cho Libya và ngăn nước này rơi vào tình trạng xung đột một lần nữa. Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ESCWA đánh giá việc mang lại hòa bình cho Libya sẽ tạo ra cơ hội và lợi ích kinh tế cho các đối tác thương mại chủ chốt của Libya bao gồm Italy, Đức, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở Sudan, Ai Cập, Tunisia và Algeria. ESCWA cũng cho biết cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011 đã gây thiệt hại khoảng 580 tỷ USD cho nền kinh tế Libya, và con số này có thể gia tăng nếu xung đột và bất ổn chính trị tiếp diễn.