Nền kinh tế của Ukraine đang trong giai đoạn khủng hoảng. Các chuyên gia cảnh báo rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ giảm khoảng 6-12% và lạm phát có thể vượt quá 40% trong năm 2015. Cuộc xung đột ở khu vực miền đông đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sản xuất công nghiệp của Ukraine. Để ngăn chặn Ukraine rơi vào cảnh vỡ nợ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đồng ý cung cấp một gói cứu trợ tài chính cho Kiev trị giá 40 tỷ USD có thời hạn 4 năm, vào tháng 3 vừa qua.Khi chính phủ Ukraine và IMF đạt được thỏa thuận này, công ty xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s và Standard & Poors đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Ukraine. Theo Tiến sĩ Yuri Poluneev, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Ngân hàng Quốc gia Ukraine, những tin xấu cho thấy một tín hiệu rõ ràng: Khoản vay trên đã không thể thuyết phục các nhà đầu tư rằng Ukraine có thể khôi phục lại mức độ tín nhiệm của mình trong tương lai gần.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái), Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong cuộc gặp ngày 28/4 để bàn các biện pháp hỗ trợ tài chính cho Kiev. Ảnh: Kiev Post |
Để đổi lấy gói cứu trợ tài chính trên, Ukraine đã đồng ý duy trì tính linh hoạt về tỷ giá, chính sách tiền tệ nhằm phục hồi sự ổn định giá cả, cơ cấu lại ngành năng lượng và chống tham nhũng. Nhưng không có một điều khoản cụ thể nào về phần trái phiếu trong thỏa thuận chính thức được công bố, và đó là phần quan trọng nhất.
IMF từng cảnh báo việc vi phạm lệnh ngừng bắn ký giữa chính quyền Kiev và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, hay thất bại trong việc dàn xếp lại nợ với các nhà cho vay tư nhân hay những rắc rối chính trị ở Ukraine có thể phá hỏng kế hoạch cứu trợ của IMF dành cho Ukraine. Chính phủ Kiev đã bắt đầu đàm phán với các chủ nợ về khoản vay 15 tỷ USD trong khuôn khổ gói cứu trợ tài chính. Thỏa thuận nợ phải được hoàn tất trong vòng ba mươi ngày. Nếu không đạt được, IMF có thể sẽ tạm ngừng chương trình cho vay của Ukraine vào tháng 6 tới.
"Những gì người ta đang thực sự tìm cho ra là các chi tiết về cơ cấu lại nợ của Ukraine", William Jackson, một nhà kinh tế thuộc Capital Economics có trụ sở tại London, Anh nói với Bloomberg.
Chính phủ Ukraine từng cảnh báo rằng tái cơ cấu có thể sẽ gắn kèm với cắt giảm chi tiêu lớn. Các công ty tham vấn nợ chỉ ra rằng chính phủ của Ukraine có thể phải cắt giảm 30-40% chi tiêu để đổi lấy các khoản nợ nước ngoài trong giai đoạn 2015-2018.
Cho đến nay, những gì chúng ta biết về chiến lược tái cơ cấu nợ chính thức của Ukraine có vẻ nhằm gây áp lực để đạt được mục đích: hoặc là các chủ nợ của Ukraine phải nhượng bộ hoặc là vỡ nợ tài chính hàng loạt; ngoài ra không có một lựa chọn nào khác. Ông Yuri Poluneev cho rằng, biện pháp tái cơ cấu nợ hiện tại không phải là chiến lược đúng đắn cho một quốc gia đang trong cuộc khủng hoảng. Thay vào đó nó cần được bổ sung bằng bốn bước dưới đây để có thể ngăn chặn Ukraine rơi vào cảnh vỡ nợ:
Đầu tiên, IMF nên xem lại các điều kiện của mình về khoản nợ 5 tỷ USD. Ukraine cần phải có thêm thời gian để đàm phán về các khoản nợ và chiến lược tái cơ cấu với các chủ nợ.
Thứ hai, các chủ nợ chủ chốt của Ukraine nên làm nhiều hơn. Các số liệu quốc tế được công bố, chẳng hạn như của George Soros, đã cho thấy một cách thuyết phục về sự cần thiết để thế chấp nhiều nguồn tài nguyên hơn nhằm hỗ trợ Ukraine.
Thứ ba, một chiến lược tái cơ cấu nợ phải bao gồm một lựa chọn mang tính tự nguyện đối với tỷ lệ hoán đổi nợ so với vốn để những nhà đầu tư có thể sẵn sàng chuyển đổi trái phiếu thành tài sản được lựa chọn. Trong năm những năm 1990, giao dịch hoán đổi kiểu này là công cụ trong việc thu hồi nợ của một số nước ở Mỹ Latinh.
Cuối cùng, người dân Ukraine nên được tham gia đóng góp vào việc giảm nợ của đất nước. Các hộ gia đình tại Ukraine ước tính đang cất giữ khoảng 20 – 30 tỷ USD, trong khi khoảng 140 tỷ USD tài sản có liên quan đến Ukraine được tích lũy ở nước ngoài.
Một cách tiếp cận khác để cơ cấu lại nợ cũng là điều cần thiết, mà không làm xói mòn giá trị hoặc niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế. Tất nhiên nó cần phải được đi kèm với việc cải cách thị trường nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút các khoản thu ngoại tệ, quy chế tài chính phù hợp, chế độ thuế tốt hơn và bãi bỏ những quy định bất hợp lý, đồng thời đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Nhưng hiện nay, điều này còn phụ thuộc vào thỏa thuận mà Ukraine sẽ đạt được với các chủ nợ.
Công Thuận (Theo N.I)