Libya và các nước láng giềng nhất trí hợp tác để rút binh sĩ nước ngoài

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông, Ủy ban Quân sự Hỗ hợp Libya 5+5 (JMC) ngày 1/11 đã nhất trí với đại diện các quốc gia láng giềng Sudan, Chad và Niger hợp tác đẩy đủ để đảm bảo tất cả các binh sĩ nước ngoài thuộc các nước này rút khỏi lãnh thổ Libya.

Chú thích ảnh
Lực lượng thuộc Chính phủ đoàn kết dân tộc GNA do LHQ bảo trợ trong cuộc xung đột với các tay súng đối lập thuộc Lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) tại mặt trận Al-Ramla ở Tripoli. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Hãng thông tấn MENA của Ai Cập ngày 1/11 cho biết trong cuộc họp kéo dài hai ngày từ ngày 30/10 do Cairo đăng cai tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ), đại diện ba nước Sudan, Chad và Niger đã bày tỏ sẵn sàng tiếp nhận các binh sĩ của họ và phối hợp với các bên ở Libya để đảm bảo các binh sĩ đó không quay trở lại quốc gia Bắc Phi này.

Cuộc họp nói trên, với sự tham dự của Đặc phái viên LHQ về Libya Ján Kubiš, được thúc đẩy để thực hiện các kết quả của cuộc họp diễn ra ngày 8/10 tại Geneva (Thụy Sĩ) của JMC. Theo kết quả cuộc họp, các phe phái ở miền Đông và miền Tây Libya đã nhất trí một kế hoạch hành động để thực hiện việc "rút theo từng giai đoạn" các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê ra khỏi lãnh thổ Libya.

JMC, được thành lập vào năm 2020, là một trong ba cơ chế thuộc khuôn khổ tiến trình hòa giải do LHQ bảo trợ nhằm đảm bảo việc rút tất cả binh sĩ nước ngoài khỏi Libya. Hàng nghìn lính đánh thuê và chiến binh nước ngoài đã được các thế lực nước ngoài khác nhau đưa đến quốc gia giàu dầu mỏ ở Bắc Phi này.

Tất cả các bên tham gia cuộc họp ở Cairo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các kênh liên lạc "thường xuyên và hiệu quả" để chấm dứt tình trạng khó khăn kéo dài nhiều năm, vốn đang cản trở sự ổn định của Libya.

Hồi tháng 10/2020, các phe phái ở miền Đông và miền Tây Libya đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn do LHQ làm trung gian sau nhiều năm xung đột. Vào đầu năm nay, các bên tại Libya cũng đạt được một tiến trình chính trị song song được quốc tế công nhận nhằm thống nhất đất nước. Một chính phủ lâm thời của Libya đã được thành lập để lãnh đạo đất nước tiến tới các cuộc bầu cử vào tháng 12/2021.

Trong những tháng gần đây, Ai Cập đã tổ chức một loạt cuộc họp nhằm thu hẹp bất đồng và thúc đẩy đối thoại giữa các phe phái tại Libya.

Nguyễn Trường (TTXVN)
Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya và UNSMIL thảo luận kế hoạch rút các lực lượng nước ngoài
Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya và UNSMIL thảo luận kế hoạch rút các lực lượng nước ngoài

Ngày 27/10, Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya Mohammed Menfi và người đứng đầu Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) Jan Kubis đã thảo luận về những diễn biến mới nhất tại nước này cũng như các bước nhằm rút các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê khỏi lãnh thổ Libya.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN