Ai Cập ủng hộ các nỗ lực thực hiện lộ trình chính trị Libya

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry ngày 21/10 đã khẳng định với Thủ tướng Libya Abdel-Hamid Dbeibah rằng nước này ủng hộ tất cả các nỗ lực nhằm thực hiện đầy đủ lộ trình chính trị đã được các phe phái Libya thống nhất và đảm bảo rút tất cả các lực lượng quân đội nước ngoài ra khỏi lãnh thổ quốc gia Bắc Phi này.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry phát biểu tại cuộc họp báo ở Cairo ngày 11/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập, phát biểu tại cuộc gặp với Thủ tướng Libya Dbeibah bên lề Hội nghị quốc tế về Ổn định Libya diễn ra ngày 21/10 tại thủ đô Tripoli, Ngoại trưởng Shoukry nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ lộ trình chính trị sẽ đáp ứng nguyện vọng của người dân Libya về một tương lai tốt đẹp hơn và góp phần khôi phục an ninh, ổn định, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Libya.

Về phần mình, Thủ tướng Libya Dbeibah đã đánh giá cao vai trò và sự hỗ trợ của Ai Cập nhằm đạt được sự ổn định tại Libya, thúc đẩy một giải pháp chính trị và đưa quan điểm của các bên ở Libya đến gần nhau hơn.

Hội nghị quốc tế về Ổn định Libya diễn ra hai tháng trước khi các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội được tổ chức vào ngày 24/12 theo kế hoạch đã định, như một phần của lộ trình chính trị được tất cả các phe phái ở Libya thống nhất theo một kế hoạch hòa bình do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ. Hội nghị quy tụ các đại diện đến từ hàng chục quốc gia và các tổ chức quốc tế, bao gồm LHQ, Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn Arab (AL) và Liên minh châu Phi (AU), Ai Cập, Algeria, Tunisia, Morocco, Sudan, Malta, Chad, Niger, Saudi Arabia, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Bahrain, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Anh, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italy, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Nga, Trung Quốc và CHDC Congo.

Ai Cập đã nhiều lần khẳng định phải tổ chức các cuộc bầu cử ở Libya theo đúng lịch trình, như một bước đi quan trọng nhằm chấm dứt xung đột kéo dài hơn một thập niên ở nước này. Trước đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 18/10, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy tiến trình chính trị Libya, tổ chức các cuộc bầu cử vào tháng 12 tới và rút tất cả các lực lượng nước ngoài khỏi Libya.

Hồi tháng 9/2021, quốc hội có trụ sở tại miền Đông Libya đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU), đặt ra một thách thức mới đối với nỗ lực tổ chức các cuộc bầu cử theo kế hoạch. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này đã không đảm bảo được "ngưỡng pháp lý tối thiểu" để loại bỏ GNU. Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry nhấn mạnh rằng lộ trình chính trị được Diễn đàn Đối thoại Chính trị Libya thống nhất và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ủng hộ vẫn là cách tiếp cận được cộng đồng quốc tế chấp nhận để chấm dứt xung đột ở Libya.

Nguyễn Trường (TTXVN)
Hội nghị ổn định Libya ra tuyên bố bác bỏ sự can thiệp của nước ngoài 
Hội nghị ổn định Libya ra tuyên bố bác bỏ sự can thiệp của nước ngoài 

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Bắc Phi-Trung Đông, Ngoại trưởng Libya Najla Al-Mangoush ngày 21/10 cho biết tuyên bố cuối cùng của Hội nghị ổn định Libya đã tái khẳng định chủ quyền, thống nhất và độc lập của Libya, đồng thời bác bỏ sự can thiệp của nước ngoài và kêu gọi tất cả các phe phái ở Libya chấp nhận kết quả của các cuộc bầu cử sắp tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN